Ấm áp sáng kiến từ thiện của Việt Nam

ngày 21/04/2020

Hãng tin Tân Hoa Xã (Trung Quốc) hôm 19-4 có bài viết đề cao sự tử tế tại Việt Nam đã tạo hiệu ứng lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Bài viết đưa tin về các sáng kiến từ thiện trong đại dịch Covid-19, điển hình là siêu thị miễn phí.

Sự tử tế lên ngôi

Chương trình "Siêu thị hạnh phúc 0 đồng" ở TP Hà Nội trưng bày nhiều loại mặt hàng đủ để chuẩn bị một bữa ăn ngon cho gia đình, từ gạo, mì ăn liền, trứng đến gia vị như đường, muối và nước mắm. Bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể đến nhận miễn phí, miễn là tổng giá trị các mặt hàng được chọn không quá 100.000 đồng.

Một ví dụ hỗ trợ cộng đồng khác được hãng tin Reuters đăng tải là câu chuyện của bà Quách Mỹ Linh - 42 tuổi, một tiểu thương 30 năm bán nón ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM).

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, bà Linh tập hợp một nhóm tình nguyện gồm các thành viên gia đình, bạn bè và các tiểu thương khác cùng làm tấm che mặt tự chế tặng cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch Covid-19. Đặc biệt, mỗi tấm che mặt được đính kèm thông điệp cổ vũ "Chống đại dịch Covid-19 - Hãy vững tin vì chúng tôi luôn bên bạn". Chỉ trong vài ngày, nhóm bà Linh tạo ra gần 1.000 tấm che mặt và gửi tặng ít nhất 3 bệnh viện gần đó.

Một số người xếp hàng chờ nhận gạo từ cây ATM gạo tự động 24-7 ở TP HCM giữa tháng 4 Ảnh: REUTERS

Sáng kiến từ thiện gây được tiếng vang nhiều nhất trên các hãng truyền thông quốc tế chính là "ATM gạo". Được đài CNN (Mỹ) gọi là "điều khó tin", những chiếc máy ATM gạo như thế đã lan tỏa từ TP HCM ra nhiều địa phương trên khắp Việt Nam.

"Rất bất ngờ" là cảm giác của ông Ishibashi Hiroyuki, người Nhật Bản sống tại TP HCM được 2 năm và đang làm tại một công ty Nhật Bản 100% vốn nước ngoài.

"Ngày nào tôi cũng lên trang Viet-jo đọc tin tức. Khoảng 3 tuần trước, lần đầu tiên tôi đọc được bài báo về ATM gạo ở quận Tân Phú, TP HCM. Có thể do những đặc thù văn hóa - xã hội khác nhau nên tôi hầu như không thấy những hoạt động tình nguyện như thế ở Nhật Bản. Qua đó, tôi cảm thấy người Việt Nam thật tốt bụng và ấm áp. Số lượng ATM gạo đã phát triển ra nhiều địa phương, người Việt Nam quả thật hành động rất nhanh chóng" - ông Hiroyuki nhận xét.

Riêng về chương trình ATM thực phẩm miễn phí của Báo Người Lao Động, ông Hiroyuki đánh giá cao việc thực phẩm được đóng gói, cho vào hộp và bảo đảm vệ sinh.

Người nước ngoài hiến kế

Khi chia sẻ bài viết của đài CNN về ATM gạo miễn phí, ông Ola Svensson, một công dân Thụy Điển đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, khẳng định đây là một thông tin tích cực. Chính vì vậy, ông và một vài người bạn quyết định quyên góp 400 kg gạo cho một ATM gạo ở TP HCM.

"Không ai có thể làm được mọi thứ nhưng cùng nhau, chúng ta có thể làm được điều gì đó. Tôi hạnh phúc khi có cơ hội đóng góp cho quốc gia đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm và bạn bè" - ông Svensson chia sẻ trên Facebook.

Bà Quách Mỹ Linh, tiểu thương ở chợ Bà Chiểu, làm tấm che mặt tự chế để ủng hộ các nhân viên y tế Ảnh: REUTERS

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Lâm Nhuận Hoa của Trường ĐH Đông Hoa (Đài Loan) nêu ra một số vấn đề lưu ý.

Đầu tiên, theo bà, các máy ATM gạo được đặt ở các thành phố nên chưa thể lan tỏa tới người dân ở khu vực nông thôn - vốn có thể chịu tổn thất nhiều hơn.

Thứ hai, bà Lâm băn khoăn về khả năng tiếp cận nguồn hỗ trợ này của người cao tuổi. "Tôi đã đọc được nhiều tin tức về việc người già phải đối mặt trước những kệ hàng sạch trơn ở siêu thị. Vì vậy, thật hay nếu có những chính sách cụ thể để hỗ trợ người cao tuổi nhiều hơn, chẳng hạn cung cấp thực phẩm, gạo, nước sạch hoặc khẩu trang" - bà Lâm cho biết.

Trong khi đó, anh Emre Sigura, 38 tuổi, người Thổ Nhĩ Kỳ, hy vọng những cây ATM gạo nói chung và ATM thực phẩm miễn phí nói riêng của Báo Người Lao Động sẽ được kéo dài và nhân rộng ở nhiều nơi với sự hỗ trợ của chính phủ, địa phương cùng các doanh nghiệp.

Theo vị cố vấn quản lý và vận hành kinh doanh cho các công ty kỹ thuật số và trực tuyến ở TP HCM này, một điều nhỏ cần lưu tâm là làm thế nào để xác định chính xác những người thực sự cần giúp đỡ. Ngoài ra, ông Hiroyuki góp ý nếu có thể, các cây ATM gạo nên được tổ chức trong những khuôn viên hay tòa nhà rộng rãi và vệ sinh để bảo đảm sức khỏe cho mọi người.

Rất giàu tình người

Bình luận bên dưới bài viết về công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như nỗ lực hỗ trợ người dân của Việt Nam trên báo South China Morning Post (Hồng Kông), bạn đọc Sandra Woo đến từ Canada nhận xét: "Các bạn triển khai chiến dịch phòng dịch từ sớm, nhanh chóng quét thân nhiệt, xét nghiệm và đóng cửa biên giới... Giờ đây, các bạn hỗ trợ lương thực miễn phí cho những người khó khăn nhất. Các bạn không giàu về vật chất nhưng rất giàu về tình người".

Một góc nhìn thú vị cũng được ông Ujii Kenji - 45 tuổi, nhân viên văn phòng ở tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) - chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động.

"Khi dịch bệnh trở nên nghiêm trọng thì phần lớn người Nhật chúng tôi cố gắng mua sắm những thứ thiết yếu cho bản thân và gia đình. Tôi không biết xung quanh mình có ai khó khăn không và nếu có thì phần lớn chúng tôi sẽ nói "thật tội nghiệp" chứ không nghĩ mình phải có trách nhiệm giúp đỡ. Một phần do người Nhật ít khi muốn nhận sự hỗ trợ. Vì thế, khi tôi biết mô hình ATM gạo của Việt Nam, tôi rất ngưỡng mộ sự đoàn kết và tấm lòng nhân ái của các bạn" - ông bày tỏ.


Nguồn: Báo Người Lao Động