Cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5-2021, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tương đối lạc quan về những diễn biến kinh tế gần đây của Việt Nam nhưng cảnh báo: Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ tác động mạnh đến các động lực tăng trưởng kinh tế.
Sức chịu đựng đã đến hạn
Nếu cần duy trì hoặc thắt chặt các biện pháp hạn chế mới về y tế và đi lại, Chính phủ có thể cân nhắc xem xét một gói kích thích tài khóa mới, bao gồm một gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho người dân và doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Sau hơn một năm cầm cự trước tác động của đại dịch Covid-19, nhiều DN đang rơi vào tình trạng mất cân đối dòng tiền. Bởi dịch bệnh gây trở ngại làm phát sinh nhiều chi phí đầu vào trong khi doanh thu giảm đáng kể nhưng vẫn phải bảo đảm các khoản chi thường xuyên như trả lương cho người lao động, lãi ngân hàng, nộp thuế, phí…
Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2020, cả nước có 101.719 DN phải rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so năm 2019. Trung bình mỗi tháng có 8.500 DN rút khỏi thị trường.
Bốn tháng đầu năm 2021, số DN phải rời bỏ thị trường đã cao hơn số DN thành lập mới. Cụ thể, số DN thành lập mới là 44.166 DN, tăng 17,5% so cùng kỳ năm 2020 và là mức cao nhất trong giai đoạn bốn tháng đầu năm từ trước đến nay.
Tuy nhiên trong thời gian này tiếp tục có thêm gần 51,5 nghìn DN phải rời bỏ thị trường, tăng 23,3% so cùng kỳ. Con số DN rút lui khỏi thị trường trung bình mỗi tháng đã tăng lên hơn 12 nghìn. Phần lớn DN tạm ngừng kinh doanh thời gian hoạt động ngắn (dưới năm năm).
Báo cáo “Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với DN Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và WB công bố gần đây cho thấy, đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN và đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng.
Hơn 87% số DN được khảo sát cho biết chịu ảnh hưởng nặng nề, chỉ 11% số DN không bị ảnh hưởng và gần 2% vẫn kinh doanh tốt. Thông qua các chính sách hỗ trợ về tài khóa, năm 2020, ngân sách nhà nước đã xử lý hỗ trợ DN, người dân tổng số 128,33 nghìn tỷ đồng để ứng phó với đại dịch Covid-19. Trong đó, giá trị miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, các khoản phí, lệ phí là 111,5 nghìn tỷ đồng…
Tuy nhiên theo khảo sát của VCCI, khoảng 80% DN tham gia khảo sát phản ánh đã không nhận được gói hỗ trợ Covid-19 lần thứ nhất của Chính phủ. Nhiều DN cũng cho rằng các chính sách vẫn chưa triển khai đồng đều, còn nhiều bất cập, tiếp cận khó, nên chưa tạo động lực mạnh mẽ cho cộng đồng DN. Đây là vấn đề cần được khắc phục khi triển khai gói hỗ trợ tiếp theo.
Dư địa chính sách không còn nhiều
Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và đề xuất các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2021. PGS, TS Tô Trung Thành, Trưởng Phòng quản lý khoa học, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, sức chịu đựng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dư địa của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm. Thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn, khiến cho dư địa tác động của chính sách tài khóa sẽ bị thu hẹp lại. Trong khi đó, rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), trong bối cảnh này, Việt Nam cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro "cạn kiệt" không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế.
Năm 2021, cần tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân và kết hợp cải cách thể chế kinh tế. Các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ DN phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh mang tính dài hạn hơn cho giai đoạn 2021-2025.
Về phía cộng đồng kinh doanh, hầu hết DN đều mong muốn chính sách gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP được triển khai một cách có hiệu quả trong thực tiễn. Cùng với đó là chủ trương giữ ổn định chính sách thuế, không tăng thuế hay ra những sắc thuế mới trong vài năm tới để DN yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Một số DN đề nghị Nhà nước tính toán giảm thuế hoặc thậm chí miễn thuế thu nhập DN và duy trì chính sách này thêm trong ít nhất một năm nữa. Trong khi đó, một số DN cũng đề xuất cần miễn, giảm thuế môn bài, thuế khoán cho những hộ kinh doanh nhằm vực dậy khu vực này và khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN.
Theo những kết quả khảo sát gần đây của VCCI, chính sách về thuế vẫn là đề xuất quan trọng nhất được các DN mong muốn nhận được hỗ trợ từ Chính phủ. Về dài hạn, trong các giải pháp, ổn định môi trường chính sách thuế là nền tảng quan trọng để DN có thể tập trung phát triển, đồng thời thu hút những nhà đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: Thuế là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế xã hội, có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của DN và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, cần phải có những sắc thuế phù hợp thực tiễn và ổn định để DN yên tâm sản xuất kinh doanh, phục hồi sau dịch Covid-19.