Vì sao người Hàn xếp hàng thâu đêm để mua túi Chanel

ngày 24/02/2022

Với nhiều người ở xứ sở kim chi, việc xếp hàng thâu đêm, dưới trời giá rét để mua hàng hiệu mang lại lợi ích mà rất bõ công chờ đợi.

Ở Hàn Quốc, “open run” là thuật ngữ dùng để chỉ việc đổ xô vào cửa hàng tổ chức đợt giảm giá hấp dẫn, giống như Black Friday tại Mỹ. Nó còn có nghĩa là hành động xếp hàng dài chờ đợi trước khi cửa hàng mở cửa để vào mua sắm.

Hiện nay, “open run” diễn ra hàng ngày tại các cửa hàng cao cấp xung quanh Seoul, nhưng ít hỗn loạn, có tổ chức hơn và mang lại lợi ích cho hầu hết người tham gia, theo Korea JoongAng Daily.

Phổ biến trong dịch

6h sáng tại chi nhánh Gangnam của Cửa hàng bách hóa Shinsegae ở phía nam Seoul, 17 người chui trong chăn ấm, xếp hàng chờ vào cửa hàng Chanel. Nhiệt độ xuống dưới âm 7 độ C nhưng đó không phải là trở ngại.

Xếp đầu hàng là một thanh niên khoảng 20 tuổi, đến đây từ 21h tối hôm trước. Những người khác đang ngủ trên thảm và ghế gấp mà họ mang theo từ nhà.

“Tôi cố xếp hàng để mua túi Gabrielle Hobo nhưng không được. Chi nhánh Gangnam của Cửa hàng bách hóa Shinsegae đã hết hàng trong một thời gian. Vì vậy, hôm nay tôi tới đây”, một phụ nữ 30 tuổi cho biết.

Nhiều người xếp hàng qua đêm để vào mua sắm tại cửa hàng Chanel chi nhánh Gangnam của Shinsegae. Ảnh: Lee Tae-Hee.

10h sáng, “Pad Man” của Chanel xuất hiện. Cái tên này xuất phát từ chiếc máy tính bảng mà người đàn ông sử dụng để ghi tên từng cá nhân trong hàng. Thay vì để mọi người chen lấn vào mua sắm, anh phát số để họ được gọi lần lượt.

Có 56 người xếp hàng chờ lấy số.

Trước đây, “open run” không thường thấy ở các thương hiệu xa xỉ, trừ khi họ có đợt khuyến mãi (thường chỉ cho khách VIP) hoặc tin đồn tăng giá.

Hiện tượng này sinh ra cùng với đại dịch Covid-19. Các cửa hàng nổi tiếng bắt đầu hạn chế số lượng khách hàng vào mua sắm như một hình thức giãn cách xã hội.

Đồng thời, nhu cầu cũng tăng lên khi du lịch quốc tế gần như là không thể. Trước đó, người Hàn thường mua hàng hiệu với giá rẻ hơn ở các cửa hàng miễn thuế tại nước ngoài.

Nghề hái ra tiền

Gần đây, tại chi nhánh Gangnam của Chanel tại Shinsegae, cảnh xếp hàng kéo dài suốt buổi sáng và chiều. Qua thông tin trên mạng, nhiều người biết một số mặt hàng họ săn lùng sẽ được bày bán và tìm đến.

Khoảng 11h, có hơn 155 người xếp hàng, tất cả đều đăng ký với “Pad Man”.

Một số đến với lý do cá nhân, ví như mua đồng hồ Rolex hoặc túi Chanel để làm quà cưới hay tự thưởng cho bản thân. Với những người là dân chuyên, họ sẽ mua đồ và bán lại qua mạng.

Một số khác làm nghề xếp hàng hộ chuyên nghiệp, bởi không phải tất cả tín đồ Chanel đều sẵn sàng đứng chờ trong cái lạnh thâu đêm. Thông qua các nhóm chat trên KakaoTalk hay chợ đồ cũ trực tuyến như Danggeun và Bungaejangter, họ thuê người làm thay việc này cho mình.

Người đi thuê phải gửi chi tiết về địa điểm cửa hàng bách hóa, thương hiệu, mặt hàng và thời gian tốt nhất để xếp hàng. Số tiền công dao động từ 10.000 won (8,40 USD) đến 15.000 won/giờ.

