“Nói không” với bắt nạt!

ngày 27/12/2017

 Ngày nay, nạn bạo lực, bắt nạt trong môi trường tập thể không chỉ xảy ra với người lớn mà còn xảy ra đối với trẻ mẫu giáo. Khi thấy con bị bắt nạt, nhiều bậc phụ huynh dạy con: đánh lại, hoặc im lặng là vàng... Nhưng chẳng lẽ chúng ta thực sự chỉ có 2 phương án này?  

“Nói không” với bắt nạt!

Có thể bạn chưa từng nghĩ đến, nhưng hành vi bắt nạt thường xuất hiện từ rất sớm, thậm chí ở lứa tuổi mầm non. Tuy những ảnh hưởng về thể xác có thể không đáng kể nhưng tổn thương về tinh thần thì tồn tại rất lâu sau đó, thậm chí có thể trở thành nỗi ám ảnh suốt đời. Dù là kẻ khởi xướng hay nạn nhân, bé cũng cần được quan tâm và có những lời khuyên thích hợp từ người lớn.

Đa phần các bé bị bắt nạt tại lớp, tại trường không dám kể lại mọi việc với cha mẹ. Thường thì các bé cố giấu giếm hoặc thậm chí là nói dối về những thương tích trên cơ thể. Nguyên nhân của hành động này có thể là do các bé sợ bị bạn trả thù, tẩy chay hoặc bản thân các bé chưa tin tưởng vào bố mẹ, thầy cô hay bất kỳ ai có thể giúp đỡ mình vượt qua khó khăn.

Phụ huynh nên làm gì khi trẻ bị bắt nạt, chọc ghẹo?

Cha mẹ nên chú ý đến thời gian biểu hằng ngày của con, chú ý những điều nhỏ nhặt nhưng có ảnh hưởng đến lịch trình thông thường của bé.

Bạn không thể ngăn các bé khác chọc ghẹo bé nhà bạn, nhưng bạn có thể dạy bé ứng phó với tình huống này bằng cách cảm nhận nỗi đau của bé. Sau đó, trao đổi với bé cách để giải quyết vấn đề. Khi bé lớn hơn, bé mới có thể thoát khỏi ảnh hưởng của việc bị chọc ghẹo, vì thế bạn không nên trông đợi điều đó ở một đứa trẻ hai tuổi. Nếu bé thật sự buồn về chuyện bị bạn bè chọc ghẹo, đặc biệt là nếu việc đó xảy ra thường xuyên, bé và cả bạn có thể nói chuyện với cô giáo hoặc bố mẹ của bạn bé về những gì đã xảy ra.

Ngoài ra, bạn hãy khuyến khích bé kết bạn. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, điều quan trọng là cha mẹ nên giúp con hình thành một sự tương tác tích cực, giúp bé tìm được niềm vui khi kết bạn mới. Nếu bé tỏ ra quý mến một bạn cùng lớp, cha mẹ có thể trao đổi với bố mẹ của bạn đó, và giúp bọn trẻ có một tình bạn tốt.

Tại nhà trẻ, trẻ em được dạy để phát triển các kỹ năng cơ bản và kiến thức thông qua sáng tạo và tương tác xã hội giữa các nhóm bạn. Đây cũng là những bài học sơ khai đầu đời, cho trẻ tập tễnh làm quen với đời sống xã hội, môi trường tập thể.

Nên làm gì với trẻ đi bắt nạt?

Thực tế cho thấy, trong khi giải quyết các vụ việc bắt nạt, chúng

Dù là kẻ khởi xướng hay nạn nhân, bé cũng cần được quan tâm và có những lời khuyên thích hợp từ người lớn.

ta thường có xu hướng thiên vị hoàn toàn đối với trẻ bị bắt nạt và đẩy mọi lỗi lầm lên trẻ đi bắt nạt. Đúng là trẻ bị bắt nạt rất cần được trợ giúp để vượt qua sự sợ hãi và những nỗi ám ảnh nhưng chính trẻ gây bạo lực cũng rất cần được giúp đỡ để trở nên tốt hơn. Người lớn cần có biện pháp kỷ luật đối với trẻ đi bắt nạt, nhưng hãy làm việc đó khi nó có thể giúp các em tốt hơn chứ không phải là chỉ để thỏa mãn cơn tức giận của bản thân.

Để giải quyết ổn thỏa vấn đề, trước hết, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân. Có nhiều nguyên nhân khiến bé trở thành kẻ bắt nạt. Có thể bé đang muốn thu hút sự chú ý của mẹ hoặc bé cũng đang là nạn nhân của những đứa bé khác. Cha mẹ nên thường xuyên chú ý đến những hành động tốt của con, để bé cảm thấy mình vẫn đang được quan tâm. Ngoài ra, cha mẹ nên chú ý đến thời gian biểu hằng ngày của con, chú ý những điều nhỏ nhặt nhưng có ảnh hưởng đến lịch trình thông thường của bé.

Nếu chỉ cần phạt thật nặng, đánh đập, nhục mạ hay cô lập trẻ mắc lỗi thì cuối cùng bài học mà chúng sẽ học được là gì? Vẫn là thói quen dùng bạo lực và quyền lực để trấn áp kẻ yếu thế hơn. Cho dù bé chọc ghẹo vì lý do gì, bạn cần nói cho bé biết những ảnh hưởng trong cách cư xử để giúp bé cảm nhận được cảm giác của người khác. Vì vậy, nhắc khéo rằng bé cảm thấy thế nào khi có một ai đó nói bé quá ồn ào hoặc bé quá lùn…

Nhấn mạnh với bé rằng vẻ bề ngoài của một người không nói lên bất cứ điều gì về việc người đó là ai. Cần chắc rằng bạn không thêm vào bất kỳ câu bình luận tiêu cực nào về diện mạo của con người.

Nguồn GDTĐ