Theo nhận định của chuyên gia, việc xóa bỏ hay di dời chợ phải có tiến độ, không phải bằng vài công văn mà xóa ngay được chợ Long Biên mà phải xây xong chợ đầu mối mới thì mới có thể di chuyển chợ đầu mối Long Biên đi; cơ chế phải rõ ràng ngay từ đầu để người dân nắm rõ và chuẩn bị.
Chợ Long Biên hiện có khoảng 1.300 tiểu thương buôn bán chính thức với các ngành hàng: rau củ, hoa quả, thủy hải sản... Ảnh: Đàm Duy
Trên không biết, dưới không hay
Có mặt tại chợ Long Biên ngày 8.7, hỏi thăm một người phụ nữ bán buôn cả đống dưa hấu ngay con đường rẽ vào chợ, phóng viên Dân Việt nhận được câu trả lời: “Xóa hay di dời gì chúng tôi không biết, không nghe, không có ai thông báo hết, chỉ thấy báo chí mấy ngày nay đưa tin ầm ầm thôi”.
Vừa bốc dưa, bà Hoa (tên người phụ nữ này) vừa giãi bày thêm: Chợ Long Biên mấy chục năm nay đã trở thành nơi kiếm miếng cơm, manh áo của hàng nghìn con người. Đùng cái thấy bảo di dời, xóa sổ khiến hầu hết bà con ngơ ngác, bức xúc.
“Tôi lên Ban quản lý chợ hỏi mà họ cũng chả có thông tin gì, chả hiểu mấy ông bộ quản lý ra văn bản quy hoạch kiểu gì mà từ trên xuống dưới không ai biết, không ai hay!” - bà Hoa nói.
Đi sâu vào chợ, chúng tôi cũng thấy những người buôn bán ở đây bàn tán, nói chuyện râm ran về việc sắp "xóa sổ" chợ Long Biên. Ông chủ ki ốt buôn hoa quả có tên Lan Trung cho hay: "Nghe di dời chợ này chúng tôi đã hoảng lại còn thấy bảo xóa sổ chợ thì đúng là “chết đứng”. “Chợ này ngoài những người buôn bán chính, có ki ốt thì còn hàng nghìn người từ các tỉnh về buôn bán. Họ thuê nhà cửa gần đây để sinh sống chạy chợ làm ăn. Nói xóa sổ chợ này thì dân biết đi đâu làm ăn? Chưa kể bao tiền đầu tư của người dân vào ki ốt chợ” - ông chủ ki ốt này cho biết.
Bà Nguyễn Thị Ánh Thịnh - Phó ban Quản lý chợ Long Biên khẳng định, hiện tại bà chưa nhận được bất cứ thông tin gì về việc Bộ Công thương phê duyệt quyết định xóa bỏ hoặc di dời chợ đầu mối Long Biên.
“Các tiểu thương đổ lên Ban quản lý chợ thắc mắc, phàn nàn với chúng tôi suốt về việc chợ Long Biên sẽ bị xóa sổ, bản thân tôi cũng không rõ, phải vào mạng đọc báo mới biết” - bà Thịnh cho hay.
Không cẩn thận sẽ thất bại
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (chuyên quản lý về lĩnh vực chợ của Hà Nội trước đây) nêu thực tế rằng, lâu nay những việc các cơ quan Nhà nước làm liên quan mật thiết đến dân kế, dân sinh đều hiếm khi hỏi ý kiến người dân, việc xóa sổ chợ Long Biên hiện nay là một ví dụ khiến người dân bức xúc.
Theo ông Phú, thành phố hiện đại phải có chợ đầu mối, cung cấp hàng hóa cho bán lẻ với mục tiêu đảm bảo chất lượng hàng hóa, cắt bớt khâu trung gian, làm lợi cho người tiêu dùng và xã hội.
Các chợ đầu mối thường phải đảm bảo diện tích 10-20ha, có bãi đỗ xe, trung tâm kiểm nghiệm, ki ốt bán hàng, hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh và các dịch vụ đi kèm. Chợ đầu mối cũng phải đảm bảo sự thuận tiện “nhất cận thị (gần đô thị), nhị cận sông (gần sông)”. Chợ Long Biên đã tồn tại hàng chục năm nay nhưng đều chưa đạt tiêu chuẩn của một chợ đầu mối.
Ông Phú cho rằng, Hà Nội cần phải có ít nhất 4 chợ đầu mối ở 4 cửa ô. Nhưng với đất đai thành phố Hà Nội chật hẹp thế này, các chợ đầu mối sẽ phải “đẩy” đi xa 15-20 km. Quan điểm của ông Phú về di dời chợ đầu mối Long Biên là phù hợp nhưng nên để chợ này thành chợ dân sinh. “Chúng ta xóa bỏ hay di dời chợ phải có tiến độ, không phải bằng vài công văn mà xóa ngay được chợ Long Biên. Bởi nhiều người dân đang làm ăn sinh sống, hàng hóa ở chợ này đang vận hành đi khắp Thủ đô. Chúng ta phải xây xong chợ đầu mối mới thì mới có thể di chuyển chợ đầu mối Long Biên đi” - vị chuyên gia này chia sẻ.
