Morgan Stanley thu được gì khi giúp SCIC bán vốn tại Vinamilk?

ngày 25/10/2016

Nhận mức phí thấp hơn nhiều những thương vụ tại Mỹ hay châu Âu, song Morgan Stanley và các nhà môi giới khác đang trông đợi vào tiềm năng lớn của thị trường vốn tại Việt Nam.

Theo Financial Times, Morgan Stanley vừa chấp thuận mức phí 25.000 USD cho việc tư vấn SCIC bán 9% cổ phần Vinamilk (tương đương hơn 800 triệu USD). Trước đó, khi tư vấn thương vụ hãng công nghệ sinh học Monsato mua Bayer trị giá 66 tỷ USD, hãng này nhận về kỷ lục 120 triệu USD.

Các nhà băng không tham gia thương vụ Vinamilk khá ngạc nhiên vì mức phí này, trong khi Morgan Stanley từ chối bình luận về sự việc.

"Morgan Stanley sẽ không kiếm được gì từ bên phát hành", đại diện một ngân hàng từng muốn tham gia vào thương vụ cho biết. Ông tiết lộ ngân hàng của mình sẵn sàng chấp nhận mức phí ban đầu thấp, do khả năng kiếm được phí môi giới từ thương vụ này. "Chính phủ nắm 45%. Hiện họ mới bán 9%, nên sẽ còn có thêm nữa", người này cho biết.

morgan-stanley-thu-duoc-gi-khi-giup-scic-ban-von-tai-vinamilk

Bán vốn tại Vinamilk đợt đầu năm 2016, Nhà nước có thể thu về hơn 8.000 tỷ đồng.

Phí môi giới là một phần giao dịch. Trong trường hợp này, nó sẽ đánh vào người mua cổ phiếu Vinamilk. Khoản thanh toán này có thể tương đương 1% thương vụ, có nghĩa Morgan Stanley và các hãng môi giới khác như SSI hay VinaCapital có thể nhận tổng cộng 8 triệu USD.

Morgan Stanley vẫn dẫn đầu trong nhóm các ngân hàng tham gia tư vấn bán cổ phần tại châu Á năm nay, trừ hai thị trường Nhật Bản và Trung Quốc. Theo Dealogic, họ đã thu về 119 triệu USD tiền phí.

Châu Á - Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản, là khu vực duy nhất có phí ngân hàng đầu tư tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm nay, theo Thomson Reuters. Tuy nhiên, khoản phí tại thị trường này vẫn khá thấp so với Mỹ và châu Âu.

Một số ngân hàng đầu tư, như Barclays, RBS và Deutsche Bank đã giảm nguồn lực tại khu vực này. Goldman Sachs gần đây đã cắt 15% nhân lực mảng ngân hàng đầu tư tại châu Á.

Tuy nhiên, Việt Nam đang trở thành điểm nóng với các nhà băng, do Chính phủ lên kế hoạch bán bớt cổ phần các công ty đang nắm giữ. Các doanh nghiệp được chờ đợi sẽ có đợt bán cổ phần sắp tới là Habeco và Sabeco.

Hiện 45% cổ phần Vinamilk nằm trong tay Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). 11% thuộc sở hữu TCC Assets - công ty của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi.

Nguồn Vnexpress