Làm VAC trên đá cuội, hứa hẹn những mùa vàng

ngày 22/11/2019

Chủ tịch HLV huyện Bố Trạch (trái) cùng ông Lợi thăm vườn khu vườn của gia đình.

Hoặc, có hộ may mắn hơn, được trồng trên đất đồi trung du, nhưng tất cả đều phải vượt qua muôn vàn khó khăn, để có những mùa vàng bội thu.

Mùa vàng từ đá cuội

Ông Trần Văn Thuận (thôn Kim Sen, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) cho biết, ông có 2ha đất trồng keo trên đồi đá cuội. Cách đây 4 năm, thấy keo thu nhập thấp, 5 năm chỉ được 20 triệu đồng, vì vậy, năm 2015, ông quyết định chuyển 1ha sang trồng cam, chanh, ổi. Năm 2018, ổi đã có thu hoạch; cam, chanh đang cho quả bói.

Nếu bạn hỏi những vất vả, khó khăn của người dân nơi đây khi chuyển đổi cây trồng, trên đồi toàn đá cuội, thì đều nhận được câu trả lời: bão tố thường xuyên, cây bị đổ nhiều; đất cằn, bạc màu, chủ yếu là đá cuội. Mặt khác, ruộng nhiều bậc thang, bề rộng chỉ 6m, dài 100m, cao 2m, rất khó canh tác, nhất là khi thuê máy đào, xới đá sỏi, để san ủi mặt bằng. Phải mất 70-80 triệu đồng tiền công và hơn nửa tháng ròng rã, mới đào hết được 4-5 xe tải đá cuội, chuyển ra làm hàng rào xung quanh vườn.

Sau khi có mặt bằng sạch, ông Thuận trồng 120 cây cam mật; năm 2018, cây cho quả bói, khoảng 70-80kg/cây, dự kiến năm 2020 sẽ đạt 1 tạ/cây; bán với giá bình quân 50.000 đồng/kg. Chanh đào 70 cây, bình quân thu hoạch 50kg/cây, giá 40.000 đồng/kg. Chanh 300 cây, cho trái quanh năm; trung bình cho thu hoạch 50kg/cây, vào chính vụ, giá 10.000 - 12.000 đồng/kg, trái vụ 30.000 đồng/kg. Ổi lê 50 cây, ra quả quanh năm, thời kỳ cho quả bói 20-30kg/cây, vài năm sau đạt 1 tạ/cây, giá bình quân 20.000 đồng/kg.

“Toàn bộ khu vườn chuyển đổi 1ha này, chỉ do 2 vợ chồng chăm sóc, phải vài năm sau mới có lãi; nguồn vốn và công sức bỏ ra ban đầu lên tới 400 -500 triệu đồng. Còn lại 1ha keo, phải lấy ngắn nuôi dài, chờ vườn quả bên này có lãi, sẽ tiếp tục cải tạo, để chuyển sang cây/con thích hợp”, ông Thuận cho biết.

May mắn hơn ông Thuận, ông Lê Quang Lợi (thôn Tân Định, xã Phú Định, huyện Bố Trạch) có 2ha đất đỏ, trong đó trồng 1ha tiêu; diện tích lâu nhất trồng trên 25 năm, loại mới nhất, cách đây 3-4 năm. 1ha còn lại trồng na và vải, không ngờ, đây là những cây ăn quả đã đem lại cho ông mùa vàng bội thu.

“1ha cây ăn quả cho thu nhập khá ổn định. Với trên 1.000 gốc na, đã cho thu hoạch 100 gốc; vải thiều khoảng 150 cây, năm 2018, thu hoạch từ 20 cây đạt 48 triệu đồng, trong đó có cây 23 năm tuổi cho thu 3 tạ/cây.

Ngoài ra, trong vườn còn có 25-30 đàn ong, 1 ao nuôi cá rộng 2 sào (1 sào Trung Bộ = 500m2). Nhờ nắm bắt thời cuộc và đầu tư đúng hướng, doanh thu đạt 200 - 250 triệu đồng/năm. Khu vườn thường xuyên được các cấp Hội Làm vườn và các đơn vị bạn đến thăm, giao lưu, học hỏi”, ông Lợi cho biết.

Cán bộ Hội tâm huyết, năng động

Được biết, phong trào kinh tế VAC và trang trại ở Quảng Bình thời gian qua khá phát triển. Đáng ghi nhận là Hội Làm vườn đã kịp thời phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Quảng Ninh mở 2 lớp đào tạo nghề nuôi ong và phòng trị bệnh cho gia cầm ở xã Trường Xuân; nghề tạo dáng và chăm sóc cây cảnh tại xã Lương Ninh. Đồng thời, hỗ trợ 15 triệu đồng cho mô hình tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả của gia đình ông Thuận (xã Trường Xuân) với quy mô 2ha cây ăn quả các loại.

Ngoài ra, Hội Làm vườn Việt Nam cũng hỗ trợ xã Duy Ninh bị ô nhiễm môi trường biển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP, quy mô 1,5ha/2 hộ, tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng; Trung tâm Dịch vụ VACVINA tổ chức tập huấn, cung cấp giống, thức ăn, và chế phẩm sinh học Biowit cho các hộ tham gia mô hình. Hiện, tôm đang sinh trưởng và phát triển tốt, đáp ứng yêu cầu đề ra.

Chủ tịch HLV Quảng Bình, ông Hoàng Văn Mịn, cho biết: “Mặc dù đa phần hội viên phải canh tác VAC trên vùng đất khó, tận dụng, song điều đáng ghi nhận là, Hội đã xây dựng được khá nhiều sản phẩm nông sản. Ví như: HLV huyện Tuyên Hóa trồng được 139ha rừng, trong đó có 3ha gỗ quý; 55,45ha cây ăn quả các loại; 100,9ha cỏ chăn nuôi; hơn 20ha rau an toàn.

HLV huyện Lệ Thủy xây dựng nhãn hiệu cho 6 sản phẩm gồm: Mướp đắng; tinh dầu sả; gà đồi; cam mật; tinh bột nghệ; hạt nén (hành tăm) tại 13 xã, với tổng kinh phí 178 triệu đồng (ngân sách huyện hỗ trợ).

Đặc biệt, HLV huyện Quảng Ninh trồng được 5.100 cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; 1.900 cây phân tán; cây bóng mát. 100% hội viên có vườn dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Quảng Ninh đã và đang xây dựng nhiều vườn mẫu theo tiêu chuẩn”.


Nguồn: Báo KTNT