Tầm quan trọng của việc duy trì văn hóa doanh nghiệp khi mở rộng quy mô

ngày 27/07/2022

Văn hóa doanh nghiệp được tạo nên bởi con người, những kinh nghiệm và niềm tin của mỗi cá nhân trong tổ chức. Duy trì văn hóa không khó đối với quy mô công ty 10 nhân viên, nhưng khi tiến hành mở rộng, số lượng nhân sự nhân lên thì giữ gìn văn hóa doanh nghiệp là điều cần thiết. Tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp Thiết lập văn hóa doanh nghiệp Duy trì văn hóa khi mở rộng quy mô

Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình của doanh nghiệp, góp phần tạo nên sức mạnh lớn lao của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp ăn sâu vào niềm tin nên có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức. Đặc biệt là với số lượng các công ty đang vận hành hình thức làm việc kết hợp giữa trực tiếp và làm việc từ xa ngày càng tăng.

Công ty có chính sách và quyền lợi tốt sẽ thu hút nhiều ứng viên, nhưng văn hóa doanh nghiệp mới là yếu tố "lọc" nhân tuyển phù hợp với công việc. Văn hóa này được thể hiện qua tầm nhìn và sứ mệnh của công ty, phong cách quản lý, phúc lợi nhân viên, sự hài lòng của khách hàng cùng nhiều khía cạnh khác.

Ảnh minh họa

Một công ty có văn hóa vững mạnh phù hợp với các mục tiêu và chiến lược dài hạn sẽ tạo ra niềm tự hào của mỗi cá nhân, từ đó giúp các nhân viên luôn phấn đấu và cống hiến hết mình để đạt mục tiêu chung. Điều này góp phần giúp các nhà lãnh đạo quản lý công việc và hiệu quả dễ dàng, còn người lao động cảm thấy thoải mái khi cống hiến.

Theo khảo sát của Glassdoor, nền tảng tuyển dụng lớn nhất thế giới đã chỉ ra rằng 77% ứng viên sẽ cân nhắc yếu tố văn hóa doanh nghiệp trước khi nộp đơn ứng tuyển. Bên cạnh đó, khi đề cập đến mức độ hài lòng trong công việc, 56% người lao động cho rằng văn hóa tổ chức quan trọng hơn cả tiền lương hàng tháng.

Khi doanh nghiệp đã xây dựng được văn hóa doanh nghiệp và truyền đạt hiệu quả đến nhân viên, điều này sẽ tạo ra 3 yếu tố tích cực. Đầu tiên là thu hút và giữ chân nhân tài trong doanh nghiệp. Nhân viên sẽ trung thành và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp khi họ thấy hứng thú với môi trường doanh nghiệp.

Yếu tố thứ hai là giảm bớt được các nguyên tắc quản lý và quy định vì họ nhận thức được vai trò của bản thân trong tập thể và tổ chức. Cuối cùng, văn hóa doanh nghiệp giúp cải thiện hiệu suất, vì trong môi trường làm việc tốt nhân viên được tôn trọng đưa ra ý kiến, ý tưởng để nâng cao hiệu quả công việc. Mặc dù vậy, không có nhiều doanh nghiệp hiện nay làm được điều này.

Để có thể xây dựng một tiêu chuẩn cho doanh nghiệp thì mọi nhân viên cần phải hiểu rõ về văn hóa doanh nghiệp. Và để mỗi nhân viên có thể thấu hiểu được hết những khái niệm đó, doanh nghiệp cần xác định tầm nhìn sứ mệnh và mục tiêu lâu dài, hình ảnh thương hiệu muốn xây dựng.

Những chiến lược, mục tiêu kinh doanh hiện tại và tương lai có phù hợp với tập thể không và đặc trưng văn hóa mà doanh nghiệp muốn hướng tới. Điều này không chỉ liên quan đến nét văn hóa riêng của công ty, mà còn xác định được điều làm cho tổ chức trở nên độc đáo.

Sau khi triển khai cho nhân viên hiểu về văn hóa doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp hãy khảo sát ý kiến của họ về vấn đề này. Những yêu cầu của nhân sự về công việc, về sinh hoạt, cách vận hành, giao tiếp và các hoạt động trong công ty. Đây là yếu tố để doanh nghiệp có thể đánh giá lại văn hóa và thay đổi cho phù hợp.

Ảnh minh họa

Nếu thấy một trong những dấu hiệu sau đây, doanh nghiệp cần nhanh chóng cải thiện nếu không muốn văn hóa ngày càng đi xuống. Các dấu hiệu bao gồm: tuyển dụng thay thế liên tục; tác phong, hành xử của cả tập thể kém và trái với quy định; giao tiếp nội bộ không thể hiện được tính vui vẻ; quản lý và nhân viên là 2 nhóm tách biệt; nhân viên tránh giao tiếp, gặp mặt với sếp…

Những dấu hiệu này thể hiện sự yếu kém của quản lý nhân sự lẫn cách lãnh đạo của công ty khiến cho nhân viên cảm thấy không hài lòng và không thể gắn bó với doanh nghiệp. Từ những điều đó, công ty cần xác định những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp cho nền móng văn hóa. Giá trị này cần được coi như là nguyên tắc hướng dẫn mọi hoạt động của tất cả nhân viên doanh nghiệp, phải ăn sâu vào tiềm thức của mọi nhân viên.

