Phi công nghỉ hàng loạt, chuyên gia kinh tế mổ xẻ lý do

ngày 13/01/2015

Các chuyên gia kinh tế đánh giá về những "bất thường" đang diễn ra ở Vietnam Airlines khi hàng loạt phi công Vietnam Airlines báo ốm, xin nghỉ việc.
 
Thời gian qua, hàng loạt phi công của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã viết đơn xin nghỉ ốm khiến hoạt động bay của hãng bị xáo trộn.

Phi công nghỉ hàng loạt, cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng hàng không?
Phi công nghỉ hàng loạt, cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng hàng không?
Nguyên nhân được đưa ra là do mức lương quá thấp nên có thể các phi công muốn chuyển việc sang các hãng hàng không khác. Do đó, Vietnam Airlines đã phải có Nghị quyết đồng thời kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải không chấp thuận việc lôi kéo chuyển dịch lao động giữa các hãng hàng không Việt Nam từ nay đến năm 2020.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc hàng loạt phi công Vietnam Airlines báo ốm thể hiện sự cạnh tranh đang tăng lên giữa các hãng hàng không tại Việt Nam.

Cụ thể, với Vietnam Airlines, không có cách nào khác là phải xem xét lại toàn bộ hệ thống của mình, cải thiện khả năng cạnh tranh kể cả trong việc giữ nguồn nhân lực có kĩ năng cao như phi công hoặc các kĩ thuật viên khác.

"Tôi tin trong đầu tư và hoạt động của Vietnam Airlines còn có nhiều khâu có thể cải thiện để giảm bớt chi phí hay sự lãng phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh, để tập trung nhiều hơn cho nguồn nhân lực quý giá của mình. Chất lượng nguồn nhân lực quyết định sức mạnh của mọi đơn vị.

Tôi tin Vietnam Airlines hiểu rõ điều đó qua những thành công và cả những vấn đề họ vấp phải trong thời gian vừa qua", bà Lan nhấn mạnh.

Dưới góc độ của chuyên gia kinh tế, trả lời trên Vietnamplus, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright bình luận, việc Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tạm thời chưa chấp nhận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với các lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airlines đã can thiệp sâu vào chính sách với ý tạo bất lợi cho các đối thủ của Vietnam Airlines trong quá trình thị trường đang phân bổ lại nguồn nhân lực.

“Toàn bộ các chính sách này chỉ nên thuộc nội bộ các doanh nghiệp, không nên có sự can thiệp của Bộ chủ quản.

Một chính sách đơn giản là Vietnam Airlines phải tăng phúc lợi cho công nhân, cán bộ của mình để giữ họ ở lại. Đó chính là đặc điểm bình thường trong thị trường khi cầu về lao động tăng lên do có nhiều hãng mới gia nhập ngành, phúc lợi lao động tăng nhờ cạnh tranh,” ông Thành nói.

Cũng theo chuyên gia này, thực trạng này đã bộc lộ một thực tế, trước đây vì độc quyền, Vietnam Airlines có quyền đặt giá lao động kỹ thuật dưới mức thị trường và bây giờ đang muốn níu kéo quyền lợi đó bằng các phương tiện hành chính.

Theo VTC News