Vì sao không thể “bắt bài” Tây Ban Nha?

ngày 03/07/2012

- Người ta thường nói về một tiền lệ nào đó trong bóng đá, không thể giải thích rõ ràng mọi chuyện và dần dà mặc nhiên coi đó là việc không thể tránh khỏi, kiểu “lời nguyền”: một đội bóng không thể 2 lần liên tiếp vô địch châu Âu hay đoạt Cup Champion League! Nhưng từ ngày 1/7/2012, đội tuyển Tây Ban Nha đã phá được tiền lệ bất thành văn đó một cách thuyết phục sau khi chiến thắng vô cùng thuyết phục trước đội tuyển Italia với tỷ số không tưởng 4-0.

 

Thôi thì cứ cho là vẫn có chuyện “lời nguyền” không thể vượt qua hay bất cứ điều gì đó. Chỉ xin nói thêm một điều là qua mỗi mùa bóng, đội bóng vô địch nọ lại mang thêm một năm gánh nặng tuổi tác, qua mỗi kỳ Euro hay World Cup, cũng đội bóng ấy lại gánh thêm 4 mùa bóng và 4 năm gánh nặng tuổi tác, khiến không ai có thể duy trì ổn định mọi mặt nhằm đáp ứng yêu cầu của luyện tập và thi đấu đỉnh cao.

 

Đến khi đó thì mắt dần mờ, chân dần chậm và sẽ bị đối thủ vượt qua trong mọi cuộc đấu. Đến khi đó thì mọi hướng đánh, cách đánh đều bị bộc lộ và trở thành mục tiêu săn đuổi của mọi đối thủ. Thành công không thể và không bao giờ lặp lại là vì thế.
Tây Ban Nha sở hữu đội hình giàu sức tấn công với lối chơi tiqui-taka đầy quyến rũ

 

Nhưng tại sao người Tây Ban Nha lại vượt lên được “quy luật” nghiệt ngã và thông thường đó với chiến tích 4 năm đoạt 3 chức vô địch danh giá nhất của bóng đá châu Âu và Thế giới?

Và tại sao CLB Barcelona hùng mạnh đến thế nhưng lại không thể làm được điều tương tự khi các nhân tố chính của 2 đội bóng này cơ bản là một?

Nói gì thì nói, thi đấu với Barca hay đội tuyển Tây Ban Nha, muốn thắng họ thực ra phải chọn lối đá thực dụng xấu xí như Chelsea đã vận hành, với điều kiện may mắn luôn song hành. Đôi công với họ đồng nghĩa với thất bại. Phản công hợp lý có thể giành thắng lợi nếu quá trình phòng ngự gặp nhiều...may mắn với sự trợ giúp đắc lực của cột dọc, xà ngang!

Người Bồ Đào Nha với lực lượng tốt, quen thuộc và am hiểu đối thủ, đã có thể đôi công bằng cách chăm chăm phá lối chơi nhưng đến khi cần bản lĩnh trước chấm may rủi thì đành ngậm ngùi thua cuộc.

Người Italia cũng có thể chơi đôi công khi mới bước vào cuộc chơi khỏe khoắn, nhưng khi đứng trước vạch đích thiên đường, họ lại hụt hơi và bị may mắn bỏ rơi không thương tiếc.

Thầy trò Del Bosque đăng quang một cách đầy ấn tượng
Điều kỳ lạ là người Tây Ban Nha chơi bài ngửa mà đối thủ vẫn không sao bắt bài nổi, hay nói chính xác là không biết trọng tâm cần bắt ai để tiệt đường tiến của họ. Bàn thắng thứ nhất trong trận chung kết bắt đầu với 2 ngòi nổ là Iniesta và Fabregas, còn người kết thúc lại là Silva. Bàn thứ 2 bắt đầu từ Alonso và người kết thúc rất bất ngờ là hậu vệ cánh Alba.
Chừng đó đủ làm cho người Italia "hoa mắt, sổ mũi". Công bằng mà nói thì 2 bàn thắng còn lại của Torres và Mata chỉ góp phần tô điểm cho sức mạnh dồi dào của người Tây Ban Nha mà thôi, có cũng tốt mà không cũng chả sao khi đối thủ chỉ chơi với 10 đôi chân rệu rã...

Rồi mọi người sẽ được nghe phân tích về chiến thuật nọ kia của người chiến thắng, về sự pha trộn 2 lối đá Barca và Real và phần còn lại tinh túy nhất của bóng đá Tây Ban Nha, về hàng tiền vệ trứ danh nhất thế giới bóng đá hiện nay...Chắc chắn rất nhiều đội bóng sẽ âm thầm chờ đợi ngày quật ngã “ông lớn” này với sự giúp sức của thời gian, của sự rèn luyện, của sự toan tính và cầu cho may mắn luôn ở xà ngang, cột dọc đội nhà.

Trong khi chưa có điều gì mới mẻ trong 4 năm ngự trên đỉnh Châu Âu và thế giới, người hâm mộ hãy bằng lòng với thứ bóng đá tấn công quyến rũ do người Tây Ban Nha trình diễn. Đó là chiến thắng của lối chơi đẹp mắt và cống hiến, điều bất cứ ai cũng cần phải cổ vũ, tôn thờ.,.

Phú Châu