Ngân sách khó khăn mấy cũng phải tăng lương

ngày 23/10/2014

Ngân sách dù khó khăn thì phải “cắt, gọt”, tính toán lại các khoản để có tiền đủ cho tăng lương vào năm tới. Lộ trình tăng lương tối thiểu cho cán bộ công chức không thể trì hoãn thêm.

Thảo luận tại tổ chiều 21/10, các ĐBQH cho rằng, không thể trì hoãn thêm việc tăng lương hết năm nay qua năm khác. Không phải 3 triệu đồng/tháng mà mức lương tối thiểu của cán bộ công chức phải là 10 triệu đồng/tháng mới đảm bảo cuộc sống.

Theo lộ trình của Chính phủ năm 2013 tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức nhưng đành lùi lại vì không bố trí được nguồn. Cũng với lý do tương tự nên năm 2014 đã không tăng và tới năm 2015 vẫn chưa thể tăng lương vì ngân sách eo hẹp. “Cứ lùi lại mãi thì ai dám đảm bảo tới năm 2016 sẽ không lùi tiếp?” - ĐB Nguyễn Văn Minh (Đoàn TP.HCM) bức xúc.

Ngân sách khó khăn mấy cũng phải tăng lương - 1

ĐBQH Trần Du Lịch cho rằng, nếu không tăng lương thì đừng nghĩ tới chuyện thu hút nhân tài cho bộ máy công chức

Theo ĐB Minh, cần thiết phải tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống tối thiểu của công chức, người lao động làm công ăn lương, cán bộ về hưu.

“Trong khi, nhiều công trình đầu tư hàng ngàn tỷ, hàng chục ngàn tỷ đồng rồi đắp chiếu, bỏ không, thật quá lãng phí. Chúng ta phải tăng lương theo đúng lộ trình, đảm bảo đúng nguyện vọng của người làm công ăn lương cũng như cán bộ nghỉ hưu. Lần này chúng ta phải kiên quyết, chứ cứ hoãn hết năm này qua năm khác thì khó ăn khó nói với cử tri”- ĐB Minh nói.

Cho rằng, bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh, theo ĐB Minh, cùng với việc tăng lương theo đúng lộ trình để “dễ ăn dễ nói với cử tri”, thì cũng phải kiên quyết tinh giản bộ máy công chức, bố trí đúng người, đúng việc để tăng năng suất lao động.

Chuyện tinh giản bộ máy công quyền cũng được nhiều ĐB đề cập tới. ĐB Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn TP.HCM nói thẳng, nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp như hiện nay thì không nguồn ngân sách nào đủ để nuôi nổi. Các nước từ lâu đã giảm bộ máy địa phương từ 3 cấp xuống còn 2 cấp. Tình hình ngân sách khó khăn như hiện giờ càng có động lực để Việt Nam tinh giản bộ máy Nhà nước, nhất là ở cấp địa phương.

“Không tăng lương thì không bao giờ thu hút được đội ngũ cán bộ giỏi”- ông Lịch nói.

Ý kiến này của ông vấp phải sự không đồng tình từ ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm. Theo bà Tâm, chất lượng bộ máy công chức thấp không hoàn toàn do nội lực từng cán bộ, mà là do công tác tổ chức nhân sự yếu.

Tại sao nhiều người vẫn chấp nhận bỏ vài trăm triệu để “chạy” vào làm công chức tại các bộ, ngành, địa phương để rồi ngồi đó và hưởng mức lương khởi điểm chỉ 3 triệu đồng/tháng? Chính cơ chế quản lý, tổ chức cán bộ yếu đã vô hình trung tạo ra môi trường thả nổi để cán bộ công chức tiêu cực.

Theo vị ĐB này, với cách tổ chức và bộ máy Nhà nước hiện nay thì công chức làm việc tích cực cũng bị “đánh đồng” với ngời tiêu cực. Bộ máy kém lành mạnh, dân mất niềm tin là đương nhiên. Không còn cách nào khác là tăng lương lên, quản lý chặt chẽ lại công tác tổ chức cán bộ, thì ắt họ sẽ sợ mất việc và làm hiệu quả.

“Tôi biết nhiều người đi học ở nước ngoài 5-7 năm về mà hiện chỉ hưởng mức lương khởi điểm 3 triệu đồng/tháng, thì thử hỏi họ cống hiến làm sao khi lương chẳng nuôi nổi bản thân. Tối thiểu lương cán bộ công chức phải 10 triệu đồng/tháng trở lên mới đủ sống” – bà Quyết Tâm bày tỏ quan điểm.

Do đó, ngân sách dù khó khăn tới mấy, thì Chính phủ cũng phải tính toán lại, siết khoản nào, cắt khoản nào để “chắt chiu” làm sao có được 40.000 tỷ đồng dành cho chi tăng lương cán bộ công chức, viên chức trong năm 2015.

Theo 24h

{fcomment}