Ngân hàng Nhà nước mua lại GPBank với giá 0 đồng

ngày 07/07/2015

Quyết định mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại GPBank với giá 0 đồng có hiệu lực ngay hôm nay.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Quyết định số 1304 ngày 7/7/2015 về việc mua lại Ngân hàng cổ phần Dầu khí toàn cầu (GPBank) với giá 0 đồng. Quyết định có hiệu lực ngay từ ngày ký, Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của GPBank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu.

Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) được chỉ định tham gia quản trị, điều hành đồng thời kiện toàn Hội đồng quản trị, Ban điều hành và Ban Kiểm soát của GPBank.

"Ngân hàng Nhà nước khẳng định toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại GPBank được đảm bảo theo quy định của pháp luật", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh trong thông cáo phát đi lúc 12h trưa nay.

Quyết định trên được đưa ra sau 3 lần đại hội cổ đông liên tiếp của GPBank trong cuối tháng 6 và đầu tháng này.

gpbank.jpg

Lễ công bố chuyển đổi mô hình GPBank từ ngân hàng cổ phần thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu tại Ngân hàng Nhà nước sáng nay. 

Theo thông cáo này, từ năm 2012, thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện nhiều yếu kém, rủi ro trong hoạt động của GPBank. Ngân hàng thua lỗ trong kinh doanh, âm vốn chủ sở hữu và quản trị, điều hành kém hiệu quả. Trong ba năm qua, GPBank được tạo điều kiện để tự tái cơ cấu, song theo Ngân hàng Nhà nước đơn vị đã không trình được phương án khả thi và tiếp tục bộc lộ nhiều yếu kém. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đưa GPBank vào diện kiểm soát đặc biệt, đồng thời yêu cầu thuê tổ chức độc lập kiểm toán và định giá tài sản để xác định giá trị thực của vốn điều lệ, từ đó tăng vốn đảm bảo an toàn hệ thống đúng quy định.

"Qua ba lần tổ chức, đại hội cổ đông bất thường của GPBank không thành công, ngân hàng cũng không đề xuất được giải pháp khả thi về tăng vốn điều lệ", Ngân hàng Nhà nước chob iết.

GPBank là trường hợp thứ ba được mua lại với giá 0 đồng, sau Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank). Hai trường hợp trước, Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng biện pháp bắt buộc này sau khi lãnh đạo các ngân hàng này bị bắt giữ và lộ ra nhiều sai phạm. GPBank từng được kỳ vọng bán toàn bộ cho nhà đầu tư nước ngoài, nếu thành công sẽ là ngoại lệ về room cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, thương vụ này không thành công.

Nguồn Vnexpress