Có tiền, muốn tiêu không được!

ngày 12/04/2013

(Dân trí) - Dự thảo của Bộ Tài chính kiến nghị nâng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại từ 10% lên 15%, đồng thời rà soát loại bỏ một số khoản chi ra khỏi diện chi phí khống chế.

 

 

Doanh nghiệp sẽ chật vật tìm cửa quảng bá sản phẩm? (ảnh minh họa).
Doanh nghiệp sẽ chật vật tìm "cửa" quảng bá sản phẩm? (ảnh minh họa).

Dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện và đang được các bộ ngành liên quan lấy ý kiến đóng góp.

Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi nội dung điểm n, khoản 2, điều 9 Luật thuế TNDN, trong đó nâng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại từ 10% lên 15% (bỏ qui định ưu đãi đối với doanh nghiệp mới thành lập (15%), đồng thời rà soát loại bỏ một số khoản chi ra khỏi diện chi phí khống chế.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp diễn ra ở Hà Nội sáng 11/4, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, dự thảo quy định nâng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại từ 10% lên 15% chưa phù hợp. Bởi các khoản chi này dù có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ 100% nhưng cũng chưa chắc được tính vào chi phí của doanh nghiệp.

Theo ông Trương Thanh Đức, cơ quan làm luật không nên “trói” doanh nghiệp vào các con số, quan trọng là các chi phí có thật hay không chứ không phải là bao nhiêu, vì chi phí hợp lệ, hợp pháp của doanh nghiệp này thì cũng chính là thu nhập của doanh nghiệp hoặc cá nhân khác. Việc nới 15% chi cho quảng cáo cho doanh nghiệp 3 năm đầu theo quan điểm của luật sư Đức, không có nghĩa lý gì, vì trong khoảng thời gian này tới 90% doanh nghiệp chưa làm được gì.

Cũng theo ông Đức, việc áp trần chi phí quảng cáo sẽ ảnh hưởng nhiều đến đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Thị Lan Hương (Khoa Luật - ĐHQG Hà Nội) cho rằng, qui định này chưa đảm bảo công bằng khi đánh đồng áp dụng đối với các doanh nghiệp không cân nhắc đến vị trí yếu thế của doanh nghiệp nhỏ và vừa và các đối tượng là doanh nghiệp mới thành lập.

Dù theo thiết kế của dự thảo, các doanh nghiệp này được áp dụng ưu đãi thuế trong địa bàn và lĩnh vực đầu tư theo Luật hiện hành còn được hưởng thuế suất TNDN ưu đãi hơn so với thuế suất phổ thông, nhưng các qui định ưu đãi này không liên quan trực tiếp đến xác định chi phí được trừ.

“Phương án xác định chi phí được trừ theo hướng điều chỉnh hợp lý phù hợp với chi phí thực tế về tiếp thị, quảng cáo, khuyến mại… của doanh nghiệp bỏ ra chưa được đề cập. Vì thế, rất dễ xảy ra chuyện doanh nghiệp chưa được khấu trừ hết chi phí sẽ tìm mọi cách để trừ hết bằng gian lận hóa đơn, chứng từ chi phí. Còn doanh nghiệp không có cách nào điều chỉnh phù hợp với định mức khấu trừ thì phải chấp nhận chịu thiệt do thuế TNDN thực chất đánh vào lợi nhuận thực thu”, bà Hương nói.

Do đó, theo vị đại biểu này, cơ quan làm luật cần đưa ra phương án khấu trừ chi phí/tổng doanh thu và đánh giá sự tác động đến bảo đảm công bằng cho các doanh nghiệp, bên cạnh phương án khấu trừ chi phí theo tỷ lệ phần trăm/tổng chi phí.

Cũng liên quan đến nội dung khống chế trần chi phí quảng cáo, ngày 9/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý của các hiệp hội. Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, các tính toán cho thấy chi phí thuế thực của doanh nghiệp tăng lên trung bình khoảng 42% - 80% so với chi phí thuế danh nghĩa tùy trường hợp (khoản chi quảng cáo và khuyến mãi càng cao so với tỉ lệ doanh thu thì mức tăng chi phí thuế thực càng lớn).

Khảo sát khoảng 50 nước trên thế giới cho thấy, chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc thực hiện khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi. Nhưng cơ chế của Trung Quốc “cởi mở” hơn vì khống chế 15% trên tổng doanh thu hằng năm, còn Việt Nam khống chế ở mức 10% tổng chi phí của doanh nghiệp.

Do đó, các đại biểu cho rằng, Việt Nam nên bỏ khống chế trần chi phí quảng cáo để tạo cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi, quảng cáo kích cầu trong nước, đồng thời làm khởi sắc ngành công nghiệp quảng cáo và phụ trợ ở Việt Nam. Chi phí quảng cáo nằm trong chi phí sản xuất của doanh nghiệp, cần để cho doanh nghiệp quyết định, Nhà nước không nên làm thay. Nếu tiếp tục khống chế trần, doanh nghiệp trong nước sẽ bị đẩy vào tình cảnh thua ngay trên sân nhà vì đối thủ nước ngoài sẽ được chuyển ngân sách từ công ty mẹ sang quảng cáo sản phẩm mà không bị khống chế trần chi phí.

Ông Đinh Sỹ Dũng, Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) bày tỏ đồng tình với việc loại bỏ một số khoản chi như chiết khấu thanh toán, chi báo biếu, báo tặng. Còn đối với việc nâng tỷ lệ khống chế lên 15%, không phân biệt doanh nghiệp mới, cũ thì cần có sự cân nhắc thêm. Luật hiện hành qui định là 10%, doanh nghiệp mới thành lập là 15%. Việc sửa đổi này cũng sẽ tác động đến giảm thu ngân sách, nhất là khi đồng thời sửa đổi giảm thuế suất.

 

Nguyễn Hiền

 

 

 

 

{fcomment}