Startup ra giá 1 triệu đô cho 5% cổ phần: Thả 'cửa mở' với Shark Liên

ngày 06/06/2022

EM & AI giữ nguyên 1 triệu USD cho 5% cổ phần. Shark Liên ký quỹ trước 100.000 USD. Sau 2 tháng thẩm định KPI, nếu không đạt sẽ hoàn tiền.

Không đạt KPI trong 2 tháng không lấy tiền

Mùa 5 - tập 1 Shark Tank Việt Nam chính thức quay trở. EM & AI đến Shark Tank gọi 1 triệu USD cho 5% cổ phần, tuy nhiên sau nhiều màn tranh luận với các Shark, Lê Ngọc Trí – Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành startup EM & AI đã chơi "cửa mở" khi thuyết phục Shark Liên.

Cụ thể startup Voicebot AI đề nghị ký quỹ 100.000 USD để thẩm định cam kết đạt KPI trong 2 tháng, nếu không đạt sẽ không lấy số tiền này.

Lê Ngọc Trí – Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành startup EM & AI, Võ Hữu Trường Ân – phụ trách sản phẩm và trải nghiệm khách hàng

Voicebot AI – tự động gọi điện chăm sóc khách hàng với giọng trí tuệ nhân tạo được startup này cho ra mắt từ tháng 3/2022, hiện tại giải pháp này đã có hơn 30 khách hàng với 10.000 cuộc hội thoại diễn ra mỗi ngày bởi AI.

Theo giới thiệu của Trường Ân, một khách hàng bất động sản của EM & AI khi ứng dụng giải pháp này đã giải quyết được khối lượng công việc 1 tháng chỉ trong 2 ngày, từ 7 nhân sự giảm xuống còn 1 nhân sự vận hành, chi phí chỉ chiếm 20% so với trước đây.

Shark Liên cho biết bà muốn công ty bảo hiểm tư nhân có khoảng hơn 30 triệu khách hàng của mình được ứng dụng toàn bộ bằng công nghệ. Do đó bà muốn biết con bot AI này giúp gì cho khách hàng được trải nghiệm nhiều hơn.

Trường Ân cho biết hệ thống của startup sẽ gửi thông báo cho cấp trên khi khách có dấu hiệu không hài lòng trong cuộc hội thoại với Voicebot AI. Khi đó, cấp trên có thể trực tiếp nghe được cuộc điện thoại và chỉ đạo nhân viên giải quyết. Chỉ sau 1-2 giây, nhân viên sẽ nhận được chỉ đạo và giải quyết cho khách hàng.

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, Ngọc Trí cho biết EM & AI bắt đầu từ năm 2017 và đây là lần khởi nghiệp thứ 7 của anh. Sau 5 năm, doanh nghiệp này đã “đốt” 1,8 triệu USD tiền mặt, trong đó 40% là tiền từ đội ngũ sáng lập, 60% đến từ các angel investor (nhà đầu tư thiên thần). Ngoài ra, hơn 8 tỷ đến từ hơn 15 giải thưởng trong và ngoài nước cũng được startup đầu tư cho doanh nghiệp. Đội ngũ founder (sáng lập) đã làm việc không lương trong 5 năm, tương ứng với số tiền khoảng 700.000 USD.

Ngọc Trí cũng tiết lộ thời gian và chi phí xây dựng giải pháp theo nghiệp vụ cụ thể sẽ tùy thuộc vào cấu trúc, mức độ phức tạp, số lượng kịch bản, tình huống. Nếu nghiệp vụ đơn giản, khoảng 100 intent (trạng thái) sẽ mất khoảng 1 tháng với chi phí khoảng 200 triệu đồng.

Chia sẻ về doanh thu, Nhà sáng lập cho biết năm 2021 EM & AI thu về 500.000 USD từ hợp đồng với một khách hàng enterprise (doanh nghiệp). Hiện tại nguồn thu chính của startup đến từ voucher (phiếu mua hàng) của giải pháp AI Self-Service.

Tính đến thời điểm tham gia Shark Tank, doanh thu EM & AI đã đạt 330 triệu đồng. Dự kiến cuối năm 2022, doanh thu của startup sẽ đạt 500.000 USD với mục tiêu 1.000 khách hàng. Cost (vốn) vận hành hiện tại là 4 USD/phút, chi phí hàng tháng khoảng 45.000 USD.

