Trời nắng nóng, trà đá vỉa hè hốt bạc

ngày 29/05/2013

Hà Nội đang vào những ngày “đổ” lửa, khiến nhu cầu giải khát cao hơn ngày thường. Tuy nhiên, những nguy cơ về an toàn vệ sinh của những thức uống này vẫn bị các thực khách phớt lờ...

 

Siêu lợi nhuận

Có mặt tại quán nước gần sân vận động Mỹ Đình, chúng tôi không khỏi sốc trước doanh thu “cỏn con” của vị chủ hàng: “Chị bán cả ngày, trừ chi phí bỏ ra cũng được đôi triệu”. Khách hàng chủ yếu là người dân đi tập thể dục sáng, tối và các bạn trẻ ra quanh sân Mỹ Đình hóng mát, thả diều. Một số địa điểm “hot” về trà đá như: Trước cửa Nhà thờ Lớn, Ngã Tư Sở, gần Nhà hát Lớn... tới tận 23 giờ đêm, các quán hàng vẫn tấp nập. Đông khách, các quán còn bày bàn ghế tràn xuống cả lòng đường.

Là người bán trà đá hơn 10 năm nay tại cổng sau Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn, chị Thủy chia sẻ: Vì là nơi tập trung rất nhiều sinh viên nên mỗi ngày chị bán ra hơn 800 cốc trà đá, nhân trần, chưa kể các loại hạt, kẹo và các loại nước giải khát khác. Theo chị Thủy, số vốn chị bỏ ra mỗi ngày khoảng chục viên than tổ ong, vài chục lít nước, gần chục túi đá, 3kg chè, tổng cộng khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Hiện, mỗi cốc trà đá, nhân trần chị bán giá 2.000 đồng. Nghe đến đó, chúng tôi cũng phần nào tin hơn về thu nhập 2 triệu đồng/ngày của chị. Một số khách bên cạnh hóm hỉnh: “Tính ra khoản thu nhập mỗi ngày của chị là niềm mơ ước của không ít cán bộ, công nhân viên chức hiện nay đấy”.

Trời nắng nóng, trà đá vỉa hè hốt bạc - 1

Trà đá vỉa hè hút khách ngày nắng nóng (Ảnh minh họa)

Gia tăng nguy cơ nhiễm độc

Cùng đám bạn ngồi trò chuyện phiếm và giải cơn khát tại một hàng trà đá gần cổng Trường ĐH Thủy Lợi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự  mất vệ sinh nơi hàng nước mía. Sau khi dùng tay trần ép thân mía, vị chủ hàng này còn không ngần ngại đưa ngón tay vớt một số gợn trên mặt cốc nước rồi đưa cho chúng tôi. Khi được hỏi, chị chủ hàng tỏ ra khá thờ ơ: “Ôi dào, khách đông thế này nên phải làm nhanh thôi, với lại thi thoảng chị mới dùng tay cho tiện vì cũng sạch chứ bẩn gì”. Ngoài sự mất vệ sinh trông thấy trong cách pha chế: Pha chế nước gần cống nước thải hôi thối, bên đống rác bã mía đầy ruồi, nhặng... thì một số quán còn pha bột trà giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc, đường hóa học và chất tạo mùi thơm để thu lợi nhuận cao (nguyên liệu này có bán khá sẵn tại chợ Đồng Xuân). Còn đá được sử dụng ở một số hàng quán vỉa hè còn không rõ nguồn gốc.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội), nếu uống nhiều các loại nước giải khát được pha chế với những nguyên liệu không rõ nguồn gốc sẽ gây ra tình trạng nhiễm độc trường diễn, nghĩa là việc nhiễm độc sẽ diễn ra trong một quá trình dài hay còn gọi là nhiễm độc mạn tính. Việc đưa chất thơm vào cơ thể người ở một mật độ lớn sẽ được tích lũy, khu trú trong cơ thể.

Các hàng quán giải khát mọc lên như nấm tại cổng sau Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn gây cản trở việc đi lại.

 

Theo Vũ Loan (Báo Lao Động)

 

{fcomment}