Lợn hơi giá bèo, vì sao dân thành phố vẫn mua đắt gấp 10 lần?

ngày 29/04/2017

Mặc dù giá lợn hơi siêu rẻ, chỉ 10.000 đồng/kg, nhưng tại nhiều nơi, giá thịt lợn vẫn không hề rẻ, có nơi bán tới 100.000 đồng/kg.

Tại buổi giao lưu trực tuyến "Giải cứu ngành chăn nuôi lợn” diễn ra từ sáng 28/4, nhiều vấn đề liên quan đến việc giá lợn hơi rẻ như "bèo" đã được các chuyên gia giải đáp.

Mặc dù giá lợn hơi siêu rẻ, chỉ 10.000 đồng/kg, nhưng tại nhiều nơi, giá thịt lợn vẫn không hề rẻ, có nơi bán tới 100.000 đồng/kg.

Đội giá do khâu trung gian

Trả lời vấn đề này, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: "Không phải đến giờ con lợn mới là điển hình của tình trạng này. Chúng ta đã có nhiều ví dụ điển hình ở hàng nông sản, như khi được mùa thì mất giá".

Hinh anh

 Giá lợn hơi rẻ như "bèo".

Vấn đề đặt ra là ở Việt Nam là vấn đề phân chia lợi nhuận trong ngành thịt lợn chưa công bằng, chưa kiểm soát được.

Mặc dù bà con nông dân bán lợn rất rẻ, có thể xuống đến 10.000 -15.000 đồng/kg, nhưng người dân vẫn phải mua thịt với giá không giảm nhiều sau khi đã thành phẩm, giá thành rơi vào các khâu trung gian rất lớn mà không đi trực tiếp vào người sản xuất ra sản phẩm ấy.

"Chúng ta nên học tập mô hình ở Thái Lan, phải đưa ra tỷ lệ lợi nhuận cho chuỗi sản xuất thịt lợn như: Người sản xuất được hưởng không quá 70 % giá trị gia tăng của sản phẩm, khâu trung gian được hưởng không quá 30%. Chúng ta có thể áp dụng để bình đẳng hơn chuỗi giá trị", ông Chinh đặt vấn đề.

Ông Ngô Thành - Tổng Giám đốc Công ty ABC Global cũng cho rằng, giá lợn đến tay người tiêu dùng bị đẩy lên quá cao do khâu dịch vụ.

Ông Thành lấy dẫn chứng, giá thành lợn tại Trung Quốc không thay đổi, nhưng giá thành trung gian về xuất lợn ở Việt Nam đội lên quá nhiều. Ví dụ, vận tải có thể đội lên 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Vì sao dư thừa lợn hơi?

Liên quan đến việc dư thừa lợn hơi có phải do Trung Quốc hạn chế nhập khẩu lợn từ Việt Nam không? Ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: "Hiện Việt Nam và Trung Quốc chưa có thỏa thuận xuất khẩu lợn chính thức. Tuy nhiên, những năm gần đây Việt Nam vẫn xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch.

Theo thống kê, năm 2016, Việt Nam có tổng số 4,170 triệu con lợn, trong đó đàn lợn sữa chiếm hơn 3 triệu con, còn lại là lợn thương phẩm. Số lượng lợn xuất sang Trung Quốc so với tổng đàn hơn hiện nay chiếm chưa đến 10%, và số lượng lợn xuất khẩu sang nước họ đa phần là lợn nhỏ, lợn sữa.

Có thể thấy rằng, thị trường tiêu thụ chính vẫn là trong nước. Để ký kết hợp đồng xuất khẩu lợn, giữa Việt Nam Trung Quốc xuất phải có lộ trình cụ thể.

Còn theo ông Ngô Thành - Tổng Giám đốc Công ty ABC Global, hiện tại nhu cầu xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc rất lớn, trung bình 1 tuần công ty ông vẫn xuất đi vài chục container, đau lòng là những sản phẩm đó không phải chúng tôi mua ở Việt Nam, mà công ty ông phải mua sản phẩm ở nước ngoài như Đức, Hà Lan để xuất đi. Vấn đề ở cơ chế trung gian, thủ tục hành chính ở Việt Nam rất phức tạp, cộng chi phí rất cao.

"Khoảng 2 - 3 năm trước Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều lợn Việt Nam vì chăn nuôi của họ lâm vào đại dịch thiếu hụt nguồn cung lợn. Cuối năm vừa rồi, các nhà máy chăn nuôi của Trung Quốc đã bình ổn trở lại, nhu cầu nhập lợn hơi giảm đi nhiều", ông Ngô Thành nói.

Nguồn VTC News