Phong trào thi đua "Dân vận khéo," xây dựng "Đơn vị dân vận tốt" trong Quân đội được triển khai đồng bộ, toàn diện, thực chất, vững chắc, có chiều sâu, phù hợp với tình hình thực tiễn, đạt hiệu quả thiết thực.
Phong trào đã góp phần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Quân đội trong tình hình mới; động viên, phát huy tính tích cực, chủ động của cán bộ, chiến sỹ Quân đội và nhân dân, huy động mọi nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh
Nét mới của phong trào là các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn bám sát địa bàn, lựa chọn nội dung, hình thức, mô hình hoạt động phù hợp, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng; huy động tập trung nguồn lực tham gia giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm.
Nhiều phong trào và mô hình "Dân vận khéo" đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả, lan tỏa ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, góp phần ổn định, cải thiện đời sống nhân dân như "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới," "Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" và nhiều mô hình "Bò giống cho người nghèo," "Mái ấm biên cương," "Nâng bước em đến trường..."
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đánh giá các đơn vị Quân đội đã tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
Toàn quân đã phối hợp giải quyết tốt chính sách tồn đọng sau các cuộc chiến tranh, phát huy tốt vai trò nòng cốt, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, hiểm nguy, giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường, cứu hộ, cứu nạn...
Đặc biệt, trước sự bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cán bộ, chiến sỹ toàn quân, nhất là lực lượng Quân y, Bộ đội Biên phòng đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, xung kích đi đầu, hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch; tiếp tục làm tỏa sáng hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.
Đánh giá về những kết quả từ phong trào thi đua "Dân vận khéo," xây dựng "Đơn vị dân vận tốt" trong Quân đội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng phong trào đã phát huy tốt vai trò của Quân đội trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Quân đội với nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước.
Đồng hành cùng nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai
Sư đoàn 315, Quân khu 5 đứng chân trên địa bàn duyên hải miền Trung, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, bão lũ hằng năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm cao, cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận một cách đồng bộ với nhiều biện pháp, đem lại hiệu quả thiết thực.
Cho đến giờ, Đại tá Huỳnh Văn Trông, Chính ủy Sư đoàn 315, Quân khu 5 vẫn không quên được trận sạt lở đất xảy ra vào chiều 6/11/2017 tại thôn 2, xã Trà Vân, Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Trận sạt lở đã làm 5 người chết, 15 người bị thương, hơn 40 nhà dân bị sập, tốc mái; hệ thống đường giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng với hàng chục điểm sạt lở; nhiều khu dân cư vẫn nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở... Miền núi mùa mưa, hệ thống giao thông bị cô lập, phương tiện cơ giới không thể vào đến nơi.
Thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, di dời về nơi ở mới an toàn, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã vượt nguy hiểm, bằng mọi cách nhanh nhất tiếp cận hiện trường.
Tuy nhiên, một khó khăn khác xuất hiện lúc này là việc sắp xếp đất ở cho gần 100 hộ dân người Ca Dong tại khu tái định mới ở thôn Khe Chữ (xã Trà Vân, huyện Nam Trà My).
Để vận động nhân dân thôn Khe Chữ hiến đất cho người dân bị ảnh hưởng của sạt lở, các cơ quan, đơn vị của Sư đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền thôn Khe Chữ và xã Trà Vân kiên trì bám nắm cơ sở, trên cơ sở phong tục tập quán của đồng bào, vận động hàng chục hộ dân hiến gần 100ha đất để chuẩn bị cho việc di dời nhân dân bị ảnh hưởng của sạt lở về nơi ở mới.
Sau khi vận động nhân dân hiến được đất, công cuộc di dời gần 100 hộ dân về nơi ở mới được bắt đầu trong ngổn ngang công việc ở thời điểm Tết Nguyên đán 2018 đang cận kề.
Những chiến sỹ bám sát nhau trên những con đường dốc cao trơn trượt trong mưa lũ, trên vai nặng trĩu những tài sản còn sót lại sau cơn lũ dữ của người dân.
Các chiến sỹ của Sư đoàn 315 phối hợp với đơn vị điện lực địa phương kéo đường dây điện vào tận thôn, khẩn trương giúp nhân dân làm nhà tạm, tháo dỡ nhà cũ di chuyển đến nơi ở mới, cải tạo đồng ruộng, đường ống dẫn nước... Hình ảnh khó quên ấy đến giờ vẫn còn in đậm trong trí nhớ của rất nhiều người dân nơi đây.
Tháng 11/2017, ngay trước thềm Tuần lễ cấp cao APEC do Việt Nam đăng cai tổ chức, cơn bão số 12 với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4, đổ bộ thẳng vào khu vực Nam Trung Bộ, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
69 người mất tích, phố cổ Hội An chìm trong biển nước, ngập sâu trong rác và bùn đất, nhiều di tích lịch sử bị phá hủy..., ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân và công tác chuẩn bị cho Hội nghị APEC.
Ngày 5/11/2017, 669 cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 315 nhận nhiệm vụ cơ động lực lượng, hành quân hơn 20 km tới giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Đại tá Huỳnh Văn Trông chia sẻ: "Chúng tôi hiểu rằng đây là lúc thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng, mệnh lệnh chiến đấu của người lính trong thời bình, giúp dân khắc phục thiên tai, nhất là thời điểm cận kề một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước tại thành phố Đà Nẵng, mà Hội An cũng là điểm đến của khách tham quan và tổ chức các sự kiện chào mừng APEC 2017."
"Thời khắc khó khăn nhất của chúng tôi trong lúc làm nhiệm vụ, đó là những khi mưa và gió mùa đông bắc, nhiệt độ có lúc chỉ 16 độ C, sự lạnh giá cùng mưa gió làm cho cán bộ, chiến sĩ thực sự thấm mệt. Song hình ảnh Người đứng đầu Chính phủ xắn quần lội nước đi đến từng con phố để chia sẻ khó khăn với nhân dân, cùng với sự động viên của thủ trưởng các cấp, tình cảm của người dân Hội An khi sẻ chia từng miếng cơm, chén nước... đã tạo động lực giúp chúng tôi vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết," Đại tá Huỳnh Văn Trông nhớ lại.
Chỉ trong ba ngày thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã dọn vệ sinh, vét bùn đất trên toàn bộ khu vực trục đường chính của thành phố và tại ba trường mầm non; vệ sinh, phòng dịch cho 150 hộ dân, một trạm xá; vệ sinh, khôi phục các công trình kiến trúc, các khu vực tổ chức sự kiện đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng phục vụ nhu cầu du lịch, giao lưu văn hóa của bạn bè các nước tham gia Hội nghị APEC.
Người gieo chữ trên đảo tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc
Nước ta có đường biên giới trên đất liền dài hơn 5.000km, trên biển dài hơn 3.200km. Dù nhận được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, song so với những địa bàn khác trong đất liền, cùng với những đặc thù về thời tiết, địa hình, khu vực biên giới vẫn là địa bàn khó khăn.
Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, với vai trò là lực lượng chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng luôn nỗ lực làm tốt công tác dân vận, thắt chặt tình quân dân "cá nước," góp phần tạo tiền đề cho việc củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Hòn Chuối là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc, một trong 5 đảo của Đề án xây dựng đảo Thanh niên (giai đoạn 2013 - 2020) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đảo ở xa đất liền, có địa hình rất phức tạp, độ dốc cao, điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ dân trí của người dân trên đảo chưa cao. Đặc biệt, trẻ em trong độ tuổi không được đến trường để tiếp cận với con chữ.
Nỗ lực khắc phục những điều kiện khó khăn đặc thù trên đảo, nhiều năm qua, Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp Trần Bình Phục, Phó đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau vẫn miệt mài "gieo chữ" cho các em nhỏ trên đảo.
Đại úy Phục cho biết, lúc đầu điều kiện dạy và học ở đảo hầu như không có. Vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập chỉ có tấm bảng đen bị loang lổ và mục nát. Phòng học tạm bợ, hư hỏng, nguy cơ sập đổ. Mặt khác, người dân nơi đây không mặn mà với việc học hành của các em nhỏ, khó khăn chồng chất khó khăn...
Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau về việc nâng cao chất lượng trường lớp trên đảo, Đại úy Phục cùng đồng đội đã từng bước khắc phục khó khăn, sắp xếp công việc chuyên môn để chủ động đứng lớp giảng dạy, đưa các lớp học trên đảo đi vào nền nếp.
"Để đến lớp học, hàng ngày các em nhỏ trên đảo phải leo 303 bậc thang dốc thẳng đứng, tôi đã chủ động đến tận nhà đón các em đi học và đưa các em về sau khi tan lớp. Cùng với đó là tích cực tuyên truyền, vận động người dân trên đảo nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc học và tương lai của các em, tạo sự đồng thuận để gia đình cho các em được đến lớp," Đại úy Phục cho biết.
Mặt khác, anh cùng đơn vị tích cực vận động các nhà tài trợ ủng hộ về cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy, học tập như đồ dùng lớp học, quần áo, sách vở, dụng cụ học tập... cho học sinh.
Sau nhiều năm cùng đồng nghiệp đứng lớp giảng dạy và duy trì lớp học, người thầy giáo mang quân hàm xanh đã góp một phần lớn công sức giúp 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường trên đảo đều được tham gia học tập, biết đọc, biết viết, nắm được những kiến thức căn bản của chương trình giáo dục hiện hành.
Hiện đang có hơn 20 em đang theo học lớp trên đảo với các trình độ khác nhau từ lớp 1 đến lớp 6. Cũng từ những lớp học nơi đảo xa này, đã có 24 em được chuyển vào đất liền để tiếp tục học tập, đặc biệt có 4 em đã tốt nghiệp Đại học.
Bằng sự phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của Đại úy Phục và đơn vị, lớp học trên đảo được duy trì đều đặn hằng ngày nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Việc duy trì lớp học cũng như ý chí vượt khó của thầy và trò trên đảo Hòn Chuối đã làm thay đổi nhận thức cho nhiều người dân trên đảo.
Các gia đình đều phấn khởi, động viên con em mình tiếp tục học tập. "Những kết quả này tuy không lớn, nhưng tôi cảm thấy vui vì mình đã góp phần nâng cao trình độ, nhận thức cho thế hệ trẻ trên hòn đảo tiền tiêu này, cũng là góp phần thắt chặt sự gắn bó máu thịt quân dân, thực hiện khẩu hiệu "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt," Đại úy Trần Bình Phục chia sẻ.
Với những đóng góp của mình, Đại úy Trần Bình Phục đã được các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Từ năm 2016 đến nay, anh được tặng thưởng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng./.