Tại kỳ họp thứ 7 này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, khi xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác. Tiền Phong ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về những vấn đề trọng tâm tại kỳ họp này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi: Chống lợi ích nhóm khi làm luật
Có thể nói rằng, để một dự án luật có chất lượng thì vai trò của cơ quan soạn thảo là số một, còn vai trò của cơ quan thẩm tra cũng quan trọng không kém cơ quan trình dự thảo.
Theo tôi, tuổi thọ của luật thấp chính là do đánh giá tác động không đầy đủ; lấy ý kiến không toàn diện và xem xét thông qua chưa bảo đảm được lợi ích của đa số.
Trong xây dựng luật, cơ quan trình luật đôi khi có yếu tố lợi ích của ngành và thường người ta xây dựng luật có lợi cho cơ quan quản lý chứ không có lợi cho đối tượng chịu sự tác động. Quan điểm, định hướng, mục tiêu của Đảng là không cho phép các ngành làm như vậy. Thế nhưng trong quá trình soạn thảo, có thể một số ngành, một số bộ, hoặc một số cơ quan lồng thêm nội dung có lợi cho mình.
Chính vì thế, điều quan trọng nhất của cơ quan thẩm tra, các ĐBQH là tìm ra cái đó để khắc phục ngay trước khi thông qua dự thảo luật, đảm bảo cho luật không mang lợi ích nhóm. Không để luật ra đời nhằm phục vụ cho cơ quan quản lý mà phải giải quyết mối quan hệ xã hội, tức là bảo đảm lợi ích của đối tượng chịu sự tác động của luật. Cần phải lưu ý, pháp luật nào cũng bảo đảm lợi ích của các bên, lợi ích nhà nước, lợi ích tập thể, lợi ích của người lao động. Nghĩa là phải loại bỏ lợi ích cục bộ để hướng đến lợi ích chung.
ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đồng Tháp: Vấn đề nóng nhất là giá điện
Tại kỳ họp này, Quốc hội dành phần lớn thời gian cho việc xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy nhiên kỳ họp cũng diễn ra trong bối cảnh đời sống xã hội có rất nhiều vấn đề bức xúc dân sinh. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã thu thập được nhiều nguyện vọng của cử tri và đã tập hợp, gửi cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi tới Quốc hội. Tại các phiên thảo luận ở tổ, ở hội trường Quốc hội, đặc biệt tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập đến những vấn đề mà người dân quan tâm, mong muốn.
Đi vào vấn đề cụ thể, qua các lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi thấy vấn đề nóng hổi nhất hiện nay là giá điện. Cử tri băn khoăn trước việc điều chỉnh giá vừa qua, rồi mức tính điện bậc thang như vậy đã hợp lý chưa. Việc tăng giá điện tác động như thế nào đến các mặt hàng khác? Hay tình trạng xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, phải có giải pháp gì để ngăn ngừa?
Việc gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT năm 2018, dù đã qua gần một năm rồi, nhưng việc giải quyết vẫn chưa được như mong muốn. Rồi hiện nay, một bộ phận không nhỏ người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng chất kích thích, đặc biệt là ma túy, gây tai nạn giao thông, thiệt hại rất lớn về người và của… Đó là những vấn đề nóng, cần được nêu ra để đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp khắc phục hiệu quả.
Những vấn đề trên lại luôn gắn liền với những dự án luật mà Quốc hội đang bàn, như Luật Giáo dục sửa đổi, Luật Phòng chống tác hại rượu bia… Dù được thông qua hay mới chỉ cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này thì vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải góp ý, hoàn thiện. Rồi dự án luật được cử tri và nhân dân quan tâm nhiều nhất là Bộ luật Lao động sửa đổi. Có thể nói, bộ luật này liên quan đến hầu hết công chức, viên chức, như việc tăng tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh giờ làm. Bên cạnh đó còn hàng loạt các dự án luật có liên quan khác, như Luật Công chức viên chức, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ… đó là những dự án luật cần sự tham gia, vào cuộc tích cực của mỗi ĐBQH, làm cho từng vấn đề tốt lên.
