Cách tính nợ công của VN… “không giống ai”

ngày 18/10/2014

Cách tính nợ công của Việt Nam khác thế giới rất nhiều. Nợ công của Việt Nam chỉ nói đến nợ của chính phủ và bộ máy công quyền, không hề nói tới nợ của doanh nghiệp nhà nước... Con số nợ công 64% GDP chỉ phản ánh một nửa thực tế.

Đó là quan điểm của Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới về tình hình nợ công của Việt Nam hiện nay.

Cách tính nợ công khác thế giới

Cách tính nợ công của VN… “không giống ai” - 1

Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới

Theo báo cáo của Chính phủ, nợ công của Việt Nam đang ở mức “suýt soát” 64% GDP trong khi Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Việt Nam quy định nợ công không được vượt quá 65% GDP. Ông có quan điểm gì về điều này?

Ông Bùi Ngọc Sơn: Có nhà nợ vài tỷ thì bình thường nhưng có nhà nợ 5 – 10 triệu cũng là nguy hiểm rồi. Quan trọng là do tiềm lực từng nhà. Nếu so nợ công với GDP , Nhật nợ tới 200%, Mỹ nợ 100% mà không vấn đề gì. Trong khi đó, Argentinavỡ nợ khi nợ công mới ở mức 54% GDP.

Điều quan trọng là phải xem tốc độ gia tăng nợ nhanh hay chậm so với tốc độ tăng trưởng của GDP và triển vọng phát triển của nền kinh tế. Argentina vỡ nợ vì tốc độ gia tăng nợ rất nhanh, không kiểm soát được chi tiêu của chính quyền địa phương, phát hành trái phiếu vay nước ngoài ồ ạt, trong khi xuất khẩu lại rất kém.

Nước ngoài khi cho anh vay sẽ căn cứ vào khả năng tăng trưởng và năng lực xuất khẩu. Nếu tăng trưởng chậm, xuất khẩu có vấn đề thì lập tức ngã gục ngay vì không còn ai muốn đưa tiền vào đất nước đó cả. Đó là thảm họa đã xảy ra ở Argentina.

Còn tại Việt Nam, thưa ông?

Nhiều chỉ số tăng trưởng của Việt Nam hiện vẫn ở mức tạm được, khoảng 5,4%. Xuất khẩu có nhiều tiềm năng tăng trưởng tốt nên người ta vẫn cho vay. Tuy vậy, nếu cứ trong trạng thái này thì chúng ta làm được bao nhiêu trả nợ bấy nhiêu, lúc nào cũng ở trong trạng thái nếu có vấn đề gì, người ta ngừng cho vay là rất khó khăn.

Nợ công 64% GDP theo báo cáo đã thể hiện hết thực tế?

Điều nguy hiểm là cách tính nợ công của Việt Nam khác thế giới rất nhiều. Nợ công của Việt Nam chỉ nói đến nợ của Chính phủ và bộ máy công quyền, chứ chưa hề nói tới nợ của doanh nghiệp nhà nước, các xí nghiệp công ích mà nhà nước phải chịu trách nhiệm, bảo hiểm xã hội. Tức là nếu có trục trặc khó khăn gì đó ở các khu vực trên thì nhà nước phải bỏ ngân sách ra trả. Nhưng trong định nghĩa nợ công không có các khoản đó nên không chuẩn bị tiềm lực để giải quyết vấn đề xấu xảy ra.

Như vậy rất lộn xộn, mà trách nhiệm đó không đẩy vào ai được. Nói cách khác, chúng ta chỉ công nhận từ nợ công của thế giới chứ không công nhận tiêu chuẩn nợ công của thế giới.

Nên có sự khác biệt là trong năm ngoái, chúng ta báo cáo nợ công chiếm 54% GDP, thì có nguồn tính ra lên tới 106% GDP. Còn năm nay, con số đó có thể cao hơn nhiều. Con số 64% chỉ phản ánh một nửa thực tế.

Vậy theo tiêu chuẩn quốc tế, nợ công của Việt Nam đang ở mức nào, theo ông?

Xét vì thực chất, nợ công đang ở mức “rất nguy hiểm” nếu theo tiêu chuẩn của quốc tế từ lâu rồi.

Sử dụng ngân sách cũng… không giống ai

Điều gì đã đẩy nợ công lên mức “rất nguy hiểm” như ông nói?

Nợ công của Việt Nam không thể giảm vì chính sách chi tiêu của Chính phủ cũng không giống thế giới. Chi tiêu thường xuyên của chúng ta như Quốc hội nói năm ngoái là 72% ngân sách, có nghĩa là sang năm phải dành tới 32% ngân sách để trả nợ, còn lại 68% dành cho chi tiêu vàphát triển. Thậm chí chi tiêu cũng không đủ thicòn gì để dành cho phát triển.

Rơi vào tình trạng này là do ngân sách được chi cho nhiều khu vực mà đáng ra phải là nơi kiếm tiền về cho ngân sách, ví như điện ảnh, thể thao, doanh nghiệp nhà nước… Ở các nước khác, đó là những nơi kiếm tiền ra rất nhiều và đóng thuế vào cho ngân sách chứ không phải được lấy tiền ngân sách mà sống như Việt Nam.

Chi ngân sách thường xuyên hiện đang quá khổng lồ, phình to, trong khi mỗi bộ ngành lại xin mở rộng bộ máy.

Ở các nước khác không dùng ngân sách để xây sân bay, cảng biển nhưng chúng ta dùng ngân sách vào việc này nên các tỉnh đua nhau xin ngân sách xây cảng biển, xây sân bay, khu công nghiệp. Chưa hết, mỗi bộ ngành chúng ta lại có trường đại học, bệnh viện riêng trong khi đáng ra bệnh viện thuộc về y tế và do doanh nghiệp kinh doanh, đóng thuế

Theo tôi, đó là những việc của doanh nghiệp nên nhà nước chỉ cấp phép cho làm và quản lý còn doanh nghiệp tự tính kinh doanh sao cho có lãi.

Chúng ta nhìn thấy bài học vay tiền, đầu tư bừa bãi của Hy Lạp. Nước này mỗi năm chi tới 300 triệu euro cho các đài truyền hình. Vì thế chính phủ cải cách, cắt giảm khoản đầu tư thì lập tức bị phản đối, chống lại cho tới khi vỡ nợ hoàn toàn.

Xin cảm ơn ông!

Theo 24h

{fcomment}