Vì sao đã tiêm 3 mũi vaccine vẫn có thể nhiễm Omicron?

ngày 10/01/2022

Việc một số người đã tiêm 3 mũi vaccine nhưng vẫn nhiễm biến chủng Omicron, như sự việc ở quần đảo Faroe, cho thấy chỉ dựa vào vaccine là chưa đủ để chung sống với Covid-19.

Khi Omicron lần đầu tiên xuất hiện ở Nam Phi vào tháng 11/2021, giới khoa học đã cảnh báo về sự lây lan nhanh chóng của biến chủng này. Tốc độ lây nhiễm khác thường của Omicron vượt xa những gì nhân loại đã chứng kiến ở các biến chủng trước đó.

Xu hướng đó cũng được phản ánh ở nhiều nơi khác trên thế giới. Anh ghi nhận số ca mắc tăng gấp đôi sau mỗi 2 ngày vào đầu tháng 12/2021.

Điều gây lo lắng hơn nữa là Omicron lây lan cả ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao - những nơi về mặt lý thuyết là có khả năng miễn dịch cao.

The Coversation đặt câu hỏi liệu điều này có nghĩa là "tấm chắn" vaccine không có hiệu quả?

Tuy nhiên, dù nhiều người khẳng định vaccine không hoạt động nếu nhìn theo hướng trên, điều này còn phụ thuộc vào cách xác định khả năng bảo vệ của vaccine là gì.

Tiêm vaccine có nhằm mục đích ngăn nhiễm virus?

Hiện có nhiều bằng chứng cho thấy vaccine không phải 100% hiệu quả trong việc ngăn chặn một người đã tiêm chủng đầy đủ nhiễm bệnh hoặc lây lan virus cho người khác.

Điều này được chứng minh bằng sự kiện siêu lây nhiễm diễn ra ở quần đảo tự trị Faroe của Đan Mạch. Nơi này có 21/33 nhân viên chăm sóc sức khỏe đã tiêm 3 liều vaccine Covid-19 nhưng vẫn nhiễm Omicron. Thậm chí, trước khi tham gia sự kiện 36 giờ, tất cả đều đã xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh.

Một số người - đặc biệt là đối tượng bài vaccine - sẽ coi đây là bằng chứng cho thấy vaccine không hiệu quả. Tuy nhiên, điều này không nằm ngoài dự đoán của giới khoa học.

Ngay cả với những biến chủng cũ, chẳng hạn như Delta, giới khoa học đã khẳng định vaccine không cung cấp khả năng tránh nhiễm virus, tức là hoàn toàn ngăn ngừa mắc bệnh.

Không ai tuyên bố vaccine Covid-19 cung cấp khả năng tuyệt đối đó, và đây có thể là một mục tiêu không bao giờ đạt được.

Vaccine chỉ có thể bảo vệ ở một mức độ nào đó. Vậy nhưng, lớp bảo vệ mỏng manh này vẫn giúp làm chậm quá trình lây lan.

Tiêm vaccine không nhằm tránh nhiễm virus. Ảnh: APA.

Ở chiều ngược lại, vaccine cung cấp khả năng bảo vệ tuyệt đối ở khía cạnh khác, đó là ngăn ngừa người bệnh xuất hiện triệu chứng nặng.

Sự bảo vệ này quan trọng không kém, thậm chí là đặc biệt quan trọng, bởi nó giữ cho phần lớn người mắc không phải nhập viện và tử vong.

Đối với biến chủng Delta, khả năng bảo vệ của vaccine chống lại bệnh nặng và tử vong là hơn 90% rồi giảm dần, nhưng không đáng kể. Việc này xảy ra ít nhất 5 tháng sau khi tiêm liều thứ 2.

Khi Omicron lần đầu tiên xuất hiện, số lượng đột biến trên gai protein của biến chủng này khiến giới nghiên cứu lo lắng về tác dụng của vaccine.

