Nhà giáo viết bản hợp xướng đặc biệt về Hà Nội

ngày 11/03/2020

Nhạc sĩ, Nhà giáo Ưu tú Đoàn Phi tự trình bày tác phẩm mới, đệm piano PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trong lần tham gia trại sáng tác âm nhạc tại Vũng Tàu năm 2014.

Với ông, Hà Nội là “bầu sữa mẹ” ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc để ông viết nên bản hợp xướng hào hùng “Hà Nội tiến vào thiên niên kỷ mới”.

Nhà quản lý xuất sắc

Nhạc sĩ, NGƯT Đoàn Phi được sinh ra ở trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” - thôn Hữu Thanh Oai, xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Đoàn Phi chính là chắt nội của Tổng đốc Nam Định Mai Viên Đoàn Triển. Sinh thời, cụ Mai Viên là thành viên trong Ban tu thư Quốc gia có nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa dạy bằng chữ Quốc ngữ.

Lên 8 tuổi, Đoàn Phi đã tham gia đội thiếu niên của thôn với những hoạt động sôi nổi như tập hát, học ký xướng âm và thường lấy sân trường hoặc đình làng làm “sân khấu” biểu diễn. Tháng 12/1946, một may mắn đã đến với Đoàn Phi. Đó là lần cậu vinh dự là người “bắt nhịp” cho Đội Thiếu niên hát Quốc ca chào mừng sự kiện cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng đoàn đại biểu Trung ương về thăm làng.

Trong sự kiện đặc biệt ấy, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dặn dò thiếu niên bằng 4 câu thơ mà Đoàn Phi luôn lấy là động lực để phấn đấu suốt cả cuộc đời:

Đây là làng Thanh Oai

Thuở trước nhiều nhân tài

Hỡi các em niên thiếu

Phải noi gương các Ngài.

Dường như cảm xúc ngất ngây đến kỳ lạ khi được biểu diễn trước đám đông và nhất là sự có mặt của các vị lãnh đạo cao cấp đã khiến Đoàn Phi thêm tự tin, hứng khởi để được gắn cuộc đời mình với âm nhạc.

Cứ thế niềm say mê âm nhạc đã đưa Đoàn Phi vào học hệ trung cấp sáng tác rồi hệ đại học chỉ huy tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau khi trở về từ chuyến thực tập sinh tại Nhạc viện Leningrat (Liên Xô cũ), Đoàn Phi giữ cương vị Chủ nhiệm hệ trung cấp và sơ cấp tại Nhạc viện Hà Nội.

Năm 1989, ông được cử sang làm Phó Hiệu trưởng Trường Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội, đảm trách việc tạo liên kết với Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Hà Nội để mở các lớp thí điểm.

Cùng với đó, ông đã chỉ đạo việc xây dựng, in ấn chương trình các cấp học từ sơ cấp đến cao đẳng, trong đó có bộ chương trình cao đẳng sư phạm nhạc và họa của trường. Những kinh nghiệm khi làm công tác quản lý tại Nhạc viện Hà Nội đã được ông vận dụng linh hoạt và bước đầu có hiệu quả.

Cuối năm 1994, được sự tín nhiệm của nhà trường, ông được bầu làm hiệu trưởng. Bắt đầu từ đây với bản lĩnh, trí tuệ của người con Hà thành, ông đã dốc lòng, dốc sức để cùng tập thể nhà trường nỗ lực nâng cấp thành Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội như ngày nay.

Đó là một quá trình trường kỳ, gian nan, phải vượt qua nhiều đợt làm công văn, hồ sơ, hội thảo từ các đoàn khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vào thời điểm ấy (tháng 8/1995) các trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội cùng với Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành 3 trường văn hóa nghệ thuật đầu tiên của cả nước được nâng cấp.

Ông đã từng bước thay đổi diện mạo ngôi trường đào tạo âm nhạc của Thủ đô bằng việc cho thành lập các khoa: Lý luận - sáng tác, Nhạc cụ dân tộc, Thanh nhạc, Piano, giao hưởng, Nhạc nhẹ, Mỹ thuật, Kiến thức cơ bản; xây dựng các phòng Tổ chức - Quản lý học sinh, Đào tạo, Hành chính, Tài vụ và Tổ quản lý khoa học; thành lập Hội đồng khoa học, Ban biểu diễn…

Để nâng cao vị thế nhà trường, ông đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu liên kết với các trường văn hóa nghệ thuật trong cả nước; tìm cách liên hệ và mời được đoàn chuyên gia Nhật Bản đến nghiên cứu thành lập khoa Thiết kế thời trang; dẫn đoàn giảng viên đi thực tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ tại Pháp và Trung Quốc… Nhân dịp 30 năm ngày thành lập, trường đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Bản hợp xướng đặc biệt

Tuy dành nhiều thời gian cho công tác lãnh đạo, quản lý nhưng Đoàn Phi vẫn giữ được tâm hồn sáng tác. Khi cả nước đang nô nức tiến vào thiên nhiên kỷ mới, lúc này dù đã nghỉ hưu nhưng với trách nhiệm của một công dân Thủ đô và với tình yêu dạt dào dành cho Hà Nội, nhạc sĩ Đoàn Phi đã viết bản hợp xướng “Hà Nội tiến vào thiên niên kỷ mới” gồm 4 chương.

Đó là một tác phẩm có quy mô lớn, chất lượng nghệ thuật cao bằng giai điệu âm nhạc trong sáng, lời ca đẹp, mượt mà, tình cảm chân thành.

Bản hợp xướng “Hà Nội tiến vào thiên niên kỷ mới” đã được thu thanh, thu hình, phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam và in trong tập nhạc, in đĩa làm quà tặng cho các đại biểu trong và ngoài nước đến dự lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội.

Và trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, bản hợp xướng “Hà Nội tiến vào thiên niên kỷ mới” do đội hợp xướng của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trình diễn vang lên uy nghiêm trước tượng đài Lý Thái Tổ, vườn hoa Chí Linh. Buổi biểu diễn có sự tham gia của hàng trăm diễn viên của các đoàn nghệ thuật múa minh họa dưới sự điều khiển của tổng đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng.

Còn đối với quê hương Hữu Thanh Oai, nhạc sĩ Đoàn Phi đã ghi dấu ấn bằng những sáng tác âm nhạc như “Ca ngợi vua Lê” được phổ từ thơ của thi sĩ đồng hương Nguyễn Thi, “Tiếng hát quê hương tôi” về dòng sông Nhuệ trong xanh, hiền hòa…

Ngoài ra, với “con mắt xanh” của nhà sư phạm âm nhạc, ông đã tìm tòi, phát hiện và bồi dưỡng cho nhiều học sinh có năng khiếu âm nhạc ở quê hương để vào học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đáng mừng là sau này họ đã đều thành danh trên con đường mà ông định hướng.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đào tạo, phát triển âm nhạc Thủ đô, nhạc sĩ Đoàn Phi đã được trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý. Nhưng có một phần thưởng cao quý hơn cả, đó là ông đã được nhiều thế hệ thầy và trò tại các cơ sở đào tạo âm nhạc cũng như công chúng yêu nhạc Thủ đô biết đến, yêu mến và kính trọng.


Nguồn: Báo GD&TĐ