Thi tốt nghiệp THPT: Thí sinh cần chú ý điều gì?

ngày 30/06/2020

Hôm nay, ngày 30/6 là ngày hết hạn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (từ ngày 15 đến hết 30/6).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức trong hai ngày 9 và 10/8.

Thí sinh không đủ điều kiện dự thi sẽ được thông báo chậm nhất vào ngày 23/7. Các đơn vị in và trả giấy báo dự thi cho thí sinh chậm nhất ngày 1/8. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được công bố vào ngày 27/8.

Theo gợi ý của TS Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó.

Đại diện Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, ở giai đoạn nước rút này, cách ôn tập tốt nhất là sắp xếp kiến thức theo chủ đề, kết hợp với đề thi tham khảo để biết mức độ của đề thi sẽ ra. Năm nay đề thi sẽ không ra vào nội dung đã tinh giản, nhưng thí sinh tuyệt đối không được học tủ.

Một vấn đề khác theo TS. Hồng là nội dung kiến thức đã có trong đề thi năm trước vẫn có thể được đưa lại ở đề thi năm nay nhưng cách hỏi sẽ khác. Vì thế, việc của các thí sinh là phải đọc thật kỹ đề thi để hiểu yêu cầu của đề và làm đúng yêu cầu đó tránh mất điểm dù khả năng mình có thể làm được.

“Trong quá trình làm bài thi trắc nghiệm, thí sinh nên đọc qua các câu hỏi nhanh một lượt. Sau đó nên làm từ trên xuống dưới theo tuần tự, câu dễ làm trước, khó quá đánh dấu để đó. Thí sinh tránh tập trung nhiều thời gian làm câu khó mà mất tinh thần”, TS. Sái Công Hồng cho biết.

Một chuyên gia khác của Bộ GD&ĐT là ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng lưu ý các thí sinh, cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để điền phiếu đăng ký chính xác. Đồng thời cũng thông tin về tính phù hợp của đề thi với điều kiện thực tế năm học.

Theo ông Trinh, vẫn còn một số trường hợp sai sót, chủ yếu trong các khâu đăng ký nguyện vọng xét tuyển (sai mã trường, mã ngành, tổ hợp xét tuyển). Do đó, để tránh sai sót, thí sinh cần nghiên cứu kỹ Đề án tuyển sinh của các trường để điền phiếu đăng ký chính xác.

"Khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu có phát hiện nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc thông báo cho Trưởng điểm thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung", Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng lưu ý.

Ngoài ra, ông Mai Văn Trinh cho biết, rất nhiều trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để tuyển sinh. Do đó, các thí sinh lưu ý tham khảo Đề án tuyển sinh của từng trường được công bố công khai, tham khảo điểm trúng tuyển vào các trường để tùy theo từng năng lực, nguyện vọng của mình các em đăng ký dự thi vào trường đại học phù hợp.

“Khác với năm ngoái, năm nay thí sinh là học sinh lớp 12 chỉ được đăng ký một bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội”, đại diện Bộ GD&ĐT thông tin thêm.

Được biết, nhiều lần trước đó lãnh đạo Bộ GD&ĐT đều khẳng định, đề thi có nội dung nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; Đề thi sẽ bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; phù hợp với tinh giản chương trình trong bối cảnh dịch COVID-19.

"Đề thi sẽ không đánh đố học sinh. Độ khó của đề thi sẽ giảm để phù hợp với mục đích của kỳ thi và điều kiện dạy và học; Mức độ phân hóa của đề thi cũng được điều chỉnh phù hợp, nên các thí sinh yên tâm ôn tập", Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nêu.

Một lưu ý nữa mà các chuyên gia khuyến cáo là thí sinh nên tăng tối đa các cơ hội trúng tuyển của mình. Dù sử dụng xét tuyển kết hợp hoặc xét tuyển thẳng, nhưng với nghề quá “hot”, tỉ lệ chọi cao, thí sinh vẫn có thể trượt. Do đó thí sinh nên phải tăng tối đa hình thức xét tuyển, như đăng ký thêm xét tuyển kết quả THPT.


Nguồn: Báo Hải Quan