Người tiêu dùng Mỹ sẽ thắt lưng buộc bụng vì dịch virus corona

ngày 27/02/2020

Theo Reuters, các nhà kinh tế nhận định dịch virus corona chủng mới - đang khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao đao - sẽ là cú đòn giáng vào tiêu dùng tại Mỹ. Và đây là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ.

"Việc các điều kiện tài chính bị siết chặt là tác động khủng khiếp nhất của dịch Covid-19", Reuters dẫn lời nhà kinh tế Gregory Daco thuộc Oxford Economics nhận định.

Số ca nhiễm trên toàn thế giới tăng mạnh và nguy cơ dịch lan tới Mỹ khiến thị trường chứng khoán nước này mất 2.000 tỷ USD trong tuần qua và đẩy giá USD leo thang. Nhà kinh tế Daco cho biết biến động dữ dội của thị trường sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ trở nên thận trọng, không dám chi tiêu.

Trên thực tế, không phải lúc nào người Mỹ cũng chi tiêu xả láng khi thị trường chứng khoán tăng trưởng. Tuy nhiên, người Mỹ có xu hướng thắt lưng buộc bụng hơn mỗi khi thị trường biến động mạnh.

Các tiểu thương đeo khẩu trang trong một khu chợ ở San Francisco. Ảnh: Reuters.

Ví dụ, vào tháng 12/2018, khi chỉ số S&P 500 tụt dốc 9,2%, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ giảm 3% so với tháng trước.

Trong hai ngày 24 và 25/2, chỉ số S&P 500 sụt tới 7,6% do dịch virus corona chủng mới diễn biến bức tạp, thổi bay hơn 2.100 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.

Chuyên gia kinh tế Mark Zandi thuộc Moody's Analytics nhận định việc thị trường chứng khoán "đỏ lửa" kéo dài sẽ là cú đòn giáng mạnh vào kinh tế Mỹ bởi nó trực tiếp tác động đến người tiêu dùng.

“Người tiêu dùng Mỹ đang là bức tường lửa giữa ranh giới của một nền kinh tế đang tăng trưởng và một nền kinh tế suy thoái”, chuyên gia Zandi nhấn mạnh.

Ông Zandi cho biết nhóm người tiêu dùng thuộc thế hệ "baby boomer" (sinh năm 1946-1964) thường nhanh chóng cắt giảm chi tiêu khi thị trường biến động vì phải lo tới giai đoạn nghỉ hưu.

Trong khi đó, những người giàu có - thành phần sở hữu lượng cổ phiếu lớn và chi tiêu mạnh tay - cũng có thể thắt lưng buộc bụng trong giai đoạn. "Doanh số từ các mặt hàng xa xỉ và dịch vụ khách sạn cao cấp sẽ bị giảm”, chuyên gia Danielle DiMartino Booth - người sáng lập Quill Intelligence - cho biết.

Theo Reuters, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ giảm nhẹ trong tuần trước khi dịch virus corona chủng mới gây sức ép lên thị trường chứng khoán. Dù vậy, người tiêu dùng Mỹ vẫn lạc quan hơn so với năm ngoái, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.

San Francisco mới đây đã cảnh báo về nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Mỹ vẫn tỏ ra lo ngại với nguy cơ dịch virus corona chủng mới sẽ kéo tuột tăng trưởng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế các địa phương ở Mỹ.

Chuyên gia Daco cho biết người tiêu dùng Mỹ sẽ cắt giảm chi tiêu đáng kể và nền kinh tế Mỹ lao đao nếu các trường hợp lây nhiễm virus corona chủng mới bùng lên tại các thành phố lớn như New York, Washington hay San Francisco.

Khi đó, các sự kiện lớn sẽ bị hủy bỏ, người dân sẽ không dám ra đường và giao thông hàng không lao dốc.

Hồi đầu tuần, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) kêu gọi người dân Mỹ nâng cao cảnh giác, chuẩn bị tâm lý đối phó với dịch bệnh. Tính đến ngày 26/2, đã có 59 trường hợp nhiễm Covid-19 tại Mỹ.

Nhà kinh tế Diane Swonk của Grant Thornton cho biết các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan sẽ làm gián đoạn nền kinh tế Mỹ. "Đó sẽ là một cú sốc khác thường đối với nền kinh tế Mỹ", bà nhấn mạnh.


Nguồn: Báo Zing