“Giấy tờ này do tôi quy định”

ngày 25/08/2014

Đại diện một doanh nghiệp cho biết khi thắc mắc là giấy tờ này do văn bản nào yêu cầu, thì có cán bộ thuế nói thẳng “do tôi quy định”. 

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng cơ quan quản lý
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng cơ quan quản lý
và người bị quản lý phải bình đẳng.


Câu chuyện về vấn đề con người thực hiện thủ tục lại được nhắc lại tại buổi làm việc vừa diễn ra giữa lãnh đạo Bộ Tài chính với các doanh nghiệp và hiệp hội nhằm thực hiện các mục tiêu về thuế trong Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nguy cơ từ “thói quen” của địa phương

Là người kể câu chuyện về cán bộ thuế tuyên bố “do tôi quy định”, bà Đặng Thị Bình An, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đại diện Công ty TNHH tư vấn thuế C&A, đề nghị Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trong ngành Thuế thực hiện nghiêm túc những quy trình, giấy tờ thủ tục đã được quy định trong văn bản pháp quy, cán bộ thuế tuyệt đối không được đặt thêm.

Thực tế, vẫn có những quy định không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, trường hợp cá nhân chuyển nhượng nhà ở duy nhất thì được miễn thuế thu nhập và người khai tự chịu trách nhiệm, nhưng có cơ quan thuế yêu cầu phải có xác nhận của chính quyền địa phương rằng đây là căn nhà duy nhất. Mà phường thì không chịu xác nhận với lý do không có thẩm quyền về việc xác nhận này.

“Thậm chí, tôi muốn khai thêm thu nhập cá nhân để đóng thuế nhưng cũng không được, cơ quan thuế yêu cầu phải có xác nhận của cơ quan trả thu nhập rằng đã chi trả từng ấy cho tôi”, bà An kể. Thậm chí, có những cục Thuế mà thủ tục ở tầng trên và tầng dưới đã không thống nhất.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế chỉ ra một điểm khiến cán bộ thuế có thể tùy tiện diễn giải, đó là việc nhiều Thông tư yêu cầu doanh nghiệp trình “các giấy tờ có liên quan khác” trong các hồ sơ, hóa đơn.

Cùng quan điểm này, ôngBùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết việc thực hiện chính sách, nhất là chính sách mới, ở các địa phương có sự vênh nhau nhất định. “Thói quen riêng của các chi cục thuế có thể sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu cắt giảm giờ nộp thuế cho doanh nghiệp”, ông Minh lo ngại.

Một điểm khác được ông Minh đề nghị là ngành Thuế phải có thời hạn cụ thể trong việc trả lời các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Hiện chưa có thời gian chuẩn mực cho việc này, doanh nghiệp phải đợi trung bình từ 2 – 3 tháng cho một kiến nghị, có khi đợi đến 5 tháng. Đây là chi phí vô hình nhưng không nhỏ mà doanh nghiệp phải gánh.

Cần thay đổi “con mắt” nhìn doanh nghiệp

Trực tiếp trả lời từng kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận cơ quan quản lý phải thay đổi cách nhìn. Đầu tiên là nguyên tắc cơ quan quản lý và người bị quản lý là bình đẳng. Thứ hai, người quản lý không thể “nhìn doanh nghiệp với con mắt nghi ngờ”, lúc nào cũng sợ doanh nghiệp vi phạm.

Về thời gian giải quyết vướng mắc, khiếu nại của doanh nghiệp, ông Tuấn cho biết Bộ trưởng Tài chính vừa có Chỉ thị yêu cầu Tổng cục Thuế rà soát, công khai quy trình giải quyết khiếu nại, thời gian trả lời doanh nghiệp. Đồng thời khẩn trương lập trang Thông tin điện tử lưu vết toàn bộ hồ sơ kiến nghị, khiếu nại, thắc mắc của doanh nghiệp, tức là công khai toàn bộ việc giải quyết, bao giờ có kết quả, hồ sơ bị tắc ở khâu nào…, tránh tình trạng doanh nghiệp phản ánh nhưng “lời nói gió bay”, ông Tuấn ví von.

Trước tình trạng không thống nhất ở cơ quan thuế các địa phương, lãnh đạo Bộ cho biết Bộ sẽ một mặt cấm việc cơ quan thuế tự đặt thêm các hồ sơ, giấy tờ. Đồng thời, nếu có tình trạng này, doanh nghiệp có thể phản ánh ngay trên trang Thông tin điện tử nói trên, Vụ Kiểm tra nội bộ (Tổng cục Thuế) sẽ trực tiếp kiểm tra ngay.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng nhất trí với kiến nghị bỏ cụm từ yêu cầu doanh nghiệp trình “ các giấy tờ có liên quan khác” trong các hồ sơ, hóa đơn. “Luật có thể quy định như vậy, Nghị định có thể quy định như vậy, nhưng đến Thông tư thì cần cái gì phải ghi cụ thể, “giấy tờ có liên quan khác” là cái gì, nếu không có thể áp dụng tùy tiện”, ông Tuấn phân tích.

Một nguyên tắc khác cần được áp dụng mạnh mẽ, đó là cái gì Nhà nước đã có thì không được yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm. Sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua nguyên tắc hoàn thuế của xuất khẩu, sau khi cơ sở dữ liệu hải quan đã hoàn thiện thì cơ quan thuế cũng không đòi tờ khai nữa. “Tờ khai Nhà nước đã có, tại sao lại còn đòi doanh nghiệp thêm một lần nữa, trong khi tờ khai mà hải quan có là chính xác nhất, không sợ bị làm giả”, lãnh đạo Bộ Tài chính đặt vấn đề.

Cũng liên quan đến việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý để giảm phiền hà cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn yêu cầu Tổng cục Hải quan sử dụng mã vạch trên tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu trong đó tích hợp các thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát hải quan và tiến tới phục vụ công tác quản lí của cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với hàng hóa xuất nhập khẩu lưu thông trên đường (như quản lý thị trường, công an…)

Về những khó khăn của doanh nghiệp khi mua hóa đơn của cơ quan thuế, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế ban hành quy định mới về quản lý hóa đơn, theo đó với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh… sẽ bỏ tất cả các thủ tục phê duyệt hiện nay, bỏ yêu cầu phải có chứng từ cho cán thuế khu vực, đội thuế duyệt, đồng thời cơ quan thuế phải tổ chức bán hóa đơn bất kỳ lúc nào trong giờ làm việc. Thực hiện biện pháp này, thay vì phải xếp hàng 3 ngày, 5 ngày, thì chỉ cần 5-10 phút mua được hóa đơn.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh hiện một số doanh nghiệp đặc thù như điện lực, viễn thông, ngân hàng, siêu thị… có số lượng khách hàng cá nhân nhỏ lẻ rất lớn, nếu tất cả các hóa đơn giao khách hàng đều phải lập 2 liên và lưu giữ liên 1 theo quy định thì rất tốn kém chi phí in ấn, bảo quản… Do đó, Bộ sẽ sửa đổi quy định, cho phép các doanh nghiệp này được thay thế liên 1 bằng bảng kê chi tiết số hóa đơn thực tế đã lập.

{fcomment}