Dùng chất cấm trong chăn nuôi: Kiến nghị quy định thành tội danh

ngày 11/11/2015

Chất cấm tạo nạc “bung đùi, nở mông” (chủ yếu là Salbutamol) được dân trong nghề gọi là “mỳ chính” cho lợn. Việc sử dụng loại “mỳ chính” này được xem là “một người đầu độc hàng triệu người”, là tội ác, cơ quan chức năng kiến nghị cần xử lý hình sự.

Tiếp thị chất cấm

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chất cấm như “bóng ma” đã ám ảnh trở lại ngành chăn nuôi từ nửa cuối năm 2014 đến nay. Còn nhớ, lúc cao điểm (năm 2011), “cơn bão” chất cấm gây thiệt hại tới 2.000 - 3.000 tỷ đồng/tháng, do người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn. Lần này sự quay lại còn ở mức độ nghiêm trọng hơn, xuất hiện trên phạm vi cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam.

“Theo thông tin trinh sát, một số hãng sản xuất thức ăn lớn thậm chí còn cho nhân viên tiếp thị chất cấm đến tận những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy cần kiểm tra chấn chỉnh ngay”, lãnh đạo Cục Chăn nuôi nói.

Dùng chất cấm trong chăn nuôi: Kiến nghị quy định thành tội danh - 1

Để người tiêu dùng thoát khỏi nỗi ám ảnh mua phải thực phẩm độc hại, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần được coi là một tội danh trong Bộ luật Hình sự (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tại phía Bắc, vụ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vừa phát hiện ở Nghệ An. Tại hội nghị Triển khai kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi các tỉnh phía Bắc ngày 10/11, ông Lưu Công Hòa (Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT Nghệ An) cho biết, mẫu thức ăn chăn nuôi (TACN) dính chất cấm Salbutamol được phát hiện tại cơ sở của bà Phạm Thị Huệ, đại lý kinh doanh cám xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên). Mức chất cấm phát hiện gấp 5-7 lần ngưỡng quy định. Truy nguồn gốc, số cám trên xuất phát từ Cty Cổ phần Đầu tư phát triển Tiền Phong (văn phòng tại Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội; cơ sở sản xuất tại xã Trưng Trắc, Văn Lâm, Hưng Yên) sản xuất và gửi Huệ bán thử. “Đây là loại cám hỗn hợp đặc biệt, dành cho lợn từ 13 đến 30 ngày tuổi. Khi biết thông tin cám có chất cấm, công ty đã đề nghị phân tích lại, nhưng kết quả vẫn “dính” và họ đã thừa nhận” - ông Hòa nói. Được biết, hiện Sở NN&PTNT đang đề xuất mức phạt công ty 140-200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Sở NN&PTNT Hà Nam) cho hay, có hiện tượng, người chăn nuôi tự trộn các gói nhỏ “mỳ chính” vào thức ăn ở chuồng. “Chúng tôi nghi ngờ hệ thống bán thuốc thú y tham gia bán các loại chất cấm”- ông Hùng nói. Một đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội thì bật mí, qua test (thử) nhanh, có tới 21/400 mẫu nước tiểu lợn lấy tại địa bàn có dấu vết chất cấm. Tuy nhiên, khi đi phân tích định lượng lại cho kết quả âm tính.

Dùng chất cấm trong chăn nuôi: Kiến nghị quy định thành tội danh - 2

Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn sẽ tập trung “đánh” vào những khu vực có biểu hiện sử dụng chất cấm. Ảnh: Nam Khánh.

“Trảm” ngaycán bộ tiếp tay

Có ý kiến lo ngại việc nhiều cán bộ thú y có nghề “tay trái” kinh doanh buôn bán cám, thuốc thú y, khiến vấn đề chất cấm trở nên khó quản. Nói về vấn đề này, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Chăn nuôi cho biết: “Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã có “lệnh”, phát hiện cán bộ trong ngành tiếp tay cho chất cấm, kháng sinh cấm, đuổi luôn khỏi ngành và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật”.

Theo ông Vân, không để người dân “chết dần” vì chất cấm. Các địa phương không thể “kêu” thiếu vài chục, vài trăm triệu mà để tình trạng chất cấm tràn lan. “Địa phương có rất nhiều ban chỉ đạo và người tham gia nhưng có khi chỉ đi họp cho vui” - ông Vân nói.

Để chế tàiđối tượngcó hành vi sử dụng chất cấm, ông Vân cho biết, hiện các quy định chỉ mới dừng ở mức xử phạt hành chính, cao nhất là đóng cửa cơ sở dùng chất cấm. Vì thế, chỉ doanh nghiệp lớn mới sợ, còn người chăn nuôi nhỏ lẻ, hoặc cơ sở làm cám vài vạn tấn/năm, họ cũng không sợ.

