“Liệt sĩ trở về”: “Thế này là sướng lắm rồi!”

ngày 28/07/2013

(Dân trí) - Hôm nay 27/7, cả nước thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến các thương binh, liệt sĩ. Với ông Phan Hữu Được, hôm nay cũng là ngày vô cùng đặc biệt: Lần đầu tiên sau 40 năm bước ra khỏi cuộc chiến, ông được công nhận danh phận một thương binh.
 >>  “Liệt sĩ trở về” được nhận thẻ thương binh

 Những tháng ngày chưa kể...
 

Ông Ngô Văn Đào, người anh nuôi của ông Được, từng kể: “Chú ấy chịu đựng giỏi lắm. Hồi ở với tôi mỗi lần vết thương hành là im lặng lê ra vườn nằm một mình. Có lúc đau nặng quá sốt cao lên cơn co giật, sùi cả bọt mép, lúc ấy mới gọi “anh Hai ơi”. Lúc đấy tôi cũng chỉ biết lấy tỏi giã ra đắp vào vết thương cho em chứ mấy khi mà được thuốc thang, chữa trị”.

 

Nghe ông Đào nhắc lại chuyện cũ, lúc đó ông Được cười, phân bua: “Khi gặp được anh Hai còn có người giã tỏi đắp giảm đau cho, có người nấu cháo cho mà húp. Hồi em đi lang thang ở chợ Tân Biên, phụ bàn, rửa bát ở ngoài huyện còn khổ hơn nhiều...”.
 


Ông giận nhất những lúc người ta không tin ông là lính.
Ông giận nhất những lúc người ta không tin ông là lính.

 

Câu chuyện về những ngày tháng ông chưa gặp ông Đào lần lượt hiện về. Đó là những mùa lạnh kéo dài khiến cho cái đầu gối ông sưng lên không bước được. Ông phải ngồi bệt xuống kéo lê chân đi đến mấy quán cơm mà ngày thường ông chạy bàn, chờ xin bữa cơm thừa của khách. Ông vẫn cho mình là người may mắn vì có vài lần ông đổ bệnh, chủ quán đã lấy thêm cơm mới cho ông ăn. Với lòng tự trọng của một người lính, sau khi bớt bệnh, ông lại trở lại cũng quán ăn đó, xin làm việc để trả ơn cho những bữa cơm.

 

Sau này, khi đã trở thành người em “Năm Khùng” của ông Đào, những ngày bị bệnh tật hoành hành, ông vẫn cố gắng đi làm, theo đám thanh niên đi làm cỏ cao su. Ông đi không được, người ta thương tình dìu theo. Ông làm không được, người ta vẫn trả công đầy đủ cho ông. Đang kể ông bất chợt dừng lại: “Đói không sợ, đau không lo, nhưng mà bực nhất là mấy kẻ ba xàm. Mỗi lần uống rượu vào chú khoe chú là lính, họ lại mắng chú là đồ khùng”.

 

Trong câu chuyện chốc chốc ông lại nhăn mặt, co người lại nghe như có một cơn đau chạy qua. Hỏi ông có cần bác sĩ không, ông gạt đi: “Thôi, mình đã làm được gì cho họ đâu, phiền người ta chi nhiều. Thế này là sướng lắm rồi. Đau mấy bữa nó hết. Chú hiểu nó, đau vậy chứ không chết được đâu. Miết quen rồi”.

 

Hiểu được sự áy náy của mọi người nên ông cố nhấn mạnh: Thế này là sướng lắm rồi! “Ngày xưa đau ốm chú  không có cả cơm mà ăn chứ đừng nói là thuốc, nằm vật trên cái  phản bán thịt ở góc chợ. Giờ được nằm phòng mát, nệm êm, các bác sĩ chữa bệnh. Có mấy đứa cháu rồi biết bao nhiêu là người tới thăm thì quá sướng rồi. Cứ tưởng cứ kiếm ăn ở trong Tây Ninh, được sống ngày nào biết ngày đấy rồi chết, chứ chú cũng chả hy vọng gì trở về quê, đừng nói là được nhận chế độ thương binh”.
 
Ông Được lang thang trong nghĩa trang liệt sĩ tìm những người đồng đội cũ
Ông Được lang thang trong nghĩa trang liệt sĩ tìm những người đồng đội cũ

 

Những cuộc điện thoại đầy nước mắt

 

Khi những thông tin về ông Phan Hữu Được đăng tải trên Dân trí, tất thảy người dân khu vực huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đều ngỡ ngàng. Họ không thể tin được người đàn ông “khùng khùng” lâu nay đi làm thuê, làm mướn, có khi phải đi xin ăn, lại là một “liệt sĩ” từng chiến đấu vì dân tộc. Từ số điện thoại của anh Lợi, cháu ruột ông Được đăng tải trên báo Dân trí, rất nhiều người đã gọi điện thông tin về cuộc sống vô cùng bất hạnh của ông Được suốt 40 năm lang thang.