Ông Phú cũng chỉ ra những bài học thất bại nhãn tiền về việc di dời, xây mới chợ đầu mối của Hà Nội như chợ đầu mối Bắc Thăng Long đang chở thành nơi “vặt lông gà lông vịt, có ai vào chợ đâu”. Hay Hà Nội cũng đã thất bại với không ít trung tâm thương mại xây xong để đấy không có người vào buôn bán. “Vì thế việc di dời, xóa bỏ chợ Long Biên không thể làm vội vã được” - ông Phú nói.
Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, các quy hoạch về chợ hiện nay được “vẽ như chiếu hoa", từ siêu thị, trung tâm thương mại đến chợ nhưng hoàn toàn không tính đến người dân - chủ thể của những quy hoạch này sẽ làm ăn, buôn bán thế nào.
Quy hoạch chợ của Bộ Công Thương cũng mới chỉ là “bánh vẽ” chứ chưa rõ tiền vốn, cơ chế đầu tư, ai thực hiện các quy hoạch này. “Cứ đi mây về gió trong các quy hoạch thì việc di dời chợ Long Biên không cẩn thận sẽ lại thất bại” - ông Thắng nói.
Theo các chuyên gia, thay đổi một khu chợ phải có các cơ chế rõ ràng ngay từ đầu để người dân nắm rõ và chuẩn bị. Người dân cũng phải được tham gia vào các thiết kế chợ mới cho phù hợp. Chợ phải rộng, thuận tiện giao thông, có đủ cơ sở hạ tầng. “Chúng ta không thể bắt ép dân khi chưa có sự chuẩn bị chu đáo nào cho việc di dời chợ Long Biên” - ông Thắng nói.
Theo Ban quản lý chợ Long Biên, hiện chợ Long Biên có khoảng 1.300 tiểu thương buôn bán chính thức với các ngành hàng gồm: rau củ, hoa quả, thủy hải sản. Các mặt hàng nông sản từ khắp các tỉnh thành đều được đổ về chợ này để phân phối cho các chợ bán lẻ trong thành phố. Song Ban quan lý chợ khẳng định: Chợ Long Biên không phải là chợ đầu mối, từ năm 2007, thành phố đã quy định chợ này là chợ loại 2 (tức chợ dân sinh) và chợ do UBND quận Ba Đình quản lý trực tiếp. Ngoài ra, chợ cũng đang được UBND quận Ba Đình cho nâng cấp, cải tạo và sửa chữa do UBND quận làm chủ đầu tư. Dự kiến từ nay đến trước Tết Nguyên đán sẽ cải tạo sửa chữa xong để cho tiểu thương thuận lợi buôn bán hàng hóa dịp Tết.
Mới đây nhất, theo Quyết định số 6481/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc giai đoạn từ năm 2015-2025, tầm nhìn đến năm 2035 của Bộ Công Thương, Hà Nội sẽ giữ nguyên chợ đầu mối Minh Khai (Bắc Từ Liêm), xóa bỏ di dời chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) giai đoạn đầu tư 2021-2025, chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình) 2015-2020.
Đồng thời sẽ xây mới 3 chợ đầu mối nông sản tại xã Phủ Đổng huyện Gia Lâm, phân kỳ đầu tư 2015-2020, chợ đầu mối nông sản tại Quốc Oai từ 2021-2025, chợ đầu mối nông sản tại Phú Xuyên 2021-2025.
Ngoài ra, trong Quyết định của Bộ Công thương mới phê duyệt cũng cho thấy, Hà Nội sẽ giữ nguyên chợ hạng 1 bao gồm: chợ Đồng Xuân, chợ Bưởi, chợ Mơ, chợ Hà Đông, chợ Nghệ, chợ Thị trấn Vân Đình.
Nguồn 24h
-
Quy định mới đối với việc gửi vàng tại ngân hàng
-
Hộp quà Tết doanh nghiệp chỉ dưới 500k tại Thăng Long Plaza
-
Thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp dưới góc nhìn của nhà tư vấn
-
Bạn đang tự làm hại cả nhà bằng cách ăn uống này!
-
Thanh toán thẻ - muốn dùng cũng khó
-
Làng gốm tất bật sản xuất...chó vàng tài lộc đón Tết
-
Tại sao Cung Tuấn vượt qua Tiêu Chiến, Vương Nhất Bác, nhờ 'Sơn Hà lệnh'?
-
`Gánh xiếc` Man Utd du đấu khắp Trung Đông
-
Vì sao người trẻ theo đuổi trào lưu 'dừng cống hiến cho công việc'
-
Google và Microsoft tăng cường sản xuất điện thoại và máy tính tại Việt Nam