Nói về thời gian thu hồi vốn đầu tư, Ngọc Trí cho biết các Shark có 2 hình thức thu hồi vốn. Thứ nhất là đợi startup gọi vốn vòng tiếp theo thì Shark sẽ bán cổ phần. Thứ 2 là startup sẽ IPO vào cuối năm 2024. Để IPO thì điều kiện bắt buộc doanh nghiệp phải có lãi. Dự tính đến tháng 3/2023 EM & AI đã đạt break-even (hòa vốn).

Shark Liên chốt deal với EM & AI

Shark Liên muốn 1 triệu USD lấy 35% cổ phần

EM & AI đã đóng gói thành công theo dạng AI as-a-service (dịch vụ có sẵn). Hiện tại startup này đang áp dụng 2 hình thức thu phí: thu phí định kỳ 6 hoặc 12 tháng và thu phí theo cam kết. Ngoài Voicebot AI, startup này còn cung cấp các giải pháp khác như AI chatbot; Virtual QC đánh giá tổng đài viên qua môi trường điện thoại; giám sát, hỗ trợ nhân viên theo thời gian thực; gắn nhãn và huấn luyện AI.

Shark Bình chia sẻ rằng ông không nghi ngờ gì về việc starup sẽ đạt điểm break even và có lãi trong vòng 1-2 năm tới.

Tuy nhiên ông cho rằng điều quan trọng nhất trong xây dựng các phần mềm trí tuệ nhân tạo thông minh không nằm ở kỹ thuật mà nằm ở dữ liệu. Và doanh nghiệp hiện đang nắm được nhiều nhất dữ liệu về âm thanh và giọng nói của người Việt Nam là Facebook, Google, Microsoft… khi mỗi ngày có hàng tỷ phút gọi của người Việt qua các ứng dụng của những doanh nghiệp này.

Với nguồn dữ liệu lớn như vậy thì các doanh nghiệp có thể phát triển ra các con bot hoàn toàn tự nhiên như con người và họ ở gần vạch đích nhất. Chính vì thế ông quan ngại startup sẽ khó cạnh tranh được về mặt sản phẩm.

Đánh giá định giá của startup cao so với các nguy cơ trong tương lai mà người Việt Nam có thể gặp phải trong lĩnh vực dữ liệu nên ông quyết định không đầu tư.

Thuyết phục Shark Liên chốt deal (thương vụ), Ngọc Trí vẫn giữ nguyên mức đề xuất 1 triệu USD cho 5% cổ phần. Tuy nhiên, anh cam kết rằng nếu cuối tháng 3/2023 startup không đạt được điểm hòa vốn như đã nói thì anh sẽ trả lại cho Shark 2% cổ phần của riêng anh.

Ngọc Trí tiết lộ thêm rằng dự kiến cuối tháng, EM & AI sẽ chốt một deal khoảng 5 triệu USD cho 25% cổ phần từ một công ty chuyên về công nghệ đã sử dụng giải pháp của công ty. Anh cho rằng các Shark khi đầu tư vào startup sợ nhất là mất vốn, thứ 2 là sản phẩm dễ copy-paste (sao chép) thì doanh nghiệp của anh đã khắc phục được 2 điểm này. Ngọc Trí cũng cho biết hiện tại Cen Land cũng đang là đối tác của mình.

Shark Liên chia sẻ bà thực sự cần một đội ngũ công nghệ đứng bên cạnh mình. Muốn đi đường dài cùng startup, bà đề nghị đầu tư 1 triệu USD để đổi lấy 35% cổ phần của startup. Khi tái tục được khách hàng, trừ tất cả các chi phí, còn lại tiếp tục cùng sở hữu.

Ngọc Trí không giảm giá, vẫn giữ nguyên đề nghị 1 triệu USD cho 5% cổ phần. Tuy nhiên anh đề xuất Shark ký quỹ trước 100.000 USD. Sau 2 tháng thẩm định KPI, nếu không đạt anh sẽ hoàn lại toàn bộ tiền cho Shark. Cuối cùng Shark Liên đồng ý đề xuất này của startup EM & AI.

Nguồn: baogiaothong.vn