Nhân viên ngân hàng mất ăn, mất ngủ chạy chỉ tiêu cuối năm

ngày 18/12/2014

Một loạt chỉ tiêu “dồn ứ” và “đè” nhân viên ngân hàng vào dịp cuối năm, khiến mỗi khi nhắc tới hai từ “chỉ tiêu”, nhiều người lại lắc đầu ngán ngẩm.
 
Cuối năm các nhà băng đều mở nhiều chương trình khuyến mãi tín dụng tiêu dùng để “hút” khách vay, vì thế sự cạnh tranh giữa các nhà băng càng khốc liệt hơn.

“Vò đầu bứt tai” vì từ đầu tháng đã để “tuột” 2 hợp đồng với khách hàng, chị Hương - nhân viên tín dụng một ngân hàng thuộc nhóm G12 lo lắng tháng này lại có nguy cơ không “chạy” đủ chỉ tiêu. Mỗi nhân viên tín dụng thuộc nhóm chuyên viên 1 như Hương mỗi tháng phải chịu định mức 3 tỷ đồng. Chỉ tiêu này không phải nhân viên tín dụng nào cũng dễ dàng vượt qua.
 

“Nếu gặp được khách hàng “nét” (khách hàng tốt), hồ sơ đẹp thì còn đỡ. Với những khách hàng xấu, nhiều lúc nhân viên tín dụng “đánh vật” với hồ sơ. Lúc đó thấy nản vô cùng, nhưng vì công việc, vì nghĩ tới thu nhập mà bọn em phải cố nếu không muốn chỉ nhận vẻn vẹn 3 triệu tiền lương mỗi tháng”- Hương tâm sự.

“Chỉ cần biên độ lãi suất của ngân hàng nào thấp hơn hoặc ưu đãi nhiều hơn là lập tức khách “nhảy” sang ngân hàng đó, dù trước đấy mình đã ra sức chăm sóc, tư vấn cho khách hàng. Nhìn khách bỏ đi thì tiếc, nhưng thuận mua vừa bán mà, đi vay ai cũng muốn được vay lãi suất thấp nhất, điều này cũng dễ hiểu thôi”- Hương kể.

Những ngày cận kề cuối năm, Hương cho biết, để chạy đạt chỉ tiêu nhân viên tín dụng các nhà băng “đổ dồn” về cho vay tiêu dùng mua ô tô. Một phần do hồ sơ giải ngân nhanh chóng, phần nữa nhu cầu khách hàng nhiều hơn.

“Tháng này có cố gắng lắm thì chắc em cũng chỉ đạt được 2/3 chỉ tiêu là cùng”- cô lo lắng.

Mướt mải với “sức nặng” chỉ tiêu mỗi tháng, cũng chính vì thế mà nhân sự ở bộ phận tín dụng tại các nhà băng có sự dịch chuyển mạnh nhất so với các bộ phận khác. Vừa làm tín dụng ngân hàng được 6 tháng, nhưng nhân viên ngân hàng này cho biết, cô đã chứng kiến 2 đợt tuyển dụng nhân viên tín dụng tại đây, mỗi đợt tuyển vài trăm người.

“Số lượng tuyển vào nhiều, ra đi cũng tương ứng cho thấy nghề tín dụng cũng “bèo” lắm”. Để "trụ" được với nghề tín dụng và có mức lương hàng tháng cao hơn, những nhân viên tín dụng như Hương phải cố gắng để “nâng bậc” lên chuyên viên 2. Đồng nghĩa, chỉ tiêu mỗi tháng cũng tăng lên gấp đôi, sức nặng chỉ tiêu cũng vì thế nhân lên gấp đôi, ba lần.

Chị Hằng một giao dịch viên tại phòng giao dịch nhà băng lớn trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) lại có mối lo bộn bề hơn. Ngoài chịu áp lực chỉ tiêu huy động, chị và các đồng nghiệp còn bị giao chỉ tiêu phát hành thẻ tín dụng, nhất là vào dịp cuối năm.

Mỗi tháng được phân giao phát hành thẻ tín dụng, Hằng phải tận dụng những mối quan hệ của người thân, quen, lân la tới các công sở để “gạ” mở thẻ tín dụng.

“Hỏi bạn bè nếu ai chưa mở thẻ là ngay lập tức mình nghĩ ngay tới chuyện mời họ mở thẻ. Nhưng giờ nhiều ngân hàng đều mở thẻ, nên chuyện đạt đủ chỉ tiêu phát hành thẻ cũng không dễ chút nào” – Hằng nói.

Là khách hàng của Vietcombank, chị Tuyết (Lê Thánh Tông – Hà Nội) khá ngạc nhiên khi một lần tới giao dịch tại một phòng giao dịch của nhà băng này chị được “mời” mở thẻ tín dụng. Vốn là khách hàng quen hay giao dịch tại đây nên không những mời chị, nhân viên tại đây còn “gửi gắm” chị Tuyết thêm vài bộ hồ sơ mở thẻ nữa với lời nhờ vả, “chỉ cần chị mở thẻ rồi 2 tháng sau ra báo đóng cũng được, giúp em để đủ chỉ tiêu nhé”.

“Tôi vốn hay giao dịch tại đây nên thành ra quen, gặp phải lời nhờ như vậy cũng không biết từ chối ra sao. Thế mới biết là phía sau bàn kính giao dịch, nhân viên ngân hàng cũng phải “gánh” đủ mọi chỉ tiêu, mệt mỏi ra phết” – chị Tuyết chia sẻ.

Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm tín dụng một NHTM tại quận Cầu Giấy cho hay, những ngày cuối năm này không chỉ riêng trung tâm tín dụng nơi ông phụ trách phải chạy hết tốc lực để đạt được doanh số đề ra, mà ngay cả các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng cũng đang phải chạy hết công suất để đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm đã đề ra.

“Cuối mỗi ngày nhìn báo cáo số lượng hồ sơ và tiền giải ngân không đạt kế hoạch đề ra là cảm thấy kém vui. Đến gần cuối tháng mà chỉ tiêu còn xa là chắc chắn ăn không ngon, ngủ không yên. Vì thế, nên nhiều khi nhân viên của mình cứ thắc mắc sao lúc nào cũng thấy sếp nhăn trán. Làm sếp ngân hàng, nhất là tín dụng những tháng cuối năm này muốn “trán thẳng” khó lắm”- vị này tâm sự.

Theo VTC News

{fcomment}