 

Chị Nguyễn Thị Như Cơ ở tổ 7, ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, kể, lần đầu tiên chị gặp ông Được là lúc ông quét chợ Tân Biên cách đây chừng 20 năm. Hôm đấy chị và con gái 8 tuổi đi chợ. Hai mẹ con chị nhìn thấy người đàn ông gầy còm, kéo lê đôi chân sưng vù quét chợ. Cô con gái đã xin chị 2 nghìn đồng để chạy tới cho ông. Nhưng kỳ lạ thay ông không nhận mà còn vui vẻ bảo cháu cầm lấy mà mua kẹo. Bẵng đi mấy năm sau, chị lại gặp ông khi ông đang dắt một cái xe máy cà tàng của một chủ vườn đi đổ xăng. Ông không có tiền, ông tập tễnh dắt xe đi dọc đường xin mua chịu nửa lít xăng, vài bữa nữa lấy tiền công sẽ trả. Nhưng chả ai bán cho ông vì họ bảo ông nghèo lắm, lại khùng khùng biết thế nào mà tin. Chị Như Cơ khi ấy đã mua tặng ông chai xăng, nói ông không cần trả tiền. “Nói vậy nhưng sau đấy ít hôm chú ấy đã tìm tôi trả tiền. Từ đấy mỗi đêm xuống ông vẫn hay ngủ nhờ lại trên sạp bán hoa quả của tôi. Có đêm mưa gió ông đau, ông rên dữ lắm. Thương ông nhưng chẳng biết ông là ai, ở đâu để mà tìm người thân cho cả”, chị Như Cơ kể. Qua điện thoại, chị nhắn nhủ: “Hãy chăm sóc và bù đắp cho ông thật nhiều. Ông đã sống những ngày tháng quá cơ cực, đói rét, lam lũ, đau đớn và có khi cả nhục nhã nữa”.

 

Không chỉ có chị Như Cơ, ngày càng có nhiều cuộc điện thoại của người dân Tây Ninh điện ra hỏi thăm sức khỏe ông Được. Có một cụ bà tuổi cao gọi cho anh Lợi chỉ để nhắn một câu: “Mai mốt ông khỏe, anh cho ông vào đây thăm lại mọi người. Chúng tôi muốn gặp lại ông để nói một lời xin lỗi, để cầm tay ông gửi một lời cảm ơn”.
 
Lãnh đạo Công an Ninh Bình về Hải Phòng thăm ông Được trong ngày 27/7.
Lãnh đạo Công an Ninh Bình về Hải Phòng thăm ông Được trong ngày 27/7.

 

Hôm nay, tại nhà anh Lộc, người nuôi dưỡng ông Được, nườm nượp người tới thăm, chúc mừng ông khỏe mạnh trở về, chúc ông được nhận thẻ thương binh, đúng ngày thương binh liệt sĩ.  Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình - Thiếu tướng  Phạm Đức Hòa và Đại tá Đinh Quanh Vinh - Phó Giám đốc công an tỉnh đã cùng các chiến sĩ của đơn vị không quản đường dài, mưa gió về tận Tiên Lãng gặp mặt người thương binh Phan Hữu Được, gửi tặng ông 20 triệu đồng trong không khí ấm áp và xúc động.

 

Ông Phan Hữu Được (sinh 1949) sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạnh. Ông thuộc diện miễn nghĩa vụ quân sự nhưng vì tinh thần yêu nước nồng nàn ông đã thay tên đổi họ, giảm năm sinh và chia tay người vợ sắp cưới để xung phong ra chiến trường. Vì thế ông còn có tên khác là Phạm Văn Được (sinh 1952).

Năm 1975, đất nước thống nhất, ít lâu sau gia đình nhận được giấy báo tử của ông. Nhưng sau 40 là liệt sĩ, ông bất ngờ trở về với một cơ thể đầy bệnh và một trí nhớ không bình thường. Vì thế thẻ thương binh vừa được cấp cho ông vẫn được để tên Phạm Văn Được, theo đúng tên trên giấy báo tử trước đây.

 

 

Thu Hằng

Xem thêm :Tân Biên, Tây Ninh, Ninh Bình, xăng, Liệt, Hải Phòng, Công an, Tiên Lãng, đổ bệnh, chạy bàn

{fcomment}