Làm sao để luật đi vào cuộc sống, có hiệu lực thì phải có tuổi thọ lâu dài, chứ không phải thông qua rồi lại thấy còn gì thiếu thiếu, lại muốn sửa. Chẳng hạn như Luật Hình sự, đã ban hành rồi nhưng khi đi vào cuộc sống lại xảy ra những vướng mắc khi những vụ dâm ô, sàm sỡ trong thang máy lại không xử lý được hình sự, chỉ xử phạt hành chính với mức rất nhẹ, làm dư luận và nhân dân vô cùng bức xúc. Chính vì vậy, ĐBQH càng phải công tâm, khách quan, phát huy trí tuệ, tham gia đóng góp xây dựng luật, để khi thông qua luật, pháp lệnh, nghị quyết sẽ ăn sâu vào đời sống của người dân, sâu sát với người dân và tuổi thọ của luật phải được kéo dài.
TS. Bùi Đức Thụ, nguyên ủy viên thường trực ủy ban Tài chính – Ngân sách:
Tháo gỡ vướng mắc pháp lý để kinh tế tư nhân phát triển
Quốc hội đã ban hành luật đối với DN vừa và nhỏ. Trong đó xác định rõ cơ chế ưu tiên, ưu đãi trong việc tiếp cận vốn đối với DN tư nhân nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng. Luật này vừa mới được triển khai thực hiện. Theo tôi, cần tiếp tục tổng kết thực tiễn, tiếp tục triển khai thực hiện, xem vướng mắc gì, kết quả đạt được đến đâu? Việc tiếp cận nguồn vốn so với trước kia đang ở mức độ nào? Hiện đang gặp những trở ngại thế nào và giải pháp nào để khắc phục tình trạng đó?
Nhưng tôi cũng lưu ý rằng, giải pháp tháo gỡ cho khối DN nhỏ và vừa phải đặt trong tổng thể các giải pháp của kinh tế vĩ mô. Không thể phát triển bằng mọi giá đối với ngành này, nhưng lại để hậu quả rủi ro lớn đối với ngành khác được. Quan điểm chung là phải thu hút, khơi dậy các nguồn lực để phát triển, nhưng phải đảm bảo tính bền vững, ổn định, đó mới là mục tiêu chung về phát triển kinh tế xã hội.
Khó khăn thứ hai của kinh tế tư nhân là việc tiếp cận đất đai. Dù DN hoạt động trong lĩnh vực gì thì cũng cần phải mở trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện, nhà máy, xí nghiệp ở các địa phương. Nhưng trên thực tế, việc tiếp cận đất đai đối với DN tư nhân, đặc biệt DN nhỏ và vừa hết sức khó khăn. Ngoài những tập đoàn tư nhân lớn có doanh thu lớn, thậm chí là những quả đấm thép của nền kinh tế, việc tiếp cận vốn, đất đai tương đối dễ dàng. Thậm chí, nhiều DN tư nhân hiện nay còn có biểu hiện thâu tóm các mảnh đất vàng ở các khu trung tâm các tỉnh, thành, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi. Thậm chí họ cũng có thể huy động vốn trong dân như từ kinh doanh bất động sản.
Đó là cơ chế huy động, tiếp cận vốn mạnh, nhưng nó cũng chỉ tồn tại ở mấy “đại gia” thôi, còn đối với DN nhỏ và vừa nói chung thì tiếp cận vốn, đất đai hết sức khó khăn. Chính vì thế, chúng ta cần phải nhìn vào thực trạng này để có thể giải quyết được cái chung, khơi dậy động lực cho nền kinh tế. Tôi cho rằng, khi Quốc hội đang tổng kết, xem xét sửa Luật Đất đai, cần phải rà soát lại trên cơ sở thực tiễn, xem xét về cơ chế vướng mắc, đặc biệt cơ chế đối với DN tư nhân trong việc tiếp cận đất đai.
Nguồn 24h
-
Dịch COVID-19 'tấn công' công trường trọng điểm
-
Hot girl Nhã Phương tình tứ trai lạ
-
Tổng kết năm 2021 qua 'lăng kính' của người trẻ
-
Trồng thứ mít lạ khổng lồ, mỗi năm 'ăn chắc' 300 triệu
-
Công ty thiết kế, thi công nhà thép tiền chế uy tín tại Việt Nam - Chọn ngay Tân Khánh Steel
-
Chết mê xế nổ vàng Goldfinger, giá 19 tỷ đồng
-
Đi tìm quán bia "tủ" của người yêu môn thể thao vua ở Hà Nội trước thềm giải đấu vòng loại World Cup 2022
-
Giống gà nghìn USD của Việt Nam được `báo Tây` tán tụng
-
Thang giá điện... “cong và uốn lượn”
-
Đánh giá đào tạo doanh nghiệp khởi nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0