Nhớ thương Hà Nội với những món ăn đong đầy kỷ niệm

ngày 09/11/2022

Người Hà Nội nức tiếng sành ăn. Ngoài vừa miệng, đẹp mắt trong bữa cơm, món mặn với món canh phải hài hòa để người ăn không thấy ngán, sự khéo léo thể hiện ở chỗ ấy.

Bún thang là một món ăn thể hiện được sự khéo léo của người con gái Hà thành. Ảnh: Tico travel.

Đối với Hà Nội, Lê Minh Hà là một kẻ si tình. Thành phố này trở đi trở lại trong trang viết của bà, từ tản văn, truyện ngắn tới tiểu thuyết. Ký ức những ngày bé con con, đi sơ tán cùng bà nội, chuyện xa xăm thời đi học, cả những kỷ niệm ngây thơ pha chút ngại ngùng của cô thiếu nữ vừa mới biết yêu… bao nhiêu kỷ niệm kể sao cho hết.

Hà Nội lúc nào đáng nhớ và đáng yêu. Ở đây có bao nhiêu thứ khiến con người ta lưu luyến. Từ những con đường nên thơ bao mùa lá đổ, đến người thiếu nữ dịu dàng trong tà áo dài đi lễ một chiều xuân. Xa Hà Nội nhiều năm, Lê Minh Hà dành nhớ thương cho bao món ngon ở mảnh đất này. Nỗi nhớ ấy biến thành tình yêu dạt dào trong tập tản văn Đặc sản thời yêu.

Những chắt chiu, tỉ mỉ của một thời khốn khó

Lê Minh Hà đưa người đọc ngược về quá khứ, nhớ lại những năm tháng khó khăn thời bao cấp. Khi ấy, một số nơi còn có bếp ăn tập thể, cứ đến giờ cơm là người lớn và cả trẻ con đứng xếp hàng, tay xách cặp lồng lấy cơm về nhà. Ngăn to đựng cơm, ngăn nhỏ đựng ít thức ăn mặn, hôm nào có nước rau luộc thì mang cả nồi xuống đựng canh.

Tập tản văn Đặc sản thời yêu của Lê Minh Hà nói nhiều về ẩm thực Hà Nội một thời. Ảnh: K.Đ.

Hôm nào nhà bếp ngả lợn, sẽ có thêm món lòng béo béo, giòn giòn, từ già đến trẻ đều phải xuýt xoa. Thế rồi, bếp ăn tập thể không còn nữa, các bà các cô phải tự lo cho bữa cơm nhà mình. Sống trong khu tập thể, lấy đâu ra bếp củi mà đun nấu, cái bếp dầu trở thành vị cứu tinh cho không gian chật hẹp ấy.

Thời đó, mấy cô bé gái cỡ mười hai, mười ba tuổi, gầy nhẳng, người chỉ có da với xương, đã thuần thục chuyện bếp núc, biết lo toan nội trợ, trở thành “cánh tay phải” của mẹ. Đang giặt nốt chậu quần áo, hễ nghe thấy bạn bè rủ nhau ra mậu dịch xếp hàng, đứa con gái lớn trong nhà nhanh nhảu nhờ bạn đặt hộ cục gạch để “giữ chỗ”. Khi nào nó giặt giũ xong sẽ ra đó đổi ca cho bạn về nấu nướng, dọn dẹp.

Những ngày đói kém ấy, lấy đâu ra thứ gạo tám thơm lừng, trắng tinh mà nấu. Có gạo hẩm, đầy sạn và phân gián mà ăn cho qua cơn đói là đã may mắn lắm rồi. Thế nên, cô con gái trong nhà phải khéo léo từ khâu vo gạo, đãi cho thật kỹ, căng mắt ra nhặt hết sạn to, sạn nhỏ. Củ khoai tây bé như quả táo ta, hai chị em ngồi cạo vỏ cả một buổi mới được đĩa khoai tây xào.

Cái giống khoai bé tẹo ấy, nếu xào đủ mỡ và vừa độ lửa cho khoai xem xém, rồi thả chút hành lá và rau mùi vào đảo nhanh tay cũng ngon đáo để. Cái vị bở và béo ấy khiến người xa quê suốt mấy chục năm vẫn thấy thèm.

Thời của bao thương nhớ

Tập tản văn Đặc sản thời yêu, khiến người ta tò mò ngay từ cái tên. “Thời yêu” mà tác giả nhắc đến trong trang văn, không phải là thuở mới biết hẹn hò, hồi hộp trao nhau từng lá thư tay. Đó chính là thời bao cấp, quãng đời gian khó của bao người, vì nó đáng nhớ, nên mới đáng yêu.

Nhà văn Lê Minh Hà viết về Hà Nội với nhiều trăn trở và nuối tiếc. Ảnh: Tô Chiêm.

Sống qua những năm tháng ấy, con người ta đã học được cách sẻ chia, nhường nhịn và luôn nuôi hy vọng dưỡng hy vọng, không nản chí khi gặp thất bại bởi “cái khó ló cái khôn”!

“Đặc sản” của thời ấy chẳng có gì ngoài khoai, sắn và dăm ba món ăn giản dị như đĩa xôi thổi khéo, hạt mẩy căng, mấy cái nem rán giòn, bát canh bóng nấu tròn vị, ngọt thanh của tôm khô. Giờ đây, mọi thứ đã đủ đầy, người ta muốn ăn vì nhớ nhiều hơn là thèm. Thế nhưng, hương vị ngày xưa ấy đâu dễ tìm lại.

Ở trời Âu, mấy người phụ nữ Việt tóc đã ngả hoa râm, hoan hỉ vì được ăn một mâm cơm xứ Bắc chuẩn vị. Biết có khách quý tới chơi, chủ nhà mới đi chợ từ sớm, nấu mời bạn ở phương xa một nồi vịt om sấu hay cá chép om dưa.

Xa Tổ quốc mười mấy giờ bay, người ta kể cho nhau nghe về bún thang, bún riêu, phở và nem. Ở nhà, nem là món ăn quen thuộc, bữa cỗ nào cũng có, nhưng sang đến xứ người, không dễ gì để quấn một cái nem chuẩn vị, với thứ bánh tráng mềm vừa đủ độ, rán lên vàng giòn.

Ẩm thực trong văn Lê Minh Hà không chỉ là một món ăn, một công thức, một hương vị. Nó chứa đựng nỗi nhớ cồn cào của người Hà Nội xa quê. Trong mỗi món ăn ẩn chứa những tâm sự với nhiều mảnh ký ức đan xen lẫn nhau.

Cái duyên dáng trong văn chương của Lê Minh Hà được thể hiện ở tài kể chuyện. Văn phong tình cảm, pha chút bông đùa của tác giả đã dẫn dắt người đọc qua nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, sau những tràng cười khúc khích, người ta lại rưng rưng vì nhớ.

Nguồn: zingnews.vn