“Các trường hợp có hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thân thể của con người mới xử lý hình sự. Trong khi đó, chất cấm sẽ gián tiếp gây ảnh hưởng nặng về sức khỏe người dân. Chúng tôi đã kiến nghị, cần nghiên cứu kỹ các tác hại của chất cấm, từ đó, đưa nội dung này vào Bộ luật hình sự nhằm ngăn chặn việc sử dụng chất cấm”- ông Vân nói.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Bộ Y tế cho phép sử dụng chất Salbutamol trong chữa bệnh, nên cần quản lý, giám sát chặt chẽ hơn việc sử dụng chất này qua đơn thuốc của bác sĩ, tránh rò rỉ ra ngoài gây nguy hiểm. “Thuốc Salbutamol, nhiều khả năng nhập lậu qua biên giới, nên chúng tôi đã đề nghị các địa phương ở biên giới tăng giám sát, trinh sát và xử lý”, ông Vân cho hay.

Trong khi đó, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, xử phạt các trường hợp sử dụng chất cấm với mức vài trăm triệu đồng chưa giải quyết được vấn đề, trong khi chưa quy định rõ mức nào có thể xử lý hình sự. Do vậy, cần đưa việc quản lý TACN vào luật, chứ không để ở mức nghị định như hiện nay. Theo ông Lịch, ở Trung Quốc, luật về TACN thay bằng lệnh của chủ tịch nước, còn ở Thái Lan đã có luật cấm thức ăn chăn nuôi từ hàng chục năm.

Ông Lịch cho rằng: “Các nước đã có luật, Việt Nam khi hội nhập cũng cần có luật mới xử lý được trọng tội về chất cấm trong chăn nuôi giống như xử tội buôn ma túy, vì đó là ma túy của chăn nuôi”.

Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi, tới đây, các địa phương sẽ triển khai đợt cao điểm “đánh” chất cấm. Trong đó, sẽ kiểm tra 100% các nhà máy, cơ sở sản xuất thức ăn có biểu hiện sử dụng chất cấm; toàn bộ đại lý bán thuốc thú y, thức ăn và khâu tham gia vào chuỗi giết mổ... Tăng tần suất kiểm tra, khoanh vùng trang trại, khu vực nguy cơ sử dụng chất cấm cao, từ đó phối hợp vớicông an, lực lượng thanh tra các cấp xử lý. Dự kiến, ngành Chăn nuôi sẽ phối hợp, tập huấn cho 500-1.000 chiến sĩ công an, được phép lấy mẫu kiểm tra về chất cấm.

Phát hiện chất cấm Salbutamol tại cơ sở giết mổ

Ông Chu Đình Khu, Trưởng phòng TACN (Cục Chăn nuôi) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2015, có hơn 10 tỉnh thành có báo cáo về chất cấm là An Giang, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, TPHCM, Kiên Giang, Ninh Bình, Ninh Thuận, Quảng Bình, Tây Ninh và Tiền Giang.

Qua kiểm tra, lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất TACN cho thấy, chỉ phát hiện 1/19 mẫu “dính” chất cấm (chiếm 5,3%). Tại cơ sở chăn nuôi lợn thịt phát hiện 1/28 mẫu thức ăn lấy tại chuồng có chất cấm (tại Đồng Nai). Tuy nhiên, có tới 29/263 mẫu nước tiểu (chiếm 11%) “dính” chất cấm, trong đó Đồng Nai dính tới 21 mẫu, Tiền Giang 7 mẫu và An Giang 1 mẫu.

Theo ông Khu, đáng lo ngại hơn, chất cấm còn được phát hiện tại các cơ sở giết mổ, khi có tới 106/587 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol. Trong đó, nếu xét trên địa bàn, Đắk Nông có 3/54 mẫu dính chất cấm, TPHCM 95/516 mẫu, còn Đồng Nai có tới 3/6 mẫu (50%), Tây Ninh 5/9 (55%).

Nam Khánh

Bơm tạp chấtvào lợn

Ngày 10/11, thượng tá Phạm Hữu Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường (PC49 - Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định xử phạt 2 trường hợp bơm tạp chất vào dạ dày lợn trước khi đem giết mổ. Đó là trường hợp ông Trần Ngọc Huân (SN 1978, thường trú tại phố Bùng, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) và ông Trần Văn Luân (SN 1986 tại thôn Thanh Lâm, xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa). Mỗi trường hợp bị phạt 5,5 triệu đồng.

Trước đó, tại cơ sở giết mổ của hai hộ gia đình này, PC49 và Đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch động vật Bắc Giang bắt quả tang các đối tượng đang bơm tạp chất vào khoảng 40 con lợn trước khi đưa đi giết mổ.

Nguyễn Trường

Nguồn 24h