Tình phụ tử thiêng liêng không có thứ 'con gái là người tình kiếp trước của cha'

ngày 26/05/2022

Câu 'Con gái là người tình kiếp trước của cha' đã chẳng hay ho gì lại còn độc hại, thậm chí đáng sợ, sao có thể dùng để nói về tình phụ tử thuần khiết, thiêng liêng.

Không hiểu xuất xứ từ đâu, nhiều năm qua, câu “Con gái là người tình kiếp trước của cha” được rất nhiều người trích dẫn trên mạng xã hội cùng hình ảnh cha và con gái, hoặc kèm theo câu chuyện về sự gắn bó cha con. Từ lần đầu nghe câu này, tôi đã thấy gai gai, rờn rợn. Một số người bạn cũng cảm thấy thế. Tôi đã nghĩ mình thuộc về thiểu số bởi câu nói đó thường xuyên và liên tục xuất hiện trong các dòng trạng thái hay bài viết trên môi trường mạng. Người ta thích thú dẫn lại như thể nó là câu châm ngôn gì thú vị lắm.

Mãi đến hôm qua, khi dư luận “sôi” lên về những câu nói phản cảm đến nổi da gà của diễn viên Cao Thái Hà, tôi mới nhận ra người cảm thấy “sợ” và phản đối câu “Con gái là người tình kiếp trước của cha” thực sự rất nhiều.

Xin nói ngay rằng tôi hiểu ý của tác giả câu trên, rằng cách ví von như thế chỉ nhằm nhấn mạnh mức độ yêu thương, gắn bó giữa cha và con gái, so với mức độ tình cảm của những người yêu nhau tha thiết. Họ cũng muốn nhấn mạnh rằng tình cảm giữa cha và con gái sâu sắc như thể đã có duyên nợ từ kiếp trước.

Tình phụ tử là tình cảm thiêng liêng, thuần khiết.

Ý là thế, nhưng những gì thể hiện qua ngôn từ lại gây phản cảm, khiến người ta sợ hãi bởi những liên tưởng xấu xí. Như vậy thì rõ ràng là câu nói đó đã thất bại trong việc truyền tải thông điệp, nào có đáng để được lan truyền! Thay vì gợi cảm xúc đẹp đẽ, thiêng liêng về tình phụ tử thì nó lại làm dấy lên sự lo lắng về những điều bệnh hoạn, suy đồi.

Với những người không hiểu ngọn ngành, chỉ cảm nhận ý nghĩa qua lớp vỏ ngôn từ, câu nói trên có thể dẫn đến những nhận thức lệch lạc, mà nhận thức sẽ kéo theo hành động tương ứng, nguy hiểm khôn lường. Chuyện của Cao Thái Hà là một ví dụ điển hình. Rất dễ nhận thấy phát biểu gây rùng mình của cô khi nói về người cha quá cố bắt nguồn từ câu nói phổ biến trên, được hiểu theo cách dung tục, thô thiển và không lành mạnh.

Từ câu “Con gái là người tình kiếp trước của cha”, khi khoe sự thân thiết giữa ông xã và con gái, nhiều phụ nữ gọi đùa con gái nhỏ là “tiểu tam”, “trà xanh cướp chồng… Cách đây khoảng 3 tháng, cư dân mạng được phen nổi da gà khi một bà mẹ bỉm sữa đăng tải dòng trạng thái: ''Có mẹ nào nửa đêm tỉnh dậy không thấy chồng nằm bên cạnh, nhìn sang thì đã thấy ôm con gái ngủ rồi, ‘trà xanh’ ngay cạnh mình luôn chứ''. Dù người phụ nữ này không có dụng ý xấu, nhưng cách ví von của chị ta đã làm tổn thương cảm xúc của mọi người, hạ thấp sự thiêng liêng của tình cảm cha con.

Câu “Con gái là người tình kiếp trước của cha” đã nhạt nhẽo, tào lao lại còn độc hại, hà cớ gì cứ đua nhau trích dẫn mãi! Muốn nói về tình cha con ư? Thiếu gì cách diễn đạt khác sâu sắc, thấm thía hơn. Tình cảm giữa cha và con gái trong sáng, thuần khiết như nước suối đầu nguồn, tuyệt nhiên không cần và không thể so sánh với kiểu tình cảm khác, tuyệt đối đừng gắn yếu tố giới tính cho nó một cách kém lành mạnh.

Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng so sánh tình cha con với tình yêu nam nữ thì không chỉ khập khiễng mà còn có phần bệnh hoạn, nguy hiểm. Những câu nhảm như vậy không nên sử dụng nữa, hãy loại bỏ nó ra khỏi đời sống ngôn ngữ của chúng ta.

Nguồn: https://vtc.vn/tinh-phu-tu-thieng-lieng-khong-co-thu-con-gai-la-nguoi-tinh-kiep-truoc-cua-cha-ar678937.html