Quán bình dân Hà Nội: Tái chế thức ăn thừa, bẩn bán cho khách

ngày 20/06/2015

Ngay giữa Hà Nội, không khó để mỗi thực khách “được” trải nghiệm các kiểu ăn thừa, ăn bẩn và cả… ăn giả ở các hàng quán.
Ăn uống ngoài hàng quán bình dân vẫn đang là thói quen phổ biến của nhiều người Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị bận rộn, gấp gáp. Tuy nhiên, mức độ đảm bảo vệ sinh của nhiều hàng quán luôn ở mức đáng báo động, trong khi người tiêu dùng lại có tâm lý “khuất mắt trông coi”.

Ngay giữa Hà Nội, không khó để mỗi thực khách “được” trải nghiệm các kiểu ăn thừa, ăn bẩn và cả… ăn giả ở các hàng quán. Thậm chí ở không ít hàng, người bán và người phục vụ còn không buồn giấu giếm hành vi của mình, mà thực hiện rất công khai.

Thường xuyên phải… ăn thừa

Không khó để chứng kiến cảnh phục vụ… “đồ thừa” ở nhiều hàng ăn hiện nay. Đó thường là các món phụ, bổ sung như rau sống (các hàng bún riêu, bún cá…), quẩy (hàng phở, bún) hay dưa góp (hàng cơm rang).

Sau khi khách ăn xong, còn thừa lại rau sống, quẩy hay dưa góp, người phục vụ “hồn nhiên” cầm ra đổ luôn vào rổ hay chậu đồ nguyên để sau đó lại lấy ra phục vụ cho khách sau.

"Tái chế" đồ ăn thừa là hành vi phổ biến ở nhiều quán ăn bình dân hiện nay
Như hàng bún cá, bún riêu rất đông khách ở con ngõ trên phố Nhân Hòa thường được mở vào buổi trưa các ngày trong tuần. Mỗi khi bàn nào ăn xong, một chú có tuổi làm nhiệm vụ dọn bát, lau bàn sẽ nhanh tay cầm ngay rổ rau sống còn thừa và mang ra… đổ ụp vào rổ rau to dùng chung của mọi người. Chú không quên làm động tác trộn qua lại trong rổ rau chung đó, sao cho các cọng rau nguyên vẹn trộn lẫn với rau ăn thừa để thực khách dễ… “khuất mắt trông coi”.

Vậy nên, khi một rổ rau sống mới được bưng ra phục vụ, không khó để nhìn thấy những cọng rau “ăn dở” đã bị bẻ một phần hoặc thậm chí chỉ còn nguyên cuống nằm xen lẫn.

Thực tế “tái chế” rau sống này rất phổ biến ở các hàng bún riêu, cháo lòng, bún cá… Và để tìm ra một hàng ăn “dũng cảm” đổ rau thừa đi thì quả là không hề dễ chút nào.

Bên cạnh đó, quẩy “thừa” cũng là một thực trạng phổ biến hiện nay.

Tại quán phở bò ở K5 phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội), thực khách vào quán thường phải chờ đợi một lúc vì có quá đông khách, đội ngũ 7 người bán và phục vụ làm liên tay mà không xuể.

Khi bàn nào ăn xong và đứng dậy thanh toán, một nhân viên của quán vừa ra dọn bát, lau bàn và cầm luôn rổ quẩy thừa ra đổ vào túi quẩy chung để phục vụ tiếp khách sau. Thậm chí, lúc đông khách quá, nhân viên còn cầm ngay rổ quẩy thừa đó rồi lấy thêm quẩy ở túi cho đủ số lượng và mang luôn ra phục vụ khách mới.

Có lần, chứng kiến cảnh đó, một khách hàng đã không giữ được bình tĩnh, quát to: “Tại sao lại đi lấy đồ thừa cho người ta ăn? Cầm ngay rổ quẩy thừa mang ra bàn cho khách là sao?” Vậy nhưng, đáp lại chỉ là sự ngó lơ của cả chủ và tớ.

Kinh khủng hơn, hàng phở bò – cơm rang trên mặt phố Trần Đại Nghĩa (ngay gần ký túc xá của trường Đại học Kinh tế Quốc dân) thậm chí còn ngang nhiên “tái chế” cả… dưa góp ăn thừa. Mặc dù ướt sũng nước song các phần dưa góp thừa của khách vẫn được các nhân viên của quán này đổ thẳng vào chậu dưa góp chung, rồi sau đó lại múc ra cho khách ăn sau.

Cần nhấn mạnh rằng, việc dùng lại đồ thừa kể trên đang diễn ra công khai và phổ biến ở rất nhiều hàng quán chứ không phải đơn lẻ ở những hàng cá biệt nào.

Các chủ quán và nhân viên phục vụ thường vờ như không nghe thấy khi có khách hàng nào khiếu nại, hoặc lấy lý do “chỉ giữ lại phần đồ nguyên mà khách chưa đụng đũa đến thôi”, dù ai cũng biết nguyên nhân thực sự là các hàng quán đó muốn tiết kiệm chi phí mà bỏ qua yếu tố đảm bảo vệ sinh cho khách hàng.

Và thường xuyên “ăn giả”

Những bà nội trợ thông thái khi ra hàng bún riêu, phở có món thịt bò tái (chần) hẳn sẽ phải băn khoăn: Tại sao giá thịt bò loại “chần được” ngoài chợ cóc là 25.000 đồng - 30.000 đồng/lạng, ứng với vài miếng khi thái ra, mà ở ngoài hàng, một bát 25.000 đồng được cho nhiều thịt bò thế? Còn bao nguyên liệu khác nữa, vậy họ được lãi bao nhiêu khi bán cho khách?

Chị Bích Thảo (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Sau một thời gian ra hàng, giờ mình không dám ăn bò tái nữa. Vì nếu để ý, bò ngon thì khi tái phải thơm, ngọt. Trong khi hầu hết các hàng bình dân đều dùng loại thịt không rõ mùi bò, thậm chí ngửi như mùi thịt lợn vậy. Nên khi ăn tái thì rất sợ”.

Trước đó, nhiều tờ báo đã chỉ ra thực tế đáng sợ chứng minh cho nạn dùng “đồ giả” trong quán ăn, là các loại thịt trâu nhập khẩu kém chất lượng bị tuồn ra thị trường để làm “giả bò”, hoặc các lái buôn tìm mua thịt lợn nái (lợn sề) rồi về “điều chế” để ra thịt bò hay thậm chí là các loại thịt đặc sản như nhím, nai…

Bác Nguyễn Thị Sơn (Bắc Bình, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) không quên câu chuyện của những tay lái buôn thịt tìm về các làng quê để lấy mối thịt mang xuống Hà Nội tiêu thụ.

“Ban đầu, khi cậu lái buôn về hỏi mua lợn nái, mọi người ở làng không tin, tưởng đùa. Vì lợn nái thì thịt hôi, lại dai, giá rẻ, cái giống ấy ai mua nhiều làm gì. Nhưng cậu lái buôn cười ha hả, bảo “các cô có tin là cái giả vả chết cái thật không? Bọn cháu mang thịt này về Hà Nội là thành bò xịn hết!” Nghĩ mà sợ”, bác Sơn kể lại.

Nguồn VTC News