Dữ liệu cho thấy 2 liều vaccine Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca cung cấp khả năng bảo vệ hạn chế chống lại Omicron. Tuy nhiên, khả năng này sẽ được tăng cường nếu tiêm thêm một liều.

Với đối tượng dễ bị tổn thương, việc tiêm thêm một liều là điều cấp thiết. Người trên 80 tuổi có nguy cơ xuất hiện triệu chứng nặng gấp 300 lần so với người dưới 40 tuổi.

Cần lưu ý dù Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn so với người đã tiêm chủng đầy đủ, đây vẫn là căn bệnh nguy hiểm với nhóm không chủng ngừa.

Đừng vội mừng vì Omicron gây triệu chứng ít nghiêm trọng

Một câu hỏi lớn là nếu như khả năng ngăn chặn nhiễm virus không tồn tại thì liệu miễn dịch cộng đồng có giúp chấm dứt đại dịch hay không?

Câu hỏi này dựa trên lý thuyết rằng khi một số lượng lớn người có miễn dịch thì sẽ hình thành miễn dịch cộng đồng ngăn chặn sự lây lan, virus sẽ bị tiêu diệt khi ngày càng có ít người mắc.

Tuy nhiên, với Omicron, tình trạng tái nhiễm có thể xảy ra ngay cả ở những khu vực có tỷ lệ phủ vaccine cao như Anh và Israel. Omicron có tỷ lệ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác và cao hơn gấp 5 lần so với Delta.

Tuy Omicron gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, tỷ lệ lây lan cao nghĩa là thêm nhiều người đang bị nhiễm virus.

Mặc dù điều này có thể không tỷ lệ thuận với tỷ lệ lấp đầy phòng chăm sóc đặc biệt, số lượng lớn bệnh nhân có triệu chứng nhẹ vẫn tạo áp lực lên dịch vụ chăm sóc sức khỏe vốn đã căng thẳng.

Anh đã điều động quân đội để giúp đỡ các bệnh viện tại London trước tình trạng thiếu nhân viên y tế. Ảnh: Sky News.

Ngoài ra, việc ngày càng nhiều nhân viên mắc bệnh và cần cách ly cũng tăng áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Vấn đề này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mà còn trên toàn xã hội khi số ca mắc cao gây ra nhiều sự gián đoạn. Những tuần tới sẽ chứng kiến thêm thách thức khi người dân bắt đầu trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ.

Do đó, vaccine không phải là giải pháp duy nhất. Các biện pháp bảo vệ khác, chẳng hạn như sử dụng khẩu trang, xét nghiệm hay thông gió, đều đóng vai trò quan trọng.

Tình hình đã lạc quan hơn so với một năm trước

Tuy nhiên, không phải toàn bộ bức tranh đều mang màu u ám khi tình hình hiện tại chắc chắn đã lạc quan hơn nhiều so với một năm trước. Đối với những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, họ đang dần coi Covid-19 là bệnh đặc hiệu.

Virus vẫn đang lưu hành trong cộng đồng, nhưng bệnh trở nên dễ đoán hơn. Trong cộng đồng đã hình thành miễn dịch tự nhiên hoặc từ vaccine, điều này đồng nghĩa tỷ lệ nhập viện và tử vong vì Covid-19 sẽ thấp hơn.

Chủng ngừa phòng Covid-19 hàng năm, đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương, có thể là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể đi đến kết luận.

Các loại virus luôn đột biến, và các biến chủng khác sẽ xuất hiện trong tương lai né tránh miễn dịch và gây tái nhiễm. Con người đã chứng kiến tình trạng này ở các loại virus corona khác và bệnh cúm theo mùa.

Trong khi Omicron gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, vẫn có nguy cơ xuất hiện các biến chủng khác có độc lực mạnh. Do đó, vaccine vẫn là cách tốt nhất để chống lại chúng.

Nguồn: https://zingnews.vn/vi-sao-da-tiem-3-mui-vaccine-van-co-the-nhiem-omicron-post1288375.html