Thép thưởng Tết to, dệt may, hóa chất ngậm ngùi

ngày 23/01/2017

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện ngành dệt may, hóa chất cho biết, năm 2016 là năm có nhiều khó khăn nên mức thưởng tết không cao, 12-14 triệu đồng/người. VNPT và Thép Hòa Phát có mức thưởng cao hơn, 30-40 triệu đồng/người.

Thép, viễn thông ăn tết to

2016 là năm nhiều dấu ấn với cán bộ công nhân viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT cho biết, năm 2016, doanh thu và lợi nhuận của VNPT tăng trưởng mạnh so với năm 2015. Lợi nhuận của tập đoàn đạt 4.162 tỷ đồng, tăng trưởng trên 20%.

“Lợi nhuận của VNPT đã tăng gấp đôi sau 3 năm nhờ triển khai tái cơ cấu đúng hướng. Năm nay, ngoài tiền thưởng đồng đều 12 triệu đồng/ người cho tất cả cán bộ công nhân viên, VNPT còn chia thưởng khoảng 2,5 tháng lương cho lao động, tương ứng tổng mức thưởng bình quân hơn 30 triệu đồng/người. Đây là mức thưởng khá cao so với nhiều năm gần đây của tập đoàn”, ông Long nói với PV Tiền Phong.

Với ngành thép, năm 2016 là năm khá thành công khi lợi nhuận nhiều đơn vị trong ngành đạt mức cao. Ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát cho biết, ngoài tháng lương thứ 13, năm nay do hiệu quả làm ăn tốt, công ty có thưởng thêm cho cán bộ công nhân viên từ 1,5 tháng lương đến 5 tháng lương tùy theo mức độ đóng góp của các cá nhân, bộ phận. “Tính bình quân cũng đạt mức 40 triệu đồng/người trong dịp Tết”, ông Hà cho biết.

Thép thưởng Tết to, dệt may, hóa chất ngậm ngùi - 1

Èo uột hóa chất

Trả lời PV Tiền Phong, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, tiền lương thực lĩnh bình quân năm 2016 của người lao động toàn tập đoàn đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng, tương đương mức tiền lương thực hiện năm 2015. Trong đó, sản xuất than thực lĩnh lương ở mức 9,5 triệu đồng/người/tháng. Tiền lương bình quân của thợ lò đạt 13,1 triệu đồng/người/tháng.

Lãnh đạo TKV cho hay, nhìn chung việc chăm lo đời sống cho người lao động vẫn được các đơn vị đặc biệt quan tâm và được duy trì theo nguyên tắc mọi gia đình cán bộ công nhân viên trong tập đoàn đều có điều kiện đón Tết vui vẻ với mức cân đối tương đương Tết Âm lịch năm 2016. Về tiền Tết các đơn vị đang cân đối cố gắng không giảm so với mức tiền Tết Âm lịch năm 2016, dao động 5 – 7 triệu đồng/người. Phần lớn các đơn vị chi ở mức 5,0 - 5,5 triệu đồng.

Cũng theo thông tin từ TKV, một số đơn vị khó khăn trong sản xuất kinh doanh sẽ được tập đoàn xem xét hỗ trợ một phần tiền tết cho người lao động từ quỹ phúc lợi tập trung Công ty mẹ - TKV. Đối với các đối tượng thuộc diện chính sách, có thân nhân bị tai nạn lao động, gia đình khó khăn, bị chất độc da cam, TKV đã chi 224 triệu đồng (1 triệu đồng/gia đình); Công đoàn ngành than cũng chi thăm hỏi 1.000 xuất quà với tổng số tiền 1 tỷ đồng để chăm lo cho người lao động.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, năm 2016 là năm ông và ban lãnh đạo tập đoàn thấy khó khăn nhất. Việc hoàn thành mục tiêu đề ra với mỗi đơn vị là một sự nỗ lực lớn. Theo ông Trường, năm 2016 thu nhập bình quân của 82.600 người lao động trong tập đoàn ở mức 6,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 8% so với năm 2015. Năm 2016 là năm gặp nhiều khó khăn với ngành dệt may nói chung, tuy nhiên, tập đoàn vẫn thu xếp đảm bảo mỗi lao động được nhận 2 tháng lương, tương ứng bình quân khoảng 13 triệu đồng/người.

“Mức cao nhất tại những đơn vị làm ăn tốt lên tới 3 tháng lương. Tính chung, lao động tại khu vực phía Nam được nhận khoảng 16-20 triệu đồng tiền thưởng/người, còn miền Bắc thấp hơn, phổ biến từ 12-14 triệu đồng/người”, ông Trường cho hay.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Gia Tường cho biết, Vinachem năm nay gặp nhiều khó khăn nên nhiều đơn vị thuộc tập đoàn đến giờ vẫn chưa có tiền thưởng tết. Đặc biệt là với những đơn vị làm ăn thua lỗ. “Về mức thưởng tết, Vinachem là doanh nghiệp Nhà nước nên phải thực hiện đúng quy định. Nhìn chung mức thưởng của tập đoàn các năm cũng không cao”, ông Tường nói.

Nguồn 24h