Vụ tấn công tàu điện ngầm ở St. Petersburg là bài học cho cả phương Tây

ngày 05/04/2017

Vụ tấn công khủng bố ở St. Petersburg được xem là một bài học đắt giá cần thiết cho các nước châu Âu ở thời điểm hiện tại: việc xiết chặt kiểm soát và tăng cường các biện pháp giám sát an ninh mật là chưa đủ để ngăn chặn khủng bố.

Vu tan cong tau dien ngam o St. Petersburg la bai hoc cho ca phuong Tay - Anh 1

Cuộc tấn công khủng bố vào hệ thống tàu điện ngầm ở St. Petersburg vào ngày thứ Hai 3.4 vừa qua có vẻ như đã không gây chấn động cho các nước láng giềng châu Âu như những gì đã diễn ra với các vụ tấn công khủng bố trước đó. Tháp Eiffel ở Pháp và cổng Brandenburg ở Đức đã không thắp lên màu cờ Nga như một sự tưởng niệm cần có (trong khi Tel Aviv lại có). Tuy nhiên, bất chấp chuyện có thắp màu cờ hay không, thì vụ khủng bố ở St. Petersburg vẫn sẽ là một bài học đắt giá cần thiết cho các nước châu Âu ở thời điểm hiện tại: việc xiết chặt kiểm soát đối với người dân và tăng cường các biện pháp an ninh mật là chưa đủ để ngăn chặn khủng bố.

Sẽ không quá lời nếu nói rằng, ở thời điểm hiện tại Nga là một trong những quốc gia có các quy định luật pháp về chống khủng bố thuộc diện khắt khe và cứng rắn nhất trên thế giới. Bất cứ một lời đe dọa hoặc một dấu hiệu nào cho thấy ý định thực hiện khủng bố nào trên mạng xã hội, thì có thể đồng nghĩa với một hình phạt tù lên tới 7 năm tại Nga. Thậm chí, những vụ ẩu đả hay bạo lực đường phố có bất cứ dấu hiệu khả nghi nào cũng có thể bị xếp vào diện khủng bố và bị bắt giữ ngay lập tức.

Nga cũng đang là quốc gia có hệ thống cảnh sát có quy mô lớn nhất trên thế giới: Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc vào năm 2014, Nga đứng thứ 4 trong số 7 quốc gia có tỉ lệ cảnh sát trên đầu người cao nhất trên thế giới. Trung bình cứ trong 100.000 người dân Nga, thì có khoảng 520 cảnh sát. Ở châu Âu chỉ có duy nhất Tây Ban Nha là xếp trên Nga về tỷ lệ này.

Điều này thể hiện rõ rệt trong vụ tấn công khủng bố hệ thống tàu điện ngầm ở St. Petersburg: Tình trạng an ninh có thể quan sát được tại hiện trường vụ tấn công theo ước tính đã giết chết khoảng 14 người và khiến 49 người bị thường được đánh giá là cao hơn và đảm bảo an toàn hơn rất nhiều so với ở hầu hết hệ thống tàu điện ngầm ở các nước phương Tây khác.

Sau vụ tấn công ở Moscow vào năm 2010 đã lấy đi sinh mạng của 41 người, chính phủ Nga đã bắt đầu triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh vô cùng nghiêm ngặt. Trong giai đoạn từ 2012-2016, St. Petersburg đã dành ít nhất là 1,6 tỉ Rup (tương đương 28,3 triệu USD) để tăng cường các hệ thống giám sát video hiện đại, các máy quét X-quang và các công nghệ an ninh khác. Các máy dò kim loại tại các địa điểm cần thiết hoạt động liên tục trong suốt cả năm.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đó, kẻ tấn công mang bom trong vụ khủng bố vào ngày thứ Hai vừa qua đã lọt qua được sự kiểm tra của các máy dò tìm. Một quả bom tương tự đã được tìm thấy tại một trạm khác trước khi kịp phát nổ. Bù lại, hệ thống giám sát bằng video đã tỏ ra hoạt động hiệu quả: Không lâu sau vụ tấn công, một trong những kênh truyền hình quốc gia của Nga là REN-TV đã phát đi những hình ảnh của kẻ bị tình nghi là đã thực hiện vụ khủng bố. Dù sau đó nó được chứng minh là một sự nhầm lẫn, thì hệ thống giám sát video cũng đã ít nhất chứng tỏ nó không phải là vô tác dụng.

So với các nước châu Âu khác, bộ máy an ninh của Nga được xem là thuộc diện có năng lực nhất trong số các nước phương Tây. Nó có truyền thống về mức độ hiệu quả, ngoài ra còn được đào tạo và trang bị rất tốt. Ngân sách dành cho an ninh luôn nằm ở vị trí cuối cùng trong danh sách các lĩnh vực cần cắt giảm của chính phủ Nga đã cho thấy tầm quan trọng và mức độ ưu tiên đối với vấn đề này.

Công ty sản xuất và cung cấp máy dò tìm kim loại và chất nổ cho hệ thống tàu điện ngầm ở St. Petersburg được chứng nhận chất lượng của cơ quan tình báo Nga. Tuy nhiên, dù đã có được những điều kiện được xem là hoàn hảo nhất có thể để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố, thì các quan chức cao cấp của Nga cũng phải thừa nhận rằng không thể kiểm soát được tất cả mọi mối đe dọa tiềm ẩn đối với một hệ thống tàu điện ngầm lớn như ở St. Petersburg – nơi phục vụ một lượng hành khách lớn hàng thứ 4 trong số tất cả các thành phố lớn nhất ở châu Âu. Điều này cũng được chứng tỏ một phần ở thời điểm diễn ra vụ tấn công: nó xảy ra vào ban ngày ở một thời điểm không có nhiều hành khách, về lý thuyết phải dễ bị phát hiện hơn lúc giờ cao điểm bởi hệ thống giám sát camera.

Thực tế đã cho thấy, dù mức độ giám sát an ninh đã được tăng cường hơn ở hầu hết các nước châu Âu sau những vụ tấn công trước đây, như việc lắp đặt thêm các camera, chó nghiệp vụ hay bị kiểm soát hành lý tại các khu vực nhà ga và sân bay,… nhưng từng đó vẫn là chưa đủ để so với mức độ giám sát an ninh gắt gao và nghiêm ngặt ở Nga. Vì thế, cuộc tấn công khủng bố vào hệ thống tàu điện ngầm ở St. Petersburg gần như là một bằng chứng cho thấy việc tăng cường giám sát an ninh ở các nước châu Âu vừa qua trên thực tế không có nhiều giá trị trong việc bảo vệ người dân.

Thậm chí, đó có thể không phải là cách thức hợp lý để giải quyết vấn đề, mà chỉ đơn thuần là một phản ứng trong tình huống khẩn cấp mà thôi. Về lâu dài, việc tăng cường giám sát an ninh nghiêm ngặt tại các thành phố lớn và các địa điểm dễ bị tấn công không phải là lời giải hiệu quả cho bài toán chống khủng bố ở các nước châu Âu vào thời điểm hiện tại. Dù có thể không chia sẻ nhiều sự cảm thông với những mất mát của Nga, nhưng chắc chắn rằng những gì vừa diễn ra ở Nga sẽ là một bài học quý giá dành cho các nước châu Âu khác trong tương lai gần.

Nguồn GDTĐ