Các chi nhánh chính của Cửa hàng bách hóa Shinsegae và Gangnam đều có khu vực chờ trong nhà. Do đó, người xếp hàng hộ sẽ tính phí thấp hơn.

Nhiều người xếp hàng chờ trước cửa hàng Chanel lúc 10h sáng. Ảnh: Lee Tae-Hee.

Kim Tae-gyun bắt đầu kinh doanh dịch vụ xếp hàng hộ chuyên nghiệp từ tháng 6 năm ngoái. Anh có 100 nhân viên và nhận được khoảng 400-420 yêu cầu mỗi tháng.

Kim được hưởng 20% tiền công mà khách hàng trả cho người xếp hàng hộ.

“Tôi từng cố gắng tìm người xếp hàng giúp mình, nhưng luôn cảm thấy khó khăn. Tôi nghĩ có nhiều người giống mình và quyết định biến nó thành công việc kinh doanh có thể nâng cao chất lượng dịch vụ bằng cách đào tạo chuyên môn cho nhân viên”, anh nói.

Nhân viên của Kim từng tiếp nhận yêu cầu từ phòng chat trên mạng. Nhưng họ nhận thấy làm việc cho anh dễ dàng và sinh lợi hơn với thù lao 15.000-20.000 won/giờ.

“Chúng tôi cũng có hệ thống tích điểm cho khách hàng thân thiết. Họ có thể sử dụng thay tiền mặt sau này”, Kim cho biết.

Đồ cũ đắt hơn mới

Việc xếp hàng chờ và có tiền mặt không đảm bảo rằng tất cả đều có thể mua được chiếc túi trong mơ.

Người phụ nữ 30 tuổi tại Shinsegae không gặp may. Cô không tìm được chiếc túi Gabrielle Hobo yêu thích. Những món đồ bán chạy như túi Chanel Classic Flap và BOY thường không có hàng.

Trong nhiều năm, có cả thị trường thứ cấp cho hàng hiệu xa xỉ và thị trường đồ cũ. Cả hai đều phụ thuộc vào sự khan hiếm và giá cả tăng cao.

Hệ thống danh sách chờ cho thấy còn 18 người xếp hàng để vào cửa hàng Chanel.

Tại Hàn Quốc, có thời điểm, túi xách hàng hiệu đã qua sử dụng được bán với giá cao hơn đồ mới. Gần đây, thị trường này nguội dần nhưng vẫn còn khá hot.

Trên dịch vụ pass đồ Kream của Naver, chiếc Chanel Classic Flap cỡ trung đã qua sử dụng có giá 12,35 triệu won ngày 16/1, đắt hơn giá bán lẻ 11,24 triệu won.

Một tháng sau, chiếc túi tương tự được bán với giá 11,45 triệu won, giảm 8% nhưng vẫn cao hơn một chút so với túi mới.

Điều đó có nghĩa là sẽ có ít người xếp hàng thâu đêm trước các cửa hàng để mua đồ mới về bán lại. Trong khi đó, nhiều cá nhân có cơ hội tìm được món đồ mình ưng ý.

Kim Tae-gyun cho biết: “Phí bảo hiểm cho túi Chanel cũ đã giảm gần đây, giúp các cá nhân có nhu cầu có thể mua mặt hàng này”.

Chanel là thương hiệu đầu tiên bắt đầu thu hút xu hướng “open run” tại Hàn Quốc. Nhưng giờ đây, cảnh tượng này cũng xuất hiện tại cửa hàng của thương hiệu xa xỉ khác như Hermes và Rolex.

Có 6 cửa hàng bách hóa bán đồng hồ Rolex ở xứ sở kim chi. Người mua sắm thậm chí phải xếp hàng từ trước một ngày mới có thể vào trong.

“Tôi gặp nhóm 12 sinh viên đại học, mỗi người bỏ ra 1 triệu won để mua đồng hồ Rolex, sau đó bán lại và chia lợi nhuận”, Kim nói.

Anh cho biết thêm: “Rolex đang thiếu hụt ở hầu hết quốc gia. Các cửa hàng ở nước ngoài có hệ thống danh sách chờ không đón khách du lịch vì dịch. Cảnh xếp hàng chờ mua đồ ở Hàn Quốc sẽ tiếp tục vì đây là lựa chọn duy nhất của họ”, anh nói thêm.

Nguồn: https://zingnews.vn/vi-sao-nguoi-han-xep-hang-thau-dem-de-mua-tui-chanel-post1298257.html