Giá vàng trong nước và thế giới tăng - Khoảng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được rút ngắn về mức 3,3 triệu đồng/lượng

ngày 16/08/2013

Sáng nay 16/8, giá vàng miếng trong nước tăng vọt qua mốc 38 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới đêm qua tăng mạnh. Nhưng do mức tăng chưa tương đồng nên khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới rút ngắn về mức 3,3 triệu đồng/lượng.

 

Giá vàng tăng mạnh qua mốc 38 triệu đồng/lượng (ảnh: AH).
Giá vàng tăng mạnh qua mốc 38 triệu đồng/lượng (ảnh: AH).

 

Mở cửa thị trường lúc 9h sáng nay 16/8, giá vàng SJC tại Hà Nội và TPHCM được Tập đoàn VBĐQ DOJI niêm yết giao dịch ở mức 37,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 38,16 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán lẻ và 37,81 triệu đồng/lượng và 18,15 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.

So với chốt phiên chiều qua, giá vàng SJC phiên sáng nay được Tập đoàn DOJI điều chỉnh tăng mỗi chiều 40.000 đồng/lượng và 240.000 đồng/lượng.

Còn theo báo giá của Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý, giá vàng SJC tại Hà Nội giao dịch ở mức 37,83 triệu đồng/lượng - 38,2 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 70.000 đồng và 280.000 đồng/lượng.

Mở cửa thị trường lúc 8h sáng, giá vàng SJC tại TPHCM được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức 37,75 triệu đồng/lượng - 38,15 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 120.000 đồng/lượng và 230.000 đồng/lượng.

Dù điều chỉnh chiều bán ra tăng mạnh trong phiên sáng nay nhưng so với mức tăng của giá thế giới phiên đêm qua, giá vàng miếng trong nước vẫn chưa tăng tương đương. Chính điều này đã giúp cho khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp về mốc 3,3 triệu đồng/lượng.

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu phiên thứ 53 để chào bán tiếp 26.000 lượng vàng (tương đương 1 tấn vàng quy chuẩn). Tính từ ngày 28/3 đến 13/8, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 52 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.400.600 lượng trên tổng số 1.504.000 lượng chào thầu.

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước với các đơn vị tham gia đấu thầu vàng, bắt đầu từ tuần này, Ngân hàng Nhà nước chỉ tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng/tuần, thay vì 3 phiên/tuần như trước đây.

Trên thị trường thế giới, lúc 8h sáng nay, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của trang Kitco.com có biên độ giảm 2,5 USD, giao dịch ở mức 1.363,6 USD/ounce. Tuy nhiên, trước đó, giá vàng có thời điểm tăng vọt với biên độ gần 28 USD/ounce và có lúc còn chạm mức 1.371,4 USD/ounce.

Trên sàn Comex, giá vàng giao tháng 12 chốt phiên hôm qua tăng 2,1%, lên 1.360,9 USD/ounce. Đây là phiên có mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 22/7. Cũng trong phiên này, giá vàng có lúc đạt mốc cao nhất của ngày 19/6 là 1.369,6 USD/ounce.

Giá vàng tăng mạnh trước áp lực giảm giá của đồng USD so với các đồng tiền chính khác. Cùng với đó, nhu cầu vàng vật chất tăng mạnh tới 53% trong quý II, theo số liệu từ

Hội đồng vàng thế giới, cũng đẩy giá vàng tăng phiên hôm qua.

Theo nhận định của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ có thể lên 1.000 tấn/mỗi nước trong năm nay. Ngoài ra, việc quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới mua vào 2 tấn vàng phiên trước, nâng tổng số vàng dự trữ của quỹ lên 913,23 tấn cũng hỗ trợ niềm tin của giới đầu tư vào thị trường.

Các nhà phân tích kỹ thuật cho hay, giá vàng đã vượt qua mốc quan trọng 1.350 USD/ounce là dấu hiệu cho thấy giá mặt hàng kim loại quý này còn tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, trong bản tin mới nhất, Ngân hàng Tiên Phong cho rằng, giá vàng có thể tăng nếu các thông tin về kinh tế của Mỹ thiếu lạc quan, chỉ số đồng USD giảm, tình trạng giảm phát của nền kinh tế Mỹ không được cải thiện. Đặc biệt là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không dám mạnh tay cắt giảm chính sách nới lỏng định lượng QE trong tháng 9 như phát biểu của các quan chức lãnh đạo cục quản lý dự trữ liên bang Mỹ trong tuần đầu tháng 8.

“Song bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 2008 cho thấy, có thể có nhiều điều bất ngờ xảy ra. Khi xảy ra khủng hoảng, giá vàng không tăng mà còn giảm, đồng USD không mất giá mà còn tăng giá. Việc giá vàng, giá USD tăng hay giảm phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Mỹ, Mỹ mới là người quyết định xu thế biến động của giá vàng và USD. Trong khi đó, sự thực và những toan tính của Fed về chính sách tiền tệ thường được giữ kín không ai được biết, do đó cần cảnh giác và đề phòng những biến động bất thường về giá vàng”, ngân hàng này nhấn mạnh.

 

An Hạ

 


 

 

{fcomment}