Nhiều thứ trưởng, càng khó làm việc?

ngày 02/10/2013

“Nhiều thứ trưởng sẽ làm cấp dưới khổ, vì phải báo cáo, đón tiếp nhiều,... có một việc nhưng có khi hai, ba thứ trưởng đều hỏi”.

Tại buổi họp báo Chính phủ hôm 29/9, người phát ngôn của Chính phủ - ông Vũ Đức Đam nói rằng, tuyệt đại đa số các bộ đều có số lượng thứ trưởng nhiều hơn số lượng quy định tại Nghị định của Chính phủ. Vậy, tại sao có quá nhiều thứ trưởng và “thừa” thứ trưởng ảnh hưởng gì?

Phức tạp trong điều hành công việc

Trao đổi với PV ngày 1/10, TS Ngô Thành Can, Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính cho biết, thứ trưởng là người giúp việc cho bộ trưởng ở một hoặc một số lĩnh vực được giao.

Theo Nghị định số 36, năm 2012 của Chính phủ, số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ không quá 4 người. Đối với bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, số lượng thứ trưởng có thể nhiều hơn 4 người do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có Bộ Giáo dục-Đào tạo và Ủy ban Dân tộc ít hơn 5 thứ trưởng. Kể từ ngày 1/10, ông Đỗ Quý Doãn nghỉ hưu, Bộ Thông tin và Truyền thông còn 4 thứ trưởng.

TS Ngô Thành Can lý giải sở dĩ các bộ có nhiều thứ trưởng bởi trong bối cảnh bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, mỗi thứ trưởng phụ trách 2 hoặc 3 lĩnh vực thì công việc khá “nặng”, do đó có khi một lĩnh vực quản lý có một thứ trưởng.

Ví dụ, Bộ Tài chính, lĩnh lực thuế có một thứ trưởng, hải quan cần một thứ trưởng phụ trách.

“Tâm lý chung, mỗi thứ trưởng giúp bộ trưởng phụ trách một lĩnh vực sẽ chuyên sâu, nhiều thứ trưởng thì công tác quản lý càng chuyên sâu”, ông Can nói.

Bên cạnh đó, do lịch sử để lại, sáp nhập các bộ phận, các nhóm vào bộ, các bộ với nhau... dù không thường xuyên nhưng cũng tạo thêm số thứ trưởng trong các bộ.

Ông Can cho rằng, mặc dù quan điểm bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng cũng không nên nhiều thứ trưởng. Không phải cứ thêm ngành, thêm lĩnh vực là thêm thứ trưởng, mỗi bộ cần tối đa 4 thứ trưởng là vừa đủ.

“Thừa” thứ trưởng như hiện nay sẽ tạo cảm giác chính sách không nghiêm, bởi quy định 4 người, chỉ có trường hợp đặc biệt được nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay, bộ nào cũng “đặc biệt”, thành ra không ai “đặc biệt”, hầu như tất cả các bộ đều hơn 4 thứ trưởng. Bên cạnh đó, tạo những luồng suy nghĩ không hay như kiểu: “Quy định 4 thế thôi, nhưng nếu "xin" thêm vẫn được”.

Nhiều thứ trưởng cũng sẽ ảnh hưởng đến xử lý công việc nhạy cảm, liên quan đến nhiều người. Ví dụ sự việc do ông thứ trưởng A phụ trách, nhưng sự việc cũng có liên quan đến ông thứ trưởng B hoặc người thân của ông thứ trưởng B. Ông này sẽ có tác động vào khiến sự việc thêm phức tạp và rắc rối.

“Do vậy, nếu càng ít thứ trưởng, những sự việc liên quan đến các thứ trưởng và người thân ít đi. Và ít thứ trưởng, mối quan hệ đó ít đi, công việc cũng được giải quyết nhanh hơn”, ông Can nói.

Nhiều thứ trưởng, càng khó làm việc? - 1

TS Ngô Thành Can, Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính

Để giải quyết vấn đề “thừa” thứ trưởng, theo ông Ngô Thành Can, luân chyển thứ trưởng “thừa” từ bộ này sang bộ khác, hoặc từ Trung ương về địa phương. Nếu vị thứ trưởng nào nghỉ, không bổ nhiệm người thay mà giao lĩnh vực đó cho một thứ trưởng khác kiêm nhiệm.

Nếu nói rằng việc nhiều, một thứ trưởng phụ trách nhiều lĩnh vực quá “nặng”, bộ đó cần có đội ngũ nhân viên cấp dưới giỏi. Quan trọng, thứ trưởng đó phải tâm huyết, năng lực điều hành tốt.

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương cũng nhận xét, các bộ hiện nay đang quá nhiều thứ trưởng, vụ phó... không có nước nào nhiều thứ trưởng như nước ta.

Theo ông Hương, lãnh đạo bộ chỉ cần ít thôi, nếu thứ trưởng thấy công việc quá nhiều, một mình phải phụ trách nhiều lĩnh vực, hãy phân quyền cho cấp dưới làm.

“Không nên nhiều thứ trưởng, chỉ 4 là đủ. Riêng một số bộ đặc thù riêng như: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao... có thể nhiều hơn”, ông Hương nói.

Nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, nhiều thứ trưởng, cấp dưới khổ, vì phải báo nhiều, đón tiếp nhiều... có mỗi việc hai, ba thứ trưởng đều hỏi. Nhiều Thứ trưởng cũng khiến cho việc phân công công tác không rõ ràng, có khi “dẫm chân” lên nhau. Các quốc gia khác trên thế giới, mỗi bộ cũng chỉ có khoảng 2 hoặc 3 thứ trưởng.

Tại buổi họp báo Chính phủ hôm 29/9, người phát ngôn của Chính phủ - ông Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo xem xét, rà soát số lượng thứ trưởng ở các bộ để tùy từng bộ, có số lượng thứ trưởng tối thiểu cần thiết chứ không thể máy móc chỉ có 3 hay 4. “Tinh thần chung là ở mức tối thiểu. Chính phủ sẽ bàn và kết quả sẽ được thông báo rộng rãi. Chắc chắn đây là một việc Chính phủ phải báo cáo các cơ quan của Đảng, cơ quan có thẩm quyền để có kết luận cuối cùng”.

{fcomment}