Kinh hoàng vào ổ dịch tiêu chảy cấp ở Sài Gòn

ngày 01/08/2014

Không có nhà vệ sinh, 3-4 hộ dân phải đi chung 1 cầu tiêu làm ngay trên hồ cá là những gì đang diễn ra thường ngày ở khu vực Lô 1.9 (ấp 1, Lê Minh Xuân, Bình Chánh, TPHCM). 

“Không điện, không nước và không nhà vệ sinh” là cuộc sống của những người dân ở khu vực Lô 1.9, nơi vừa xảy ra ổ dịch tiêu chảy cấp. Chị Hồ Thị Anh Đào, 27 tuổi, vừa trải qua những ngày mệt nhoài khi đứa con 11 tháng tuổi phải vào viện do bị tiêu chảy, bức xúc: “Không biết bao giờ dân như chúng tôi mới hết khổ”.

Chị Đào theo bố mẹ đến sống khu vực này hơn 20 năm và thuê đất của nông trường Láng Le để mưu sinh. “Nghe đâu quy hoạch đã chục năm nay nên người dân ở đây không được xây dựng kiên cố, điện nước cũng không”, chị Đào nói.

Điện và nước chị phải kéo nhờ nhà đầu đường chính, cách đó hơn 500 m. Nước chị phải mua với giá trên 25 ngàn đồng/m3, điện cũng gấp gần chục lần giá nhà nước. Tính cả điện với nước, trung bình chị phải trả gần 1 triệu đồng/tháng.

“Còn nhà vệ sinh, do nằm trong quy hoạch nên không được xây, bất đắc dĩ, vợ chồng tôi phải làm một chiếc cầu tiêu ngay trên hồ cá”, chị Đào nói.

 

Cầu tiêu  đi trên ao cá và ngay trước mặt nhà của chị Đào.
Cầu tiêu đi trên ao cá và ngay trước mặt nhà của chị Đào.

 

Ngoài đứa nhỏ mới bị bệnh tiêu chảy vừa được xuất viện, đứa lớn con chị Đào là cháu Trần Minh Khang (sinh năm 2008) cũng phải nằm viện liên tục theo mùa. Theo chị Đào, năm nào con chị cũng phải thay 2- 3 cuốn sổ khám bệnh bởi hết sốt rồi đến tay chân miệng, tiêu chảy và các bệnh đường ruột liên miên.

Tiêu chảy liên miên

Điều tra dịch tễ từ Viện Pasteur TP.HCM những ngày qua cho thấy xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh là nơi mà dịch tiêu chảy xảy ra liên tiếp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, nơi đây có 75 trường hợp tiêu chảy cấp trong tổng số gần 300 ca ở huyện Bình Chánh. BS Phan Công Hùng - phụ trách Khoa kiểm soát dịch bệnh của Viện Pasteur TP.HCM cho biết, tháng nào cũng ghi nhận ở xã này xảy ra tiêu chảy khiến trẻ phải nhập viện.

“Nơi xảy ra ổ dịch tiêu chảy cấp là một khu dân cư tự phát với 31 hộ dân, thuộc khu vực quy hoạch treo”, BS Hùng cho hay. Ghi nhận từ dịch tễ cho thấy các hộ dân ở trong ổ dịch chủ yếu làm nghề nuôi cá tại các ao xung quanh nhà và nuôi heo, gà, vịt, ngỗng thả rông. Nước ao hồ không lưu thông trong khi chất thải của gia súc, gia cầm và của người xả trực tiếp xuống ao nuôi.

Đó cũng là lý do mà trong vòng hai tuần vừa qua nơi đây có đến 15 người ở 8 hộ gia đình có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy nhiều lần trong ngày. Trong đó, 3 trường hợp đầu tiên nhập viện BV Nhi đồng 1, một ca tử vong. “Chúng tôi ghi nhận 2-3 ngày lại xuất hiện một ca bệnh tiêu chảy mới trong ổ dịch”, BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM nói.

BS Phan Trọng Lân cho rằng có mối liên quan giữa các ca bệnh. “50% ca bệnh tập trung tại các hộ gia đình gần nhau, có quan hệ họ hàng, chơi chung và ăn uống chung với nhau nên nguy cơ lây lan từ đây”, BS Lân phân tích.

Để tìm nguyên nhân nguồn bệnh xuất phát và lây lan, Viện Pasteur TP.HCM đã lập danh sách theo dõi điều tra 29 người thuộc 11 hộ bao gồm 10 ca bệnh và 19 người tiếp xúc, đồng thời lấy mẫu 2 ca bệnh và 5 ca tiếp xúc cùng 15 mẫu nước, phân, cá… từ môi trường tại các hộ có ca bệnh để xét nghiệm. “Hiện vẫn đang chờ kết quả”, bác sĩ Lân cho biết.

Tiền Phong

{fcomment}