Xuất khẩu cà phê... tê liệt

ngày 25/09/2013

Quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang ngừng hoạt động, không dám tiếp tục mua nguyên liệu hay xuất khẩu nữa.

“Nhiều doanh nghiệp (DN) cà phê “ma” ra đời mua cao bán thấp để “ăn” tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) rồi bỏ trốn làm náo loạn thị trường trong nước khiến hầu hết công ty cà phê đứng trước nguy cơ không được hoàn thuế VAT. Đó là nhận định của ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) tại hội nghị Bàn về các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu cà phê niên vụ 2013-2014 do VICOFA và Câu lạc bộ các DN xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam tổ chức (TP.HCM, ngày 24-9).

Kẹt tiền thuế

Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cho biết theo Công văn 7527/2013 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, cục thuế sẽ kiểm tra trước, hoàn thuế VAT sau thay vì hoàn thuế trước, kiểm tra sau như trước đây. DN xuất khẩu phải nộp thuế VAT 5% vào ngân sách khi mua nguyên liệu, sau khi hoàn thiện thủ tục cho cơ quan thuế mới được hoàn lại số tiền thuế này. Tuy nhiên, điều bất hợp lý là DN xuất khẩu phải chờ cơ quan thuế xác minh đến tận người bán đầu tiên mới được hoàn thuế.

Xuất khẩu cà phê... tê liệt - 1

Bốc dỡ cà phê chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: CTV

“Trên thực tế, DN xuất khẩu mua của DN cung ứng A nhưng DN A lại mua của DN B, DN B mua lại của DN C rồi một chuỗi kéo dài đến D, E… cuối cùng là DN Z. Như vậy một bộ hồ sơ hoàn thuế liên quan đến gần mấy chục khách hàng. DN xuất khẩu phải tự đi xác minh từ đối tác bán hàng đầu tiên. Chỉ cần có một khách hàng gặp vấn đề về hóa đơn, thuế thì mấy chục khách hàng còn lại phải chờ đợi vì ngành nông sản phải thu mua nguyên liệu từ nhiều vùng, qua nhiều khâu trung gian. Nếu không xác minh ra DN Z hoặc DN Z phá sản là DN xuất khẩu mất luôn tiền thuế VAT. Đang xuất hiện rất nhiều DN trung gian “ma”, thành lập được vài tháng rồi trốn thuế khiến DN xuất khẩu rơi vào cảnh quýt làm cam chịu, không được hoàn thuế” - ông Hiệp nói.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VICOFA, hiện có nhiều DN đáng lẽ được hoàn số tiền thuế VAT tới 10-30 tỉ đồng/DN hay ít nhất cũng phải vài tỉ đồng.

Nguy cơ mất thị trường

Không chỉ tắc nghẽn hoạt động vì chính sách thuế, ngành cà phê còn điêu đứng vì nạn mua cao bán thấp.

Ông Nguyễn Minh Bạn, Giám đốc Công ty Cà phê Minh Huy (Đồng Nai), cho hay: “Đang có nhiều DN mua cà phê của nông dân dùng chiêu mua giá cao hơn giá thị trường. Ví dụ, họ mua mức giá 42.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg. Số tiền 2.000 đồng/kg đó được DN thỏa thuận ăn chia 1.500 đồng/kg cho nông dân để gom hết nguyên liệu, 500 đồng/kg cho DN không ghi trong hóa đơn. Sau đó, họ bán lại cho DN xuất khẩu với giá thấp 40.000 đồng/kg nhưng vẫn có lãi 500 đồng/kg vì được hưởng 5% thuế VAT. Số tiền 500 đồng/kg tưởng nhỏ nhưng với hàng chục ngàn tấn cà phê, DN đó đã chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng tiền thuế. Và nếu những DN “ăn xổi ở thì” này biến mất thì DN xuất khẩu không được hoàn thuế VAT. Vì vậy, giờ DN không mua nguyên liệu, không xuất khẩu vì nếu lỡ mua trúng DN “ma”, trốn thuế thì lại bị điều tra tội đồng phạm, vi phạm pháp luật”.

Trong khi đó, giá cà phê đã xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm qua khi chỉ còn 36 triệu đồng/tấn, mất 6 triệu đồng/tấn so với mức 40-42 triệu đồng/tấn. Nhiều khoản vay ngân hàng của DN xuất khẩu cà phê không thể trả được khi đến ngày đáo hạn vì kinh doanh thua lỗ… Do đó, ngành cà phê đang đứng trước tình hình nợ xấu đặc biệt nghiêm trọng với con số ước tính khoảng 8.000 tỉ đồng. Riêng mức nợ xấu, nợ quá hạn của các DN cà phê vay tại các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã vào khoảng 6.330 tỉ đồng. Ngay cả các DN lớn trong ngành như Tổng Công ty Cà phê, VinaCafe Buôn Ma Thuột, Tập đoàn Thái Hòa… cũng vướng phải tình cảnh này.

Khó khăn dồn dập khiến nhiều DN cà phê ngưng xuất khẩu một thời gian dài. Từ đó dẫn đến nguy cơ cà phê Việt Nam mất dần thị trường thế giới vào tay cà phê Brazil khi nước này tăng xuất khẩu thêm 400.000 tấn cà phê, Indonesia tăng thêm 100.000 tấn. Trong khi xuất khẩu cà phê của Việt Nam tám tháng đầu năm đã giảm hơn 20% về sản lượng lẫn giá trị.

Cơ quan thuế cũng vào thế khó

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một cán bộ Cục Thuế TP.HCM thừa nhận có nhiều vướng mắc trong quá trình hoàn thuế VAT cho DN khi thực hiện theo Công văn 7527. Cán bộ ngành thuế mang tiếng “hành” DN nhưng thực sự đó là quy định pháp luật, cơ quan thuế làm phải đầy đủ thủ tục. Cục phải mất nhiều thời gian, tốn thêm người để xác minh trực tiếp đến tất cả khâu trung gian trong chuỗi lưu thông hàng hóa theo quy định. Cục cũng đã có nhiều buổi gặp gỡ trao đổi khó khăn với các DN và đã có kiến nghị lên Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính xem xét, giải quyết.

{fcomment}