Tiếp đến là việc triển khai và duy trì ổn định văn hóa doanh nghiệp. Quá trình này không phải ngày một ngày hai là thực hiện xong mà cần rất nhiều thời gian để “tích tụ”, “bồi đắp”. Việc triển khai cần thực hiện theo lịch trình nhất định, không được quá vội vàng.

Để văn hóa doanh nghiệp tồn tại vững bền và nhận được sự trung thành của nhân viên thì chế độ khen thưởng không thể thiếu. Khen thưởng là cách để công nhận tài năng, sức lực của nhân viên đó cũng như là động lực để họ có thể phát huy tiềm lực của mình.

Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp cần được bồi dưỡng và hoàn thiện từng ngày. Để làm được điều đó thì bộ phận phụ trách cần có sự đo lường, đánh giá định kỳ để có thể thay đổi nếu cảm thấy không phù hợp và có thể giải quyết, xử lý được những vấn đề phát sinh, tồn đọng kịp thời.

Khi doanh nghiệp đã xác định văn hóa công ty muốn hướng đến thì phải sẽ cần duy trì nó. Mở rộng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp là điều mà bất cứ chủ doanh nghiệp nào cũng muốn. Bởi điều đó chứng tỏ doanh nghiệp đang phát triển và ở trên đà thịnh vượng, đồng nghĩa với việc sẽ có những cơ hội lớn hơn, nhiều khách hàng, lợi nhuận cao hơn.

Tuy nhiên, một vấn đề mà các chủ doanh nghiệp luôn phải đối mặt là làm thế nào để “bảo tồn” văn hóa doanh nghiệp khi đang ở trong giai đoạn phát triển. Bởi lẽ tốc độ phát triển nhanh chóng có thể làm cho chủ doanh nghiệp cảm thấy như tinh thần và giá trị của công ty đã bị mai một.

Một trong những cách tốt nhất để bảo tồn văn hóa doanh nghiệp là làm chuẩn ngay từ khâu tuyển dụng. Hãy chắc chắn rằng những ứng viên mới không chỉ “đạt tiêu chuẩn” mà còn phải phù hợp với doanh nghiệp. Sử dụng cách tiếp cận theo nhóm khi phỏng vấn sẽ là một ý tưởng vô cùng tuyệt vời để tìm ra ứng viên phù hợp. Doanh nghiệp cần phải đảm bảo các ứng viên sẽ phù hợp với những nhân viên cũ, những người mà họ sẽ làm việc cùng mỗi ngày trong tương lai.

Trong quá trình tuyển dụng, hãy khẳng định rằng văn hóa và giá trị của công ty là cốt lõi, điều này sẽ giúp cho các ứng viên đưa ra được quyết định cho mình. Việc này nhằm để ứng viên tự xem xét mức độ phù hợp của bản thân nếu trúng tuyển và cũng là một cách để doanh nghiệp tự hào giới thiệu văn hóa.

Khi công ty chỉ có một số ít nhân viên, những giá trị văn hóa truyền thống luôn được đón chào nhưng lại có thể dễ dàng bị mất khi doanh nghiệp bắt đầu mở rộng quy mô kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp cần một bộ phận chuyên trách tiếp tục phát triển những truyền thống ấy.

Ảnh minh họa

Trong quá trình công ty phát triển, ban lãnh đạo doanh nghiệp phải luôn ghi nhận thành tích và những đóng góp của nhân viên. Bởi vì điều này giúp thúc đẩy lòng trung thành và sự hài lòng giữa các nhân viên.

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng nên tổ chức sinh nhật, ngày kỷ niệm và những cột mốc quan trọng trong cuộc sống của nhân viên bởi điều đó thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp dành cho họ. Và nếu chỉ làm sơ sài những hoạt động này doanh nghiệp có thể nhận về phản ứng ngược.

Trên thực tế, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đánh mất văn hóa và cảm giác gần gũi với nhân viên nếu ngừng nhận những phản hồi từ họ. Duy trì chính sách “mở cửa” đón nhận ý kiến từ nhân viên sẽ giúp cho doanh nghiệp đứng vững lâu dài.

Văn hóa công ty lành mạnh là mẫu số chung của tất cả các doanh nghiệp thành công. Nó đảm bảo sự gắn bó của nhân viên và cải thiện năng suất làm việc. Do đó việc thiết lập một nền văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời ngay từ đầu và duy trì văn hóa khi công ty tiếp tục mở rộng quy mô là rất quan trọng.

Nguồn: conglyxahoi.net.vn