Phiên giao dịch sáng 31/10: FLC tiếp tục hút tiền

ngày 31/10/2016

Thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC đăng ký mua vào hơn 50 triệu cổ phiếu FLC giúp cổ phiếu này như thỏi nam châm hút dòng tiền rất mạnh trong 2 phiên vừa qua.

Phiên giao dịch sáng 31/10: FLC tiếp tục hút tiền

Thông tin ông Trình Văn Quyết đăng ký mua thêm 50.210.000 cổ phiếu FLC từ 9/11 đến 8/12 đưa ra hôm thứ Sáu tuần trước (28/11) sau khi chỉ mua được 15,79/30 triệu cổ phiếu đăng ký mua trước đó giúp cổ phiếu FLC nổi sóng trong phiên chiều cuối tuần qua khi tăng lên mức giá trần 6.450 đồng với khoảng 11 triệu được khớp trong phiên chiều, nâng tổng khối lượng khớp cả phiên cuối tuần lên 14,93 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới 5 triệu đơn vị.

Ngay khi mở cửa phiên đầu tuần mới, cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, FLC tiếp tục có sức hút lớn khi là địa điểm tập trung của dòng tiền và mọi con mắt theo dõi. Ngay khi mở cửa, cổ phiếu này đã tăng mạnh lên mức giá trần 6.900 đồng và chỉ sau chưa tới 1 tiếng giao dịch, tổng khớp đã lên tới hơn 14 triệu đơn vị. Do lực chốt lời cũng khá mạnh, nên FLC không còn duy trì được sắc tím, nhưng vẫn giữ được mức tăng rất tốt khi đang giao dịch ở ngưỡng 6.830 đồng, tăng 5,89%.

Ngoài FLC, các mã khác chỉ giao dịch ở mức cầm chừng, chỉ có thêm 3 mã được khớp trên 1 triệu đơn vị tính đến cùng thời điểm là ITA, OGC và LDG, nhưng cả 3 mã này đều đang được giao dịch dưới tham chiếu.

“Người anh em” của FLC là ROS tuy không có thanh khoản tốt, nhưng vẫn giữ được đà tăng đều kể từ lúc chào sàn. Trong phiên sáng nay, ROS đã leo lên mức giá 85.900 đồng, tăng 1,5%.

Trở lại với diễn biến chung của thị trường, diễn biến của VN-Index đang phụ thuộc vào “sức khỏe” của các mã lớn. Mở cửa với mức giảm nhẹ, VN-Index sau đó đảo chiều khi một số mã lớn tăng giá, nhưng cũng rất nhanh chóng, chỉ số này quay đầu giảm trở lại, thậm chí đang đe dọa ngưỡng hỗ trợ 680 điểm khi các mã như GAS, MSN, MWG, PVD, VNM, VIC đều đang giảm giá. Ngưỡng hỗ trợ 680 điểm của VN-Index đang được giữ nhờ sắc xanh nhạt đến từ nhóm ngân hàng, nhất là 3 trụ cột VCB, BID và CTG.

Trong khi đó, HNX-Index lại mở cửa với sắc xanh và đà tăng được nới rộng dần sau ít phút giao dịch. Tuy nhiên, khi vượt qua ngưỡng 83,35 điểm, chỉ số này đã đảo chiều đi xuống khi các mã dầu khí và ACB đang giảm giá. Sự hỗ trợ của các mã khác như AAA, SHB chưa đủ sức nặng so với các mã khác.

Trên sàn HNX, có 7 mã giảm sàn và đều là các mã nhỏ quen thuộc như NHP, FID. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã gia tăng ở các mã khác như KVC, DPS, giúp các mã này hồi phục dần, trong đó KVC đang được khớp gần 3,7 triệu đơn vị và có lúc về tham chiếu 3.300 đồng. Đặc biệt, BII đã khởi sắc khi được kéo lên mức giá trần 3.100 đồng với hơn 455.000 đơn vị được khớp và còn dư mua trần gần 700.000 đơn vị. Điều đặc biệt là trong chuỗi giảm sàn kỷ lục của mình, BII luôn có lượng dư bán sàn lên tới cả triệu đơn vị, nhưng trong 2 phiên phục hồi cuối tuần trước và đầu tuần này, lượng bán lại khá hạn chế. Trong phiên cuối tuần trước, BII được khớp gần 2,6 triệu đơn vị.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán