Bài học từ chiếc áo phao

ngày 25/04/2017

 Mở các trang báo ra, hầu như vào thời điểm nào trong năm cũng có thông tin về những vụ đuối nước, với nạn nhân ở đủ các lứa tuổi. Nguyên nhân cũng rất nhiều, nhưng trong đó nổi cộm là hầu hết những vụ tai nạn trên sông nước dẫn đến tử vong đều do không trang bị, không mặc áo phao.

Bài học từ chiếc áo phao

Dù rằng tai nạn không ai lường trước được, nhưng nếu trang bị, mặc áo phao thì tính mạng sẽ phần nào được bảo vệ. Lạ một điều, truyền thông đã đưa tin đuối nước, chìm tàu, phà, đò... rất nhiều nhưng hành khách khi tham gia giao thông đường thủy vẫn cứ lơ là. Nói không ngoa, nhiều lần về miền Tây Nam Bộ công tác tôi cảm thấy ái ngại khi nhiều hành khách đi đò không mặc áo pháo. Thậm chí là trẻ con, chúng vô tư nhoài người ra mạn đò đùa giỡn, ngắm bọt nước mà phụ huynh vẫn dửng dưng.

Dù biết rằng người miền Tây sống trong không gian sông nước mênh mông, có bản năng giỏi bơi lội như rái cá ngay từ lúc nhỏ, nhưng ai dám chắc được điều gì sẽ xảy ra. Đúng là nhiều lần tôi chứng kiến những đứa trẻ độ chừng 5 - 8 tuổi bơi lội tung tăng trên kênh rạch, từ trên cầu cao nhảy xuống sông kiểu trồng chuối ngược, rất cừ khôi. Nhưng, nếu chẳng may có tàu to đi ngang, với tốc độ nhanh, mạnh, sóng dập liên tục, sức con nít đang bơi giữa dòng không trụ được có thể bị cuốn đi.

Cứ nhìn cách du khách ngoại quốc khi đi biển, hồ tham quan, họ đều yêu cầu chủ tàu phải đưa áo phao để họ mặc vào. Dù trong số đó đều biết bơi nhưng họ không dám đùa giỡn tính mạng của mình với hà bá. Trong khi người Việt ta, thói quen tham gia giao thông trên sông nước không mặc áo phao vẫn duy trì.

Đã đến lúc mỗi người cần phải ý thức về việc này. Cần tự giác mặc áo phao khi đặt chân lên tàu. Nếu chủ tàu không trang bị, phải rời khỏi tàu ngay. Mặc áo phao là để tự cứu mình, cứu người trong những trường hợp nguy hiểm trôi trên sông nước. Đừng để vương lại nỗi đau cho người thân chỉ vì chiếc áo phao không mặc trên người.

Nguồn GDTĐ