Phát động phong trào thi đua “Nét đẹp văn hóa học đường”

ngày 27/02/2018

 Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế phát động phong trào thi đua “Nét đẹp văn hóa học đường” đến năm 2020.

Phát động phong trào thi đua “Nét đẹp văn hóa học đường”

Yêu cầu phong tràoNét đẹp văn hóa học đường được tổ chức triển khai trong tất cả các trường học và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục Thường xuyên. Việc triển khai được thực hiện một cách nghiêm túc; có phát động, triển khai rộng rãi đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; có tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ và tổng kết.

Nội dung triển khai gồm: Xây dựng trường học xanh – sạch – đẹp; xây dựng trường học an toàn, lành mạnh - thân thiện - không bạo lực; trang phục, ứng xử văn hóa; hoạt động bảo đảm văn hóa học đường.

Trong các nội dung trên, đáng chú ý là yêu cầu nhà trường có hệ thống cây xanh, bóng mát phủ xanh (tối thiểu 50%) các dãy phòng học, sân trường và khuôn viên trường học. Có nhà vệ sinh cho cán bộ, giáo viên và học sinh theo quy định và được vệ sinh thường xuyên, đảm bảo sạch sẽ; có bồn rửa tay với nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.

Nhà trường không có hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong môi trường học đường. Có kế hoạch ngày, tuần, phân công, tổ chức học sinh lao động vệ sinh lớp học và khuôn viên trường.

Đối với cán bộ, giáo viên, kế hoạch trên lưu ý không thực hiện các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp; thiếu trung thực trong kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; thiếu khách quan trong đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh;

Xuyên tạc nội dung giáo dục; dạy sai nội dung kiến thức, không đúng với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ép buộc học sinh học thêm sai quy định. Hút thuốc lá, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục; sử dụng điện thoại di động khi đang dạy học trên lớp, trong hội nghị, hội họp chung của nhà trường (ngoại trừ những trường hợp cấp thiết). Bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén chương trình giáo dục…

Nguồn GDTĐ