Kích cầu tín dụng: Ngân hàng vẫn miệt mài

ngày 06/09/2014

7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 3,68%, chưa đi được 1/3 chặng đường so với mục tiêu 12 – 14% mà NHNN đề ra trong năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng, do nợ quá hạn vẫn tiếp tục tăng nên các ngân hàng không dám đẩy mạnh cho vay và siết lại điều kiện vay vốn.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Thực tế không phải như vậy, các ngân hàng chính là đối tượng mong muốn được cho vay nhất, bởi vậy thị trường mới ngập thông tin về những gói tín dụng với lãi suất ưu đãi chưa từng có. Ví như Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) dành gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất vay ưu đãi tối thiểu 8,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên. Chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mua/xây/sửa chữa nhà, mua xe và tiêu dùng cá nhân.

Ngoài ra nhiều ngân hàng như MB, BIDV ACB, Techcombank, SeABank, HDBank, LienVietPostBank, OceanBank… cũng tung ra những gói lãi suất ưu đãi, thậm chí có ngân hàng còn miễn lãi trong mấy tháng đầu.

Câu hỏi đặt ra, tại sao nhiều gói ưu đãi được tung ra như vậy nhưng tín dụng lại tăng rất thấp? Có phải các ngân hàng chỉ “treo” lãi suất như vậy chứ khi tiếp cận lại rất khó khăn? Về vấn đề này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc các ngân hàng tung ra những gói ưu đãi với hàng nghìn tỷ đồng như vậy, xem có vẻ là nhiều, nhưng trên thực tế, nó chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng dư nợ toàn hệ thống.

Hơn nữa, trong điều kiện tăng trưởng tín dụng khó khăn như hiện nay do sức cầu yếu thì việc các ngân hàng chỉ “treo” ưu đãi là không có. Ngân hàng không thể “ôm” tiền nằm im trong két sắt không sinh lời trong khi vẫn phải trả lãi vay vốn từ khách hàng mỗi ngày.

“Ngân hàng là đối tượng muốn tín dụng tăng mạnh nhất, nhưng để cho vay được thì phải có những DN có sức khỏe tốt và phải hấp thụ được vốn; DN phải có những dự án kinh doanh khả thi để có khả năng trả được cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng. Đây là điều kiện tiên quyết, một mình ngân hàng không thể tự đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng”, vị chuyên gia này bình luận.

Cùng quan điểm trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng để kích tín dụng đôi khi không cần phải là giải pháp từ phía ngân hàng mà vẫn có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể, tiếp tục miễn giảm thuế một đợt nữa, khuyến khích DN đầu tư… giúp DN tiết kiệm được chi phí và thời gian cho thủ tục thuế, hải quan để họ thấy phấn chấn hơn trong kế hoạch mở rộng kinh doanh.

Về vấn đề “treo” gói tín dụng, nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng khẳng định là không có chuyện đó, các ngân hàng triển khai gói tín dụng là để kích thích nhu cầu vay vốn của khách hàng. Trên thực tế, ngân hàng cứ triển khai gói tín dụng nào là tốc độ giải ngân cũng tăng nhanh.

Ví như gói tín dụng “Vui ưu đãi dài – Mừng lãi suất giảm” của ABBANK, chương trình được triển khai từ ngày 10/7 đến hết ngày 31/12/2014, với tổng hạn mức cho vay 1.000 tỷ đồng. Theo đó, khách hàng cá nhân có nhu cầu Vay mua nhà/ đất, sửa chữa nhà; Vay mua xe ô tô; Vay sản xuất kinh doanh trả góp và Vay tiêu dùng có thế chấp tại ABBANK sẽ được áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối thiểu 8,5%/ năm trong 12 tháng đầu tiên của khoản vay. Chương trình áp dụng cho các khoản vay có giá trị từ 100 triệu đồng và kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.

Theo đại diện của ABBANK, sau 02 tháng triển khai, chương trình đã thu được tín hiệu tích cực với hàng nghìn khoản vay đã được ABBANK giải ngân. “Sở dĩ gói này được khách hàng quan tâm là vì lãi suất ưu đãi cố định trong 12 tháng đầu tiên của khoản vay. Điều này giúp cho khách hàng an tâm và chủ động hơn trong việc hoạch định cũng như cân đối nguồn tài chính của mình, khoản vay nhỏ cũng được hưởng ưu đãi”, đại diện ABBANK cho biết.

Thực tế, thời gian qua, hầu hết các chương trình khuyến khích tín dụng của ngân hàng này đều sử dụng hết hạn mức sớm hơn thời hạn triển khai.

Được biết, trong tháng 9/2014, ngân hàng này tiếp tục tung ra chương trình cho vay mới dành cho cá nhân có tên “Đầy Ưu Đãi – Đủ Niềm Vui”, được đánh giá có mức ưu đãi khá hấp dẫn. Theo chương trình này, mỗi khoản vay được duyệt và giải ngân trong thời gian triển khai chương trình, có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi tối thiểu chỉ 7,5%/năm cố định trong 6 tháng đầu tiên của khoản vay với hạn mức gói ưu đãi lên đến 700 tỷ đồng. Theo dự đoán, chương trình cũng sẽ được nhiều khách hàng quan tâm lựa chọn.

Nguồn Dân trí

{fcomment}