Trả lại lễ khai giảng cho học trò!

ngày 31/08/2015

Hơn 90% học sinh được khảo sát bày tỏ sự thất vọng, chán nản về lễ khai giảng mà các em đã tham dự. Nhiều em khát khao được trở thành một phần của lễ khai giảng chứ không phải ngồi nghe và vỗ tay

Để biết tâm tư và nguyện vọng của học sinh (HS) về lễ khai giảng được tổ chức như thế nào, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, thăm dò ý kiến của 300 HS từ lớp 9 đến lớp 12 tại một số trường ở TP HCM. Hầu hết HS được khảo sát bày tỏ sự thất vọng về lễ khai giảng mà các em đã tham dự.

“Chúng em chỉ là người ngoài cuộc”

Nỗi khổ chung của HS, đặc biệt là nữ sinh, là phải “mặc áo dài ngồi lâu, phơi nắng suốt mấy tiếng đồng hồ”. Có những điều người lớn bắt các em phải làm theo thói quen nhưng với các em đó là sự dư thừa: “Em không hiểu tại sao lại còn phải vỗ tay khi đã có những hiệu lệnh trống kèn rộn rã. Bắt HS đến thật sớm ngồi đợi quan khách gần cả tiếng đồng hồ rồi mới khai giảng, quá mệt. Tại sao đi khai giảng mà lại cảm thấy mệt mỏi dù đáng lẽ đây là một ngày vui?” - một HS cho biết.

Trả lại lễ khai giảng cho học trò! - 1

Học sinh tiêu biểu được tuyên dương tại lễ khai giảng của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Điều mà HS cảm thấy khó chịu, chán ngán là những bài diễn văn dài lê thê. Một HS chia sẻ: “Các bài phát biểu của thầy cô trong lễ khai giảng đều giống nhau là tổng kết thành tích năm học vừa qua hoặc nói về lịch sử của trường, rồi đề cao trách nhiệm học tập - điều mà chúng em ai cũng đã biết. Chính vì vậy lễ khai giảng có những lúc đã trở thành “ác mộng” đối với chúng em”.

Còn em N.T.T.T thẳng thắn bày tỏ: “Khách mời đông còn chúng em mỗi lớp chỉ cử đại diện có 5 đến 10 HS. Lễ khai giảng là của HS nhưng bao năm nay em có cảm giác như là tổ chức cho đại biểu, từ chỗ ngồi, đón tiếp đến bài phát biểu cũng của đại diện hết phường rồi đến quận. Chúng em chỉ là người ngoài cuộc ngồi xem”.

Thùy Trang (HS lớp 10) tâm sự: “Lễ khai giảng, HS chỉ biết ngồi nghe, vỗ tay; lại nghe, lại vỗ tay giữa nắng, đầy mồ hôi. Hết buổi lễ, chúng em lẳng lặng ra về, dường như khai giảng không phải là của chúng em và chúng em chẳng có vai trò gì cả”. Một HS khác cho biết: “HS không hề được quan tâm đến tâm tư tình cảm, nỗi lòng làm cho chúng em cảm thấy dần dần xa cách với nhà trường”.

Các em cũng dị ứng với những buổi tập dượt khai giảng quá nhiều, quá lâu, quá hình thức và thiếu sự chân thực: “Dù sao đây cũng là buổi lễ chứ không phải là vở kịch“; “thật sự đáng buồn là 11 lễ khai giảng đã qua nhưng không có buổi lễ khai giảng nào đọng lại trong em. Có lẽ vì buổi lễ nào cũng giống nhau đến mức không tham dự nhưng vẫn đoán được điều gì đang xảy ra”.

Hiếm hoi ấn tượng đẹp

Trong 300 phiếu thăm dò, chỉ có 15 phiếu trả lời “có nhớ về buổi khai giảng ấn tượng” nhưng trong số đó 2/3 ấn tượng là vì khai giảng đầu cấp khi được mọi người chú ý quan tâm, được các anh chị lớp trên nắm tay dẫn vào trường để lại sự ấm áp, thân thiện. Ngoài ra, cũng còn có những nguyên nhân rất tế nhị: “Hồi lớp 7 vì có quan khách ở Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự nên trường làm rất hoành tráng, có nhiều tiết mục văn nghệ hay, chúng em có được bạt che nắng mà những lễ khai giảng trước không có”. Cũng có những lý do rất cá nhân nhưng cũng rất chân thành, đáng yêu: “Em ấn tượng vì lễ khai giảng năm đó là em được lĩnh thưởng, rất vinh dự”.

Hạnh phúc trong ngày lễ khai giảng của các em không chỉ từ phía nhà trường mà còn từ phía gia đình, sự quan tâm của các cha mẹ. Em Khánh Duyên nhớ về buổi lễ khai giảng đẹp của mình hồi tiểu học: “Lễ khai giảng năm đó, em đến muộn không kịp mua bong bóng, nhìn các bạn có bong bóng trên tay, em tủi thân lắm. Em đang đứng ở sân trường bỗng thấy ba xuất hiện đưa cho em chùm bong bóng. Em rất vui vì cứ ngỡ ba đã đi làm rồi, không ngờ ba lại còn có thể biết được em đang nghĩ gì. Rồi ba ở lại với em mặc cho trễ giờ làm để cùng em dự lễ khai giảng cho đến khi cả trường thả bong bóng, ba mới về”.

Các em ước mong gì?

Nhiều HS đã bày tỏ mong ước về một lễ khai giảng “trong mơ”, cả về thời gian, chương trình người tham dự, các tiết mục văn nghệ.

Về thời gian chương trình phải được thông báo trước và theo đúng tiến trình, tránh trễ giờ và thời gian diễn ra lâu hơn dự kiến, có góc nhìn đẹp cho khối đầu cấp và cuối cấp, người phát biểu nên nói ngắn và tránh cầm giấy đọc hoặc nói dài lê thê, tẻ nhạt. “Rất mong bài phát biểu của khách mời và của thầy cô biến thành sự chia sẻ kinh nghiệm, chúng em sẽ thích lắng nghe hơn” - Q.L.A.K chia sẻ.

Hầu hết các em rất mong lễ khai giảng là ngày hội giao lưu giữa thầy và trò, giữa các cựu học sinh và tân học sinh. “Anh chị thủ khoa ĐH, CĐ giao lưu với HS lớp 12 là điều rất quan trọng để truyền cảm hứng, kinh nghiệm cho HS cuối cấp” - một HS bày tỏ.

Và đây cũng là một ý tưởng hay: “Nên có đoạn phim ngắn về trường để giới thiệu cho HS, tùy từng năm mà đoạn phim có sự thay đổi”. Các em cũng rất mong muốn được nghe thầy cô và HS cùng biểu diễn chung tiết mục văn nghệ, mong được có những bức hình thật đẹp khi dự lễ, chứ không phải sau buổi lễ, HS tự chụp với nhau…

Em Trần Ngọc Hân (HS lớp 9) mong ước: “Hãy để cho chúng em có quyền được nói, được phát biểu hay cho chúng em được tự khai giảng cho buổi khai giảng của chính mình. Lễ khai giảng không phải là cuộc họp báo thành tích, xin đừng đưa ra những con số nhàm chán. Xin thầy cô dành nhiều thời gian để nói về động lực, ước mơ hoài bão và chia sẻ những câu chuyện, tạo hứng thú cho chúng em”.

HOÀNG THỊ THU HIỀN (Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong)

Nguồn 24h