Trong đơn gửi báo Kinh tế & Đô thị, người dân ở 6 tổ dân cư phường Bồ Đề cho rằng, người đang quản lý ngôi chợ này là ông Nguyễn Văn Nam ở tổ dân phố Ái Mộ. Vẫn theo đơn thư, chính ông Nam đã san lấp hàng trăm mét vuông đất nông nghiệp rồi cho tiểu thương thuê chỗ kinh doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng…
Để làm rõ nội dung này, chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND phường Bồ Đề. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Luyện: Năm 2004, sau khi thành lập phường, chính quyền đã rất quyết liệt trong quản lý trật tự đô thị, chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Vì vậy những hộ buôn bán nơi ngã ba đường, thành cầu, lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường... đã tập trung về đầu ngõ 135 phố Bồ Đề. Và khu chợ tạm này được hình thành từ đó. Theo ông Luyện, ông Nguyễn Văn Nam vốn có mảnh đất nông nghiệp ở khu vực này nhưng không có nhà ở nên tá túc luôn tại đây. Sau đó ông Nam thuê thêm mấy trăm mét vuông đất của các hộ xung quanh rồi tiến hành san lấp mặt bằng, dùng vật liệu tạm làm lều lán cho những hộ buôn bán rau quả thuê lại… Hoàn cảnh của ông Nam rất đặc biệt, không nhà cửa và tâm tính cũng không bình thường.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Luyện, với dân số 31.500 nhân khẩu nhưng đến nay phường Bồ Đề vẫn chưa có chợ cố định. Hiện tại trên địa bàn phường chỉ có hai chợ tạm (một ở đầu ngõ 135 phố Bồ Đề và một ở phía ngoài đê). Việc mua bán của người dân trên địa bàn phường phụ thuộc vào hai khu chợ tạm này. “Dù đã được quy hoạch một khu chợ với diện tích 2.700m2 nhưng đến nay phường vẫn chưa có kinh phí xây dựng nên diện tích này vẫn quây tôn để đấy”- ông Luyện cho biết tiếp.
Theo quan sát của chúng tôi, vị trí chợ tạm (ở đầu ngõ 135 phố Bồ Đề) phường Bồ Đề khá khuất nẻo. Quầy hàng trong chợ được dựng sơ sài bằng gỗ cốp pha, tre nứa chằng buộc tạm bợ, phía trên được che chắn đủ loại vật liệu như tấm lợp phibroximăng, bạt dứa rách… Phía trong chợ tạm là ao nước, cạnh đó là một bãi rác bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nếu không phải là người địa phương, rất khó để biết sự hiện diện của khu chợ này...
Để bảo đảm trật tự, văn minh đô thị, cảnh quan môi trường và giải quyết vấn đề dân sinh, đề nghị chính quyền phường Bồ Đề và quận Long Biên sớm giải tỏa khu chợ tạm và bố trí kinh phí xây dựng một ngôi chợ mới để người dân có nơi kinh doanh buôn bán. Không thể để một phường trong nội đô lại tồn tại một khu chợ nhếch nhác, ô nhiễm môi trường như chợ tạm ở ngõ 135, phố Bồ Đề.