Tạo đột phá từ phát huy vai trò đội ngũ “đầu tàu”

ngày 08/11/2017

Hà Tĩnh là mảnh đất có bề dày truyền thống hiếu học. Điều đó đã được chứng minh qua những thế hệ đỗ đạt thành tài, ghi danh bảng vàng từ xưa đến nay. 

Tạo đột phá từ phát huy vai trò đội ngũ “đầu tàu”

Tuy nhiên, theo ôngTrần Trung Dũng - GĐ Sở GD&ĐT, những kết quả của giáo dục Hà Tĩnh hiện nay vẫn chưa xứng với tiềm năng con người nơi đây. Báo GD&TĐ đã có buổi phỏng vấn ông Trần Trung Dũng về những giải pháp của ngành trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục Hà Tĩnh.

Thưa ông, là người đứng đầu ngành giáo dục Hà Tĩnh, ông có thể chia sẻ về những thành tựu nổi bật, cái được và chưa được của ngành trong thời gian qua?

Từ xưa, người Hà Tĩnh luôn trọng sự học, coi học hành như con đường để thành người, lập nghiệp. Cái mạch nguồn đó vẫn còn nối mạch đến nay với thêm nhiều kỳ vọng. Từ truyền thống và nhu cầu đó, thì hệ thống chính trị tỉnh Hà Tĩnh rất đầu tư, tập trung cho phát triển giáo dục. Những năm gần đây, giáo dục Hà Tĩnh không ngừng duy trì bền vững chất lượng giáo dục toàn diện, sáng tạo, đổi mới đạt được nhiều thành tích xuất sắc.

Chất lượng học giáo dục mũi nhọn có những bước tiến vượt bậc. Liên tục là địa phương xếp thứ hạng cao về số lượng và tỷ lệ học sinh giỏi Quốc gia; Các năm học 2012 - 2013, 2014 – 2015 có học sinh đoạt Huy chương Olympic Toán quốc tế (1 HCV và 1 HCĐ). Năm học 2016 – 2017, toàn tỉnh có 77 em đạt HSG cấp quốc gia, xếp thứ 5 toàn quốc, tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, Hà Tĩnh có 2 huy chương, trong đó em Phan Nhật Duy xuất sắc giành HCV Olympic Toán quốc tế; em Nguyễn Đình Đại giành HCB Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, có 2 nữ sinh lớp 10 đoạt huy chương tại kỳ thi Olympic Toán Singapore mở rộng. Bên cạnh đó, ở các cuộc thi, hội thi cấp quốc gia, nhất là các cuộc thi về kỹ năng mềm, học sinh Hà Tĩnh đã tích cực tham gia và đạt nhiều giải cao. Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 có 317 em đạt 27 điểm trở lên, 121 bài thi đạt điểm 10, 3053 bài thi đạt 9,0 điểm trở lên, Hà Tĩnh cũng đóng góp 1 thủ khoa Khối A (30 điểm) và 1 thủ khoa Khối C (29,5 điểm).

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đại trà được duy trì và phát triển bền vững. Là tỉnh thứ 13 trong cả nước hoàn thành PCGDMN trẻ em 5 tuổi (vào năm 2013), tỉnh thứ 10 được công nhận đạt chuẩn PCGDTHĐĐT mức độ 3 (vào năm 2014) Chất lượng, số lượng trường chuẩn quốc gia tiếp tục tăng, toàn tỉnh có 495 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn (tỷ lệ 68%).

Tuy nhiên, giáo dục Hà Tĩnh cũng còn nhiều khó khăn, tình trạng giáo viên dôi dư, thừa thiếu cục bộ; Mạng lưới, quy mô trường lớp cơ bản tốt, và được đánh giá cao trong cả nước nhưng cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, chưa đồng bộ; Chất lượng giáo dục và chất lượng giáo viên còn chênh lệch giữa các vùng, miền; Công tác xã hội hóa giáo dục, quản lý thu chi vẫn còn một số tồn tại cần được chấn chỉnh, kiểm tra kịp thời.

Hiện nay, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang là nhiệm vụ chính trị lớn của toàn ngành, vậy giáo dục Hà tĩnh đã có chỉ đạo cụ thể nào cho từng cấp học?

Đổi mới GD&ĐT là chủ trương, nhiệm vụ chính trị lớn của toàn ngành. Dù không phải lúc nào triển khai cái mới cũng dễ dàng, thuận lợi mà còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng giáo dục Hà Tĩnh xác định sẽ quyết tâm thực hiện. Đối với bậc học mầm non, sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi và khuyến khích nhiều nhà đầu tư xây dựng mầm non.

Đối với tiểu học sẽ đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, cách kiểm tra đánh giá học sinh. Thực tế, đổi mới là điều tất yếu, và theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, sẽ tùy điều kiện ở mỗi địa phương, cơ sở sẽ từng bước áp dụng những yếu tố tích cực, phù hợp vào dạy học. Tiến tới chuẩn bị cho thay sách giáo khoa và thực hiện chương trình phổ thông mới.

Còn đối với trung học, chúng tôi sẽ đẩy mạnh kỹ năng thực hành, thí nghiệm cho học sinh để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn. Để làm được điều này, Sở sẽ tiếp tục bồi dưỡng tập huấn đội ngũ cán bộ giáo viên. Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên phối hợp với Trường Đại học Vinh triển khai 8 lớp bồi dưỡng kỹ năng tổ chức thực hành, thí nghiệm cho hiệu trưởng, nhân viên phụ trách công tác thực hành thí nghiệm và giáo viên các môn Hóa học, Sinh học, Vật lí các trường THPT trong toàn tỉnh.

Một lớp học ở cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

Trong giáo dục, phát triển năng lực vai trò của đội ngũ cán bộ, quản lý là khâu hết sức quan trọng. Được biết, Hà Tĩnh những năm gần đây thực hiện rất quyết liệt công tác sát hạch những “đầu tàu” này. Công tác sát hạch này có gặp phải sự phản ứng nào không và những kết quả đạt được từ chỉ đạo này?

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong các tồn tại hạn chế có tồn tại về công tác quản lý, và người quản lý. Bởi vậy, phải tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ đầu tàu này, để từ đó mới tạo chuyển biến cho giáo dục.

Năm học 2017 – 2018 là năm thứ 4 Sở GD&DT Hà Tĩnh thực hiện kiểm tra sát hạch đội ngũ Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các trường trực thuộc. Tất nhiên, khi bổ nhiệm các chức vụ này, đã có một quy trình chặt chẽ, gắn với công tác đánh giá cho từng cá nhân. Nhưng thực tế, còn nhiều bất cập trong đánh giá cán bộ, tiêu chí đánh giá còn chưa toàn diện, chưa định lượng được..., bởi thế kết quả đánh giá được sử dụng để bổ nhiệm hay bổ nhiệm lại cũng còn bất cập.

Công tác sát hạch cũng là một hình thức đánh giá nhưng sẽ có thêm nhiều thông tin để đánh giá cán bộ quản lý sát đúng hơn, việc sát hạch gắn chặt với xem xét về nhận thức, trách nhiệm, xem hiệu quả thực hiện công việc của cán bộ quản lý đến đâu. Quá trình triển khai không tránh khỏi những tâm tư, băn khoăn.

Sau thời gian thực hiện công tác sát hạch này, tổng thể cả đội ngũ có sự thay đổi, góp phần xóa bỏ sức ỳ trong đội ngũ cán bộ quản lý, trở nên năng động hơn, chủ động hơn. Đồng thời, còn giúp các trường làm tốt công tác chuẩn bị đội ngũ kế cận. Đơn cử như có giáo viên được tín nhiệm để đề đạt làm hiệu phó, vì chuyên môn tốt, dạy học được học sinh yêu quý, được đồng nghiệp tín nhiệm.

Nhưng một bước từ giáo viên lên phó hiệu trưởng, họ sẽ chưa biết phải làm gì, vị trí, nhiệm vụ ra sao. Lúc này hiệu trưởng phải có trách nhiệm tiếp tục kèm cặp, hướng dẫn, giúp đỡ, phân công nhiệm vụ phù hợp để người mới làm tốt nhiệm vụ.

Việc sát hạch vừa là áp lực, nhưng cũng là động lực để các nhà trường và đội ngũ luôn chuyển động, chủ động trong đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động dạy học, từ đó góp phần tạo nên phong trào nâng cao chất lượng giáo dục Hà Tĩnh.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn GDTĐ