TQ thuê hàng trăm hecta trồng dưa hấu ở Lào, Campuchia

ngày 29/12/2015

Dưa hấu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 90% sản lượng xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư trồng dưa hấu ở Lào, Campuchia để phục vụ nhu cầu trong nước.

Đây là thông tin được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra tại hội nghịĐẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu mùa vụ 2015-2016do Bộ Công Thương tổ chức chiều 28-12 ở Hà Nội.

TQ thuê hàng trăm hecta trồng dưa hấu ở Lào, Campuchia - 1

Ảnh minh họa

Bà Dương Phương Thảo, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu, cho biết dưa hấu có năng suất cao, 50-60 tấn/ha. Tổng sản lượng dự kiến mùa vụ 2015-2016 không biến động nhiều so với năm ngoái, ước khoảng 1,5 triệu tấn. Giá bán hiện tại ở các tỉnh ĐBSCL và miền Nam Trung Bộ dao động khoảng 6.000 đồng/kg. Với giá bán này, người trồng đang có lãi l 50-60 triệu đồng/ha. Hiện nay mặt hàng dưa hấu tiêu thụ trong nước chiếm 80% sản lượng thu hoạch, số còn lại là xuất khẩu; trong đó thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Lào, Campuchia,…

Bà Thảo thông tin thêm dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 90% thị phần xuất khẩu mặt hàng này và chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Tuy nhiên, gần đây nhiều thương nhân Trung Quốc đã có xu hướng sang Lào, Campuchia thuê hàng trăm hecta để trồng dưa hấu và xuất khẩu ngược lại để tiêu thụ trong nước. Điều này sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam.

Về tình trạng ùn tắc dưa hấu diễn ra nhiều năm qua ở các cửa khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng ngoài nguyên nhân lượng tiêu thụ tăng đột biến thì nguyên nhân chính xuất phát từ phía Trung Quốc chỉ làm thủ tục nhận dưa hấu tại Tân Thanh dẫn đến ùn tắc cục bộ.

Bên cạnh đó, tập quán buôn bán giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, không có hợp đồng ký trước, buôn bán tự phát; doanh nghiệp Việt Nam thường làm thủ tục đưa sang biên giới rồi mới tìm đối tác để bán hàng, dẫn đến bị động trong tiêu thụ, bị ép giá khiến hàng hóa bị ách tắc.

“Cách thức phân loại, lựa chọn và đóng gói sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp hai nước không thống nhất nên khi đưa hàng đến cửa khẩu bàn giao, thương nhân Việt Nam mới dỡ hàng xuống để lựa chọn, đóng gói lại theo yêu cầu phía bạn, gây ùn tắc cục bộ tại cửa khẩu” - Thứ trưởng cho biết.

Về giải pháp, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các địa phương trồng dưa hấu cần cập nhật thông tin sản lượng, tiến độ thu hoạch, số lượng dưa dự kiến lên biên giới cho Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT; tuyên truyền cho các thương nhân cách phân loại, đóng gói, bảo quản hàng hóa phù hợp với yêu cầu phía nhậu khẩu.

Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan sẽ sớm triển khai xây dựng khu trung chuyển hàng nông sản tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Đây sẽ là địa điểm tập kết khi lượng xe chở dưa hấu dồn về quá nhiều vượt quá khả năng thông quan.

“Trong thời gian chưa có khu trung chuyển, tỉnh Lạng Sơn xem xét bố trí địa điểm đủ rộng, tạo thuận lợi giao thông để tập kết các xe chở dưa hấu chưa đến lượt qua cửa khẩu,… Nếu tỉnh Lạng Sơn không bố trí được địa điểm sẽ đề nghị tỉnh Bắc Giang thu xếp địa điểm thay thế” - ông Tuấn Anh nói.

Nguồn 24h