Tình trạng ế chung cư thu nhập thấp vẫn diễn ra mạnh

ngày 15/08/2013

Trái ngược với tình trạng người dân chen nhau nộp hồ sơ đăng ký mua các căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp 2-3 năm trước, giờ đây những dự án này đang ế, vắng khách mua. Trong khi đó, xuất hiện tình trạng có người đã ký hợp đồng mua nhà nhưng chưa nhận bỗng dưng... trả lại nhà, còn người đã nhận nhà tìm cách rao bán, cho thuê lại căn hộ.

 

 

Rẻ cũng ế

Khu đô thị Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) có 3 tòa chung cư cao 19 tầng dành cho người thu nhập thấp, do Công ty CP Bê tông và xây lắp Xuân Mai (Vinaconex Xuân Mai) làm chủ đầu tư, xây dựng từ năm 2010 và bắt đầu đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013.

Các căn hộ ở đây có giá bán 10,6 triệu đồng/m2, lại có vị trí đẹp nên hồi đầu năm 2011, khi chủ đầu tư nhận hồ sơ bán căn hộ, đã có tới 3.357 bộ hồ sơ đăng ký mua nhà, gấp hơn 4 lần tổng số căn hộ. Vì thế, các hồ sơ phải qua vòng chấm điểm và lấy theo thứ tự từ điểm cao xuống, sau đó người đủ tiêu chuẩn lại phải trải qua vòng bốc thăm may mắn để có được suất mua nhà, với tỷ lệ “1 chọi 3”. Trước đó, dự án nhà thu nhập thấp tại phố Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, cũng trong cảnh tương tự, với tỷ lệ “1 chọi 2”. Vậy nên, ai may mắn có được suất mua nhà thì vui khôn xiết, người trượt thì tiếc hùi hụi. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Đa - Phó tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai cho biết, đến nay có 8 trường hợp trả lại căn hộ tại chung cư thu nhập thấp Kiến Hưng.

Tính đến tháng 6/2013, cả nước đã hoàn thành 34 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, với 18.850 căn hộ; đang triển khai 32 dự án, với khoảng 19.550 căn. Trong đó, Hà Nội có 8 dự án đã hoàn thành với 4.000 căn;đang triển khai 5 dự án với 5.500 căn; đã tiếp nhận hồ sơ và đang thẩm định 12 dự án nhà ở thương mại chuyển sang xã hội với dự kiến 5.501 căn.

Nguồn: Bộ Xây dựng

Tính trạng ế chung cư thu nhập thấp cũng diễn ra tại Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, do Tổng công ty Gốm và xây dựng Viglacera làm chủ đầu tư. Khu đô thị này có gần 1.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp được đưa vào sử dụng từ tháng 7/2012, nhưng đến nay còn gần 100 căn hộ chưa có người mua, dù mức giá chỉ 10,3 triệu đồng/m2 (đã gồm cả thuế VAT và 2% phí bảo trì) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khá tốt. Hay tại chung cư thu nhập thấp Viglacera Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội, dù đã đưa vào sử dụng từ tháng 3/2013, đến nay có khoảng hơn 30 căn hộ chưa có người đến ở.

Không chỉ tại Hà Nội, tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, tòa chung cư dành cho người thu nhập thấp của Vinaconex Xuân Mai đã mở bán từ năm ngoái đến nay chỉ với mức giá 9,8 triệu đồng/m2 nhưng vẫn còn khoảng 100 căn hộ chưa có người mua. “Chúng tôi đã quảng cáo, thông tin rầm rộ ở địa phương nhưng vẫn còn tồn lại 100 căn hộ” - ông Nguyễn Văn Đa cho biết.

Nhà thu nhập thấp vẫn ế, Tài chính - Bất động sản, nha thu nhap thap, chung cu, chung cu Kien Hung, Vinaconex Xuan Mai, chu dau tu, cho thue, mua nha, muon nha, Viglacera Dai Mo
Gần 10 trường hợp trả lại căn hộ chung cư thu nhập thấp Kiến Hưng

Chấp nhận nộp phạt để trả nhà

Cũng theo ông Đa, những trường hợp chưa nhận nhà mà trả lại phải nộp phạt 5% tiền theo giá trị hợp đồng mua nhà, nhưng Công ty chỉ phạt theo giá trị hợp đồng đóng tiền mua nhà đợt 1, vào khoảng 11 triệu đồng. Những trường hợp trả lại căn hộ đều không nêu nguyên nhân nhưng chấp nhập nộp phạt.

Không chỉ người chưa nhận nhà “tháo chạy”, khá nhiều người đã sở hữu được căn hộ thu nhập thấp cũng muốn bán lại nhà. Nhưng vì theo quy định những người đã được mua nhà thu nhập thấp không được bán, cho thuê, cho mượn nhà, nếu bán lại phải bán cho chủ đầu tư, nên không ít người đã “bán chui”. Như tại chung cư Kiến Hưng, một trường hợp tại tầng 18 tòa CT5 vừa bán với giá 920 triệu đồng và hợp đồng được ký tay đôi với hình thức cho thuê. Một số khách hàng đã nhận nhà nhưng không có nhu cầu ở cũng tìm cách cho thuê lại nhà, như tại tòa chung cư thu nhập thấp Viglacera Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội, một trường hợp ở tầng 2 tòa nhà CT2 đã “cho thuê” với thời hạn 2 năm. Các căn hộ cho thuê này đều “lách luật” bằng chiêu thức: “Chủ nhà đi vắng, cho ở nhờ” khiến cơ quan chức năng gặp khó khi xử lý.  

 

 

Theo Thanh Lộc (Giao thông vận tải)

 

 

{fcomment}