Thị trường BĐS: Không gỡ sẽ càng sa lầy

ngày 04/10/2014

Để thị trường bất động sản hồi phục, không chỉ cần các gói tín dụng mà quan trọng hơn là phải tháo gỡ thủ tục cho chủ đầu tư, người mua nhà và gấp rút xử lý nợ xấu trong lĩnh vực này.

Nhiều giải pháp như gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, cho phép doanh nghiệp (DN) chia nhỏ diện tích căn hộ… đã được đưa ra từ đầu năm ngoái nhưng đến nay chưa phát huy tác dụng như mong muốn. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu những vướng mắc không được giải quyết, hàng loạt vụ kiện tụng diễn ra từ người mua, người bán cho đến các đối tác sẽ khiến thị trường bất động sản (BĐS) thêm rối tung.

Đừng vẽ thêm quy định

Tháng 6-2013, thị trường BĐS được nhiều người kỳ vọng khi đón làn gió mới bằng gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng từ ngân sách nhằm hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà, qua đó lan tỏa đến thị trường - nhất là phân khúc bình dân. Nhưng qua 15 tháng triển khai, tốc độ giải ngân rất ì ạch.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HOREA), cho rằng để thị trường BĐS được khơi thông, trước hết cần đơn giản hóa thủ tục để người dân dễ dàng tiếp cận gói ưu đãi này.

Thị trường BĐS: Không gỡ sẽ càng sa lầy - 1

Dự án của Công ty Hoàng Quân được vay vốn từ gói 30.000 tỉ đồng của Chính phủ Ảnh: TẤN THẠNH

Chẳng hạn, cần giảm bớt các điều kiện về diện tích, giá tiền cho người vay, chỉ cần quy định mua nhà dưới 1,05 tỉ đồng là được vay (hiện quy định này đang được Ngân hàng (NH) Nhà nước và Bộ Xây dựng soạn thảo thông tư hướng dẫn).

Các thủ tục về thực hiện dự án cũng cần tiết giảm bởi chi phí cho việc này chiếm khá lớn vì phải qua nhiều “cửa”. Xin được thủ tục cho một dự án hiện kéo dài 2-3 năm.

“Ngoài ra, một số quy định được áp dụng trong thời gian tới có nhiều điểm chưa hợp lý, như bắt buộc phải bảo lãnh, ký quỹ. Đừng lấy quá khứ sai lầm áp vào luật mới. Hãy để người dân và DN tự quyết định chuyện bảo lãnh hay không” - ông Đực đề xuất.

“Đối với các DN đang triển khai dự án, cần phải biết lựa chọn phân khúc nào, phải đi đúng chiến lược. Khách hàng hiện nay không còn “lơ mơ” mà đã biết “chọn mặt gửi tiền” sau những thất bại. Bên cạnh đó, việc chia nhỏ diện tích của dự án đã có sẵn thì các địa phương nên chấp thuận nếu không, DN sẽ chết, khi đó mọi việc rối cả chùm” - lãnh đạo HOREA đề xuất thêm.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Xây dựng Lê Thành, cho rằng các chính sách hỗ trợ thị trường BĐS thời gian qua đã đủ, điều DN đang chờ lúc này chính là việc áp dụng mức trần giá đất để đóng tiền sử dụng đất. Với đề xuất tăng 2,4 lần so với mức hiện tại, DN sẽ kham không nổi.

Xử lý đồng bộ

Một chuyên gia tài chính nhận xét sự can thiệp của nhà nước thông qua các chính sách để tháo gỡ khó khăn, kích thích thị trường BĐS là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, như gói tín dụng 30.000 tỉ đồng và mới đây là dự thảo gói tín dụng 2.000 tỉ đồng cho công chức mua nhà…

Tại Mỹ, khi thị trường BĐS rơi vào tình trạng đóng băng năm 2007-2008, chính phủ nước này cũng đã ra tay hỗ trợ bằng cách không rót tiền trực tiếp vào BĐS mà bơm vốn cho một trong những thành phần quan trọng của BĐS là hệ thống các NH thương mại, giúp NH tái tạo năng lực.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS hoặc có tài sản bảo đảm bằng BĐS nếu chưa được xử lý, để càng lâu càng phát sinh và biến thành nợ xấu. Lúc này, có 2 cách để xử lý nợ xấu BĐS: phải có thị trường để bán hoặc tài sản bảo đảm bằng BĐS phải thanh lý được. Thế nhưng, quá trình bán tài sản thế chấp quá nhiêu khê, từ phán quyết của tòa án, thi hành án rồi đem đấu giá…

“Do không có cơ chế thông thoáng trong xử lý tài sản bảo đảm bằng BĐS của con nợ nên thị trường sẽ còn mắc kẹt một thời gian nữa. Muốn đẩy nhanh tiến độ, cần có cơ chế, quy định pháp luật thông thoáng cho việc mua bán, thế chấp, chuyển nhượng BĐS. Chỉ khi chuyển hóa tài sản bảo đảm bằng BĐS thành tiền mặt, có thanh khoản thì thị trường mới hồi phục nhanh hơn” - TS Đinh Thế Hiển nhận định.

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất Chính phủ nên khuyến khích quyền sở hữu nhà đất của người nước ngoài ở Việt Nam, cho Việt kiều được mua nhà. Hiện dòng vốn nội địa không nhiều do kinh tế còn khó khăn, sức mua kém… nên việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào sẽ góp phần làm thị trường BĐS ấm dần lên.

Thị trườngtự vận hành?

Có không ít ý kiến cho rằng nhà nước không cần giải cứu BĐS mà nên để thị trường tự vận hành, tự điều tiết theo quy luật. Khi đó, thị trường sẽ thanh lọc gay gắt, những DN nào trụ lại được sẽ phát triển bền vững trong tương lai và BĐS đang tiếp tục thanh lọc sau một thời gian khó khăn sẽ còn lại những đơn vị chuyên nghiệp. Đây đang là thời điểm giao thời, sang tay đổi chủ và thị trường sẽ chỉ còn trụ lại những DN có năng lực tài chính thật sự. Khách hàng ngày càng thông minh hơn và họ sẽ chọn những dự án chất lượng, chủ đầu tư uy tín.

{fcomment}