Giá vàng hôm nay 10/7: Tăng thẳng đứng, lên đỉnh 9 năm

ngày 10/07/2020

Giá vàng trong nước

Tính tới 8h30 sáng 10/7, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 50,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,55 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 100 nghìn đồng ở cả 2 chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 50,12 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,59 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 280 nghìn đồng ở chiều mua vào và giảm 230 nghìn đồng chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch 9/7.

Giá vàng thế giới

Tới 8h30 sáng 9/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.802 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.818 USD/ounce.

Đêm 9/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.809 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 năm 2020 trên sàn Comex New York ở mức 1.819 USD/ounce.

Giá vàng hôm nay cao hơn 41,0% (526 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 51,2 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, cao hơn 950 nghìn đồng so với giá vàng trong nước.

Vàng thế giới chịu áp lực chốt lời khá lớn. Tuy nhiên, mặt hàng này vẫn vững trên ngưỡng 1.800 USD/ounce và chỉ còn cách đỉnh lịch sử ghi nhận 9 năm trước một khoảng cách không lớn.

Giá vàng thế giới chịu áp lực giảm đôi chút trong bối cảnh chứng châu Á tăng mạnh theo chứng khoán Mỹ giữa lúc dòng tiền dư thừa không biết đổ vào đâu và đã chảy mạnh vào các thị trường cổ phiếu.

Dòng tiền lớn đã áp đảo những lo ngại về sự gia tăng số ca nhiễm mới Covid-19 trên toàn cầu.

Dù vậy, ở vào thời điểm hiện tại vàng là một lựa chọn hàng đầu nhờ độ an toàn cao và dòng tiền dư thừa lớn cũng đã chảy không ngừng nghỉ vào mặt hàng kim loại quý này. Trong vài tháng qua, chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đã bơm một lượng tiền khổng lồ lên tới hàng nghìn tỷ USD vào các thị trường.

Nước Anh vừa công bố ngân sách 40 tỷ USD để kích thích nền kinh tế sau khi đã thông qua 350 tỷ USD trước đó. Trong khi đó, gói kích thích của Liên minh châu Âu (EU) cũng rất lớn, gần sát với đề xuất ban đầu. Nước Mỹ cũng có thể duyệt một gói kích thích bổ sung lên tới 1.000 tỷ USD trong tháng 8 tới.

Giá vàng hôm nay: treo trên đỉnh 9 năm.

Thông tin Mỹ tái khẳng định sẵn sàng nối lại đối thoại với Triều Tiên và Washington hoàn toàn ủng hộ hợp tác liên Triều cũng đã làm giảm đà tăng của giá vàng. Trước đó, căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên gia tăng sau khi Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều.

Tuy nhiên, tất cả chỉ là tạm thời. Căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trong đó có bán đảo Triều Tiên vẫn khó có thể giải quyết trong ngắn hạn.

Tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến xấu khiến nhu cầu đầu tư vào vàng đứng ở mức cao. Trong ngày thứ Tư, thế giới chứng kiến số người nhiễm Covid vượt ngưỡng 12 triệu người. Nước Mỹ chứng kiến số trường hợp nhiễm gia tăng ở 42/50 bang.

Vàng thế giới bắt đầu đà bứt phá từ tháng 3 với mức 1.450 USD/oounce và hiện là trên 1.800/ounce. Đây được cho là kết quả trực tiếp của các hành động từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và chính quyền ông Donald Trump. Để đối phó với đại dịch Covid-19 toàn cầu, Fed đã nới lỏng nhanh chóng chính sách tiền tệ. Fed đã bổ sung 3 nghìn tỷ đô la vào bảng cân đối kế toán của họ bằng việc mua chứng khoán được thế chấp, trái phiếu kho bạc và trái phiếu doanh nghiệp của Mỹ.

Tập Wells Fargo dự báo vàng có thể tăng thêm 500USD nữa vào cuối năm tới sau khi đã phá vỡ hàng loạt các ngưỡng cản quan trọng 1.300 USD/ounce, 1.400, 1.500, 1.600, 1.700 và giờ là 1.800 USD/ounce.

Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 9/7 đa số các cửa hàng vàng tăng giá vàng 9999 thêm khoảng 400-450 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.

Kết thúc phiên giao dịch 9/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 50,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,65 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 50,40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,82 triệu đồng/lượng (bán ra).


Nguồn: Báo VietnamNet