Chung cư tiền tỷ bị trộm cắp `ghé thăm`

ngày 17/09/2014

Bỏ hàng tỷ đồng để mua chung cư cao cấp, đồng thời phải đóng phí dịch vụ bảo vệ hằng tháng nhưng cư dân tại một số khu chung cư ở Hà Nội vẫn cảm thấy bất an trước nạn trộm cắp.

Đây là thực trạng đang xảy ra tại một số khu nhà như Golden Land (Thanh Xuân), Văn Phú (Hà Đông)...

Dù một số khu chung cư chưa bàn giao căn hộ nhưng đã bị đạo tặc tấn công. Anh Nguyễn T. (phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) bức xúc khi chưa nhận bàn giao căn hộ tại dự án Golden Land (275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã bị mất nội thất, cửa sổ, cửa kính tại căn hộ có giá trị gần 3 tỷ đồng.

“Khi chưa vào ở thì mọi tài sản trong căn hộ vẫn thuộc sự quản lý của chủ đầu tư. Căn hộ tôi mới chỉ bàn giao phần thô, đến xem căn hộ phải qua nhiều lớp bảo vệ tòa nhà. Tôi không hiểu sao mà toàn bộ nội thất của căn hộ biến mất. Chưa về ở mà tôi thấy tòa nhà mất an ninh trật tự thế này, không biết sau khi về ở thì trộm sẽ ngang nhiên hoạt động ra sao”, anh T. bức xúc nói.

chung cư
Tòa nhà Golden Land dù chưa hoàn thiện để bàn giao căn hộ cho khách nhưng đã xảy ra tình trạng trộm cắp.

Chị Xuân Lan sống tại khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) chưa hết bức xúc khi kể lại chuyện trộm bẻ cửa sổ ban công trèo vào nhà mình. Chị Lan chia sẻ: “Cứ tưởng sống ở chung cư cao cấp sẽ an toàn nhưng hóa ra lại mất an toàn hơn ở nhà thấp tầng. Chung cư có Ban quản lý và bảo vệ chốt 24/24 nhưng khi xảy ra mất cắp thì không ai chịu trách nhiệm”.

Sau lần bị trộm “ghé thăm”, chị Xuân Lan phải tự thay cửa ban công và cửa ra vào vì không tin tưởng độ chắc chắn của cửa do chủ đầu tư xây dựng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các chung cư cao cấp tại Hà Nội như: Hồ Gươm Plaza (Hà Đông), Thăng Long Garden (Hai Bà Trưng), khu đô thị mới Văn Khê (Hà Đông)... đều có Ban quản lý điều hành các dịch vụ như: trông xe, bảo vệ, vệ sinh... Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, hầu hết các Ban quản lý chưa giải quyết thỏa đáng khi tòa nhà xảy ra hiện tượng trộm cắp.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Ban quản lý khu nhà Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, những tòa chung cư thời gian đầu đều được các Ban quản lý của chủ đầu tư quan tâm giám sát, nhưng khi những đơn vị này rút đi thì công tác đảm bảo an ninh trật tự lại chưa được quan tâm đúng mức.

“Nhiều chủ đầu tư trước đây thuê công ty vệ sỹ làm bảo vệ nhưng khi đã bàn giao lại cho địa phương thì chỉ còn lực lượng làm công tác trông giữ xe kiêm bảo vệ tòa nhà. Một tình trạng chung nữa tại các chung cư hiện nay là lực lượng bảo vệ quá mỏng. Có những khu chung cư với hàng trăm hộ dân nhưng hầu như chỉ có 3- 4 nhân viên bảo vệ, lại kiêm nhiệm rất nhiều việc như trông xe, đi tuần, gác cổng.... Vì vậy, việc trộm cắp xảy ra tại chung cư trước hết thuộc về lỗi của Ban quản lý”, ông Bình nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Tiến Dũng, Phó trưởng Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, trách nhiệm của các vụ trộm cắp trước tiên thuộc về chủ đầu tư. “Chúng tôi đang rà soát tại các dự án chung cư trên địa bàn xem đơn vị nào có Ban quản lý, đơn vị nào không. Ban quản lý chịu trách nhiệm tình hình an ninh của tòa nhà và cảnh sát phường, quận phối hợp quản lý. Hiện nay, tại một số tòa nhà thường xuyên thay đổi Ban quản lý. Trong khi đó, Ban quản lý lại thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương nên xảy ra tình trạng trộm cắp tại nhiều khu chung cư”, ông Dũng cho biết.

Nguồn: VTC News

{fcomment}