Bà H.T.L.P (hộ khẩu thường trú phường Tân Định, quận 1, TP HCM) vừa gửi đơn đến Báo Người Lao Động, phản ánh việc bà bị UBND tỉnh Tây Ninh thu hồi đất trái với quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến kinh tế, cuộc sống của gia đình.
Giao khoán đất 50 năm, sau rút còn 25 năm
Trong đơn, bà P. cho biết đã thuê luật sư, lập văn bản gửi UBND tỉnh Tây Ninh, bày tỏ quan điểm hoàn toàn không đồng ý với nội dung Thông báo số 348/TB-UBND ngày 3-12-2020 của UBND thị xã Trảng Bàng (trước đây là huyện Trảng Bàng), tỉnh Tây Ninh về việc thu hồi diện tích đất 556.823,3 m2 tại các thửa đất số 01, 05, 08 thuộc tờ bản đồ số 43 và thửa đất số 28, 47 thuộc tờ bản đồ số 27, ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng. Diện tích đất này là đất trồng cây lâu năm.
Theo lý giải của chính quyền địa phương, nguyên nhân thu hồi diện tích đất nói trên là do hợp đồng kinh tế giữa Nông trường Cao su Bời Lời với bà H.T.L.P có nội dung là giao đất để trồng cao su (thời hạn 50 năm). Nội dung này không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật đất đai, do vậy thuộc trường hợp nhà nước thu hồi theo quy định tại khoản 1 điều 64 Luật Đất đai 2013.
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 1991, UBND huyện Trảng Bàng ban hành Quyết định số 918/UB-QĐ (gọi tắt là QĐ 918) về việc giao cho Nông trường Cao su Bời Lời quản lý, sử dụng diện tích đất trước đó đã thu hồi từ các cơ quan trong huyện để trồng cao su. Trong tổng diện tích đất quy hoạch trồng cao su này có phần đất 556.823,3 m2 tại khu vực ấp Bùng Binh thuộc xã Hưng Thuận được giao cho bà H.T.L.P. Sau đó, UBND huyện Trảng Bàng ban hành QĐ 318 về việc trồng và phát triển cây cao su tại khu vực Bùng Binh. Năm 1992, Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện Trảng Bàng phê duyệt phương án phát triển cây cao su tại khu vực Bùng Binh. Năm 1993, Nông trường Cao su Bời Lời được cấp giấy chủ quyền đối với phần đất này. Ngày 1-11-1994, Nông trường Cao su Bời Lời ký Hợp đồng kinh tế số 06 với bà H.T.L.P, cam kết giao cho bà P. 50 ha đất để trồng cao su. Ngày 15-1-1997, hai bên ký tiếp Hợp đồng số 12/KH về việc Nông trường Cao su Bời Lời giao thêm cho bà P. 2 ha đất nữa, để trồng cao su. Ngày 12-5-1997, hai bên ký Hợp đồng số 19/KH giao thêm cho bà P. 2,4 ha, cũng để trồng cao su. Bản chất của những hợp đồng nêu trên đều là hợp đồng giao khoán đất trồng cao su. Thời gian giao đất là một chu kỳ cây cao su 50 năm tính từ ngày 22-6-1992 đến 22-6-2042.
Sau khi ký hợp đồng, bà H.T.L.P đã bỏ vốn đầu tư cải tạo đất để trồng cao su. Sau nhiều năm nỗ lực chăm sóc, cây cao su phát triển xanh tốt, cho thu hoạch.
Tiếp đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng yêu cầu bà H.T.L.P ký lại hợp đồng thuê đất với UBND huyện Trảng Bàng chỉ với thời hạn 25 năm (1992-2017). Bất ngờ, ngày 7-11-2001, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành QĐ 1062/QĐ-CT thu hồi 939,06 ha đất của Nông trường Cao su Bời Lời. Ngày 27-11-2001, chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ban hành QĐ 1015/QĐ-CT giao phần đất thu hồi trên cho UBND huyện Trảng Bàng quản lý. Đến năm 2010, tỉnh Tây Ninh quy hoạch một phần trong 50 ha đất của bà P. làm khu xử lý rác thải, đến năm 2011 thì dự án được chuyển đến một địa điểm khác và khu đất này được quy hoạch l%Ai thành khu đất dịch vụ.
"Không thuộc diện thu hồi"!
Bà H.T.L.P cho rằng các hợp đồng mà UBND tỉnh Tây Ninh và UBND thị xã Trảng Bàng đề cập trong vụ việc này chưa được xác định cụ thể là hợp đồng nào, vì giữa bà và Nông trường Cao su Bời Lời ký đến 6 hợp đồng, trong đó 3 hợp đồng hiện còn hiệu lực (các hợp đồng số 06, số 12 và số 19/KH đã kể trên). Ba hợp đồng này có thể hiện nội dung là giao khoán đất để sản xuất nông nghiệp - trồng cây lâu năm - trồng cây cao su là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật. Bởi theo khoản 4 điều 5 Nghị định 01/NĐ-CP thì "việc giao khoán và nhận khoán đất phải thông qua hợp đồng. Hợp đồng giữa bên giao khoán và bên nhận khoán phải thể hiện được nội dung kinh tế, quyền và nghĩa vụ mỗi bên và những cam kết để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng". Nội dung này cũng đã được quy định rõ trong Luật Đất đai 1993.
"Về chủ thể hợp đồng, theo quy định của pháp luật thì bên giao khoán và bên nhận khoán cũng đều đúng với quy định pháp luật; thời gian giao khoán là 50 năm. Do đó, UBND tỉnh Tây Ninh căn cứ vào QĐ 1062/QĐ-CT ký ngày 7-11-2002 để thu hồi 939,06 ha đất của Nông trường Cao su Bời Lời chứ sao lại thu hồi đất của bà P. (!?). Mặt khác, theo quy định của pháp luật, Nông trường Cao su Bời Lời chỉ bị thu hồi đất khi bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm nhu cầu sử dụng đất...; trong khi đó, đơn vị này được sáp nhập vào Nông trường Cao su 30-4 thì không thuộc một trong các trường hợp bị thu hồi đất" - luật sư của bà P. lập luận.
"Tôi đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh xem lại QĐ thu hồi đất số 1062; đề nghị UBND thị xã Trảng Bàng hủy bỏ Thông báo số 348/TB-UBND ngày 3-12-2020, xem xét để tôi tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký kết với Nông trường Cao su Bời Lời theo quy định của pháp luật" - bà H.T.L.P bức xúc.
"Tỉnh sẽ kiểm điểm cán bộ làm sai", rồi sao nữa?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về trường hợp của bà H.T.L.P, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho rằng Nông trường Cao su Bời Lời chỉ được ký hợp đồng giao khoán trồng cây cao su chứ không có thẩm quyền giao đất, do đó hợp đồng mà đơn vị này ký kết với các cá nhân, tổ chức là vô hiệu ngay từ đầu. Mặt khác, khi Nông trường Cao su Bời Lời bị giải thể thì hợp đồng nói trên cũng vô hiệu theo và phải trả lại đất cho nhà nước quản lý.
Phóng viên đặt vấn đề: Địa phương và hộ dân ký hợp đồng kinh tế hẳn hoi, người dân nhận đất để đầu tư trồng cao su, khai thác mủ trong thời gian dài, nay địa phương muốn thu lại thì thu, vậy ai chịu trách nhiệm về thiệt hại của dân? Ông Nguyễn Thanh Ngọc nói: "Tỉnh sẽ tiến hành kiểm điểm đối với người đứng đầu địa phương trong việc không giải quyết dứt điểm trường hợp này...".