Xử lý nước sông Tô Lịch: Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung làm gì tiếp?

ngày 11/12/2019

Liên quan đến việc Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Việt Nhật (JEBO) đã ra thông cáo báo chí phản bác phát biểu của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc tổ chức này "chưa xin phép thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nhật Bản" rồi lại có văn bản đính chính, xin lỗi và phản ứng của UBND TP Hà Nội trước việc phát tán thông tin sai sự thật đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Đặc biệt, dư luận quan tâm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện những giải pháp gì để xử lý nước sông Tô Lịch khi hiện nay trên sông Tô Lịch đã dừng toàn bộ các phương án thí điểm làm sạch?

Tại buổi tiếp xúc cử tri cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp 11 của HĐND TP Hà Nội khóa XV ngày 6/12, giải thích với cử tri về đề án xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch bằng giải pháp bơm nước sông Hồng vào và hiệu quả của phương án này thế nào? Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, từ năm 2002, TP Hà Nội đã đặt vấn đề xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.

Dư luận quan tâm hiện nay trên sông Tô Lịch đã dừng toàn bộ các phương án thí điểm làm sạch, vậy Chủ tịch UBND TP Hà Nội sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện những giải pháp gì tiếp theo để xử lý nước song Tô Lịch?

“Thời điểm đó, do thiếu kinh phí, Hà Nội đã để Tập đoàn Gamuda đầu tư nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (Hoàng Mai) theo hình thức BT. Đến nay cùng với một số nhà máy xử lý nước thải Tây Hồ Tây, Nhà máy xử lý nước thải Hồ Trúc Bạch… thì Hà Nội mới xử lý được 22% lượng nước thải, ông Nguyễn Đức Chung nói.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Chung, hiện Hà Nội đang cho đầu tư Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (bằng vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật) với công suất 270 nghìn m3/ngày đêm, đảm bảo xử lý nước thải sinh hoạt cho các quận huyện như: Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Hà Đông…

“Dự án này phải đào đường ống để thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt của các quận trên để xử lý. Sau khi xử lý xong sẽ hoàn lại nước cho sông Tô Lịch. Dự kiến vào quý II – 2022 sẽ đưa nhà máy này vào hoạt động”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.

Đồng thời cho rằng, ngoài công nghệ xử lý nước sông Tô Lịch của Nhật Bản, cũng có nhiều nhà khoa học, tổ chức đề xuất các biện pháp xử lý nước Hồ Tây, nhưng đều không phải phương án tối ưu.

“Trung bình mỗi ngày có 180 nghìn m3 nước thải xả ra sông Tô Lịch. Do vậy, không có công nghệ nào xử lý được cả nếu không thu gom nước thải để xử lý riêng…”, ông Chung nhấn mạnh.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Lê Văn Dục cho biết thành phố đang nghiên cứu 3 phương án giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch. Việc thu gom toàn bộ nước thải, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng việc này không khả thi do có quá nhiều điểm xả thải, chi phí xây dựng sẽ rất lớn.

Theo lời ông Lê Văn Dục, bên cạnh việc đoàn chuyên gia Nhật Bản giúp đỡ, thí điểm sử dụng công nghệ Nano-Bioreactor để xử lý nguồn ô nhiễm ở sông Tô Lịch, thành phố cũng cho xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch và một số hồ bằng các chế phẩm sinh học, hóa học. Tuy nhiên, các kết quả chưa thực sự khả quan và áp dụng sẽ khó hiệu quả.

Đồng thời cho biết, hiện còn phương án cuối cùng là xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông, nước thải sẽ được đưa về nhà máy nước thải Yên Xá để xử lý.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, hệ thống cống thu gom dự kiến hoàn thành vào năm 2020 nhưng đang chậm tiến độ. Dự kiến năm 2021 hệ thống thu gom này sẽ được đưa vào sử dụng và giải quyết được vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch.


Nguồn: Báo